Vi phạm hành lang lưới điện cao áp: Đáng báo động

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) quản lý vận hành trên 16.591km đường dây, trong đó có 4.841 km đường dây 500 kV và 11.750 km đường dây 220 kV đi qua các tỉnh, thành phố và những vùng địa hình hiểm trở, đồi núi, sông ngòi… Gần đây, tình hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) gây sự cố có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho nền kinh tế, đã gióng lên hồi chuông báo động trong công tác quản lý an toàn công trình điện cao thế quốc gia.

Những hiểm họa khó lường

Điển hình là sự cố vi phạm HLATLĐ cao áp, đoạn đường dây 500kV Di Linh-Tân Định chiều 22/5/2013, dẫn đến sự cố gây mất điện 22 tỉnh, thành phía Nam gần 10 giờ, do xe cẩu cây chạm vào đường dây. Trước đó, ngày 20/1/2013, đường dây 500kV đoạn Nho Quan-Hà Tĩnh, do Truyền tải Điện Hà Tĩnh quản lý, cũng đã bị sự cố gây gián đoạn cung cấp điện, do một chiếc máy xúc đi dưới đường dây vi phạm khoảng cách an toàn.

Vụ tàu Bạch Đằng làm đứt một mạch cáp ngầm 220 kV của đường dây cấp điện từ Nhà máy điện Hải Phòng đi trạm Đình Vũ cách đây hơn một năm gây thiệt hại lớn, đến nay vẫn chưa khôi phục được. Sự cố đường dây 500 kV xảy ra vào lúc 10h ngày 5/6/2013 đoạn đi qua địa bàn xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên) làm 2 học sinh bị trọng thương.

Vào thời điểm nói trên, 2 em Trần Đức Phát 13 tuổi và Lê Ngọc Đức 17 tuổi, thường trú ở xã Cẩm Thịnh đã cùng trèo lên cột điện cao áp dùng sào chọc tổ chim. Dây cao áp đã phóng điện làm 2 em bị trọng thương, 1 em bị mờ cả 2 mắt, 1 em bị bỏng nặng ở hông và cánh tay phải.

Gần đây nhất, ngày 20/8, tàu của Vinashine Inco 09 cũng chạm vào đường dây 220 kV Phả Lại - Hải Phòng 2 khi đang lưu thông trên sông Kinh Môn, đoạn km 14+500, thuộc địa phận xã Kim Lương - Kim Thành - Hải Dương. Khi các cơ quan chức năng lập biên bản thì trên tàu không có chủ tàu, không xuất trình được lịch trình chạy tàu.

Nguyên nhân gây sự cố là do tàu Vinashine Inco 09 đã vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây 220 kV Phả Lại - Hải Phòng 2, gây phóng điện làm tổn thương cho dây dẫn, mặc dù đoạn km 14+500 trên sông Kinh Môn có đặt biển báo an toàn cả hai phía thượng lưu và hạ lưu. Đường dây này có nhiệm vụ truyền tải điện từ Nhà máy nhiệt điện Phả Lại cấp cho khu vực Hải Phòng, Thái Bình và Quảng Ninh. Sau sự cố trên, Công ty Truyền tải điện 1, đơn vị quản lý và vận hành đường dây đã phải tạm ngừng truyền tải khoảng 12 giờ để khắc phục.

Ngoài các sự cố do các phương tiện giao thông gây nên, còn loại sự cố thường gặp nữa là do người dân đốt nương rẫy, thả diều vướng vào dây dẫn... gây sự cố.

Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế diễn ra phổ biến - Ảnh: H.Hiếu

Phải xử lý nghiêm khắc

Rõ ràng những hành vi vi phạm HLATLĐ đã đến lúc gióng hồi chuông báo động, cần tăng cường tuyên truyền, triển khai giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm tra bảo đảm HLATLĐ cao áp. Tuy nhiên, tuyên truyền thôi là chưa đủ. Bởi một khi cơ quan thẩm quyền chưa có những biện pháp kiểm tra xử lý, chế tài đủ mạnh thì ý thức con người trong vấn đề bảo đảm HLATLĐ vẫn là tồn tại đáng lo ngại.

Trên thực tế, bên cạnh tình trạng xây dựng nhà ở và công trình vi phạm khoảng cách HLATLĐ luôn rình rập nguy cơ xảy ra sự cố bất cứ lúc nào còn phải kể việc khai thác khoáng sản, lắp đặt biển quảng cáo của các doanh nghiệp có dám chắc luôn tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp?… Thế nên, trước mắt, công tác kiểm tra, khắc phục bảo đảm an toàn lưới điện nên được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Những sự cố do vi phạm HLATLĐ đã gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đời sống tinh thần và cả tính mạng của người dân. Những vụ việc nêu trên cho thấy ý thức của một bộ phận người dân còn kém đối với việc bảo vệ HLATLĐ.

Nhưng quan trọng hơn là sự thiếu hiểu biết về những quy định của pháp luật liên quan đến HLATLĐ như Luật Điện lực năm 2005; Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Nghị định 81/2009/NĐ-CP; Nghị định số 68/2010 ngày 15/6/2010 quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực đã gây ra sự cố.

Ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng tại địa phương. Điều 12, Nghị định 106 quy định Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

Giải quyết vi phạm HLATLĐ cao áp đang là vấn đề nóng. Những vi phạm này xử lý không dễ, có nhiều vụ phải lập biên bản, phải vận động thuyết phục, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết nhiều lần mới xong. Những trường hợp cây trồng ngoài hành lang nhưng thân cây cao, hoặc do địa hình đồi, núi có độ dốc lớn (cây phía trên, đường điện phía dưới) thì nguy cơ gió, bão khiến cây đổ vào dây gây mất điện có thể xảy ra. Trong những trường hợp kể trên việc vận động người dân chặt bỏ cây trồng rất khó do đơn giá đền bù của địa phương thấp hơn nhiều so với giá thị trường (đặc biệt cây công nghiệp có giá trị lớn).

Từ thực tế trên, EVNNPT đã yêu cầu các công ty truyền tải điện tăng cường kiểm tra, qua đó sớm phát hiện vi phạm, nguy cơ vi phạm để kịp thời ngăn ngừa, xử lý theo quy định. Chủ động kết hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan dọc tuyến đường dây với nhiều hình thức phong phú như cắm biển báo tuyên truyền có in số điện thoại của đội quản lý đường dây ở nơi đông người, phát tờ rơi, bản cam kết để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm khi vi phạm... Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khuyến cáo, đề nghị tổ chức, cá nhân chuyển mục đích canh tác sang trồng cây ngắn ngày, độ cao thấp bên ngoài hành lang. Xử lý nghiêm khắc, đủ tính răn đe những hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các trường hợp cố ý vi phạm gây sự cố như trường hợp tàu Vinashine Inco 09.


  • 13/09/2013 10:30
  • Theo Hà Nội Mới online
  • 4343


Gửi nhận xét