GS.Viện sĩ.TSKH Trần Đình Long: Cần một Quy hoạch tổng thể về cấp điện cho các hải đảo

Xoay quanh vấn đề đảm bảo điện cho phát triển biển đảo tại Việt Nam, GS.Viện sĩ. TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã thẳng thắn góp ý và chia sẻ nhiều thông tin về cơ chế, chính sách, giá điện đối với cấp điện cho các đảo xa bờ chưa thể kéo điện lưới quốc gia.

PV: Thưa GS. Viện sĩ. TSKH Trần Đình Long, tại sao chúng ta không mạnh dạn triển khai nhiều hơn và sớm hơn các dự án cấp điện bằng cáp ngầm ra các huyện đảo, sau những thành công đã đạt được của các đảo như Cô Tô (tháng 10/2013) và gần đây nhất là đảo Phú Quốc ngày 6/2/2014?

GS.Viện sĩ Trần Đình Long

GS.Viện sĩ.TSKH Trần Đình Long: Chuyện đưa lưới điện quốc gia ra các đảo bằng cáp ngầm phụ thuộc vào nhiều yếu tố và rất tốn kém nên không phải đảo nào cũng có thể nối với lưới điện quốc gia vì có những đảo khi nối với điện lưới quốc gia chi phí sẽ quá lớn so với lợi ích mà nó mang lại.

Vì vậy để giải quyết vấn đề cấp điện cho cư dân ở các hải đảo, cần phải có những phương án linh hoạt, thích hợp. Với những đảo quá xa, chúng ta có thể kết hợp giữa diezel, điện gió, điện mặt trời, điện sóng biển (nếu có khả năng)... Do đó, mỗi một trường hợp cần được tính toán, nghiên cứu một cách chi tiết, ở đây ngoài những bài toán về kinh tế thì còn có những yêu cầu quan trọng hơn như về an ninh, quốc phòng. Nếu chúng ta duy trì được cuộc sống ở trên đảo bình yên, người dân làm ăn dễ dàng thì dân sẽ bám trụ trên hải đảo và đấy là một lực lượng để bảo vệ an ninh biển của đất nước.

PV: Trong công cuộc điện khí hóa nông thôn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, chúng ta cũng nhắc đến chuyện ưu tiên các nguồn năng lượng mới và tái tạo (điện gió, mặt trời và sóng biển) và thực tế Việt Nam cũng có tiềm năng về nguồn tài nguyên này. Vậy theo GS vì sao cho đến nay chúng ta vẫn chưa phát huy được thế mạnh này trên các huyện đảo?

GS.Viện sĩ.TSKH Trần Đình Long: Cơ bản là chúng ta chưa có một Quy hoạch tổng thể về cấp điện cho các hải đảo. Điện khí hóa ở đây không có nghĩa là nối với lưới điện quốc gia mà là giải quyết chuyện điện năng cho các đảo đó. Tuy nhiên, để thực hiện việc này một cách có khoa học, bài bản thì cần có một quy hoạch về các phương án cấp điện cho các hải đảo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, muốn phát triển được các nguồn năng lượng tái tạo này thì điểm mấu chốt hiện nay không phải là vấn đề công nghệ, kỹ thuật mà là vấn đề giá. Tôi lấy một ví dụ ở Đức, để phát triển được năng lượng gió, họ đã trợ giá rất mạnh cho phát triển năng lượng bằng sức gió. Thậm chí mức trợ giá đôi khi là bằng giá thành sản xuất. Ví dụ, nếu giá thành sản xuất ra 1kWh là 8cent Euro chẳng hạn thì người ta trợ giá thêm cũng độ 7-8cent Euro nữa... như vậy các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm bỏ tiền đầu tư, với những dự án mặt trời thì phải trợ giá nhiều hơn.

Năm 2014, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ có điện lưới quốc gia - Ảnh Vũ Lam

PV: Cũng như GS vừa đề cập thì đối với các đảo nối lưới điện quốc gia không hiệu quả thì phải kết hợp các nguồn điện chạy dầu diezel với điện gió, mặt trời hay sóng biển… Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện từ các nguồn này rất đắt đỏ, trong khi chúng ta đặt ra yêu cầu hướng tới một chính sách giá điện biển đảo giống như trong đất liền thì liệu có giải pháp nào để thực hiện thành công không, thưa GS?

GS.Viện sĩ.TSKH Trần Đình Long: Nếu không nối lưới được với hệ thống điện quốc gia thì hầu hết các phương án cấp điện độc lập đều có giá thành rất cao. Thậm chí cao gấp 2, gấp 3 lần giá điện trung bình mà chúng ta bán trên đất liền. Để giải quyết vấn đề này cần phải có một chính sách trợ giá hoặc hỗ trợ từ Nhà nước. Trên thế giới có nhiều cách làm khác nhau đối với vấn đề trợ giá hay là hỗ trợ cho các cư dân của các hải đảo. Bước tiếp theo là chúng ta cần có một Quỹ để phát triển điện lực hay là phát triển năng lượng các vùng hải đảo, biên giới. Quỹ này sẽ có nhiều cách làm như trích 1 phần lợi nhuận của các Công ty điện lực đóng góp vào trong Quỹ, vận động người dân trên đất liền đóng góp để giảm nhẹ gánh nặng về tiền điện ở hải đảo.

PV: Thưa GS, theo ông cơ quan nào sẽ triển khai xây dựng quy hoạch cấp điện cho các hải đảo ở Việt Nam cũng như nghiên cứu xây dựng các cơ chế cụ thể cho phát triển điện ở các hải đảo là phù hợp trong bối cảnh hiện tại?

GS.Viện sĩ.TSKH Trần Đình Long: Viện Năng lượng trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan lập quy hoạch phát triển điện lưới quốc gia. Nhà nước đặt hàng cho Viện Năng lượng lập quy hoạch về cấp điện cho các hải đảo ở Việt Nam,  trên cơ sở các yếu tố về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xếp thứ tự ưu tiên cấp điện. Cần phải tính toán mỗi năm sẽ triển khai tại bao nhiêu đảo, cấp điện bằng nguồn nào (diezel, điện gió, nguồn khác…) với chi phí là bao nhiêu, giá một kWh là bao nhiêu, từ đó tính ra mức trợ giá từng năm và khả năng thực hiện từng năm.

PV: Vấn đề ở đây không chỉ là chung một chính sách giá điện mà còn phải đảm bảo cả nguồn cấp đầy đủ và liên tục cho nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống dân sinh trên đảo?

GS.Viện sĩ.TSKH Trần Đình Long: Theo tôi đó là đầu tư ở cấp độ thế nào để cho thích hợp nhất, tất nhiên yêu cầu chất lượng càng cao, tính liên tục càng cao thì vốn đầu tư càng lớn. Vấn đề là có đủ tiền để làm việc đó hay không, và muốn có đủ tiền thì cần huy động từ nguồn lực nào mà thôi.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

 


  • 16/04/2014 08:13
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3518


Gửi nhận xét