Thu xếp vốn cho các dự án điện:Cần cơ chế thông thoáng hơn

Mỗi năm ngành Điện cần phải huy động từ 5 - 6 tỷ USD (tức là 100.000 - 125.000 tỷ đồng) đầu tư xây dựng. Trước những thách thức lớn trong thu xếp vốn đầu tư, ngày 17/02/2014, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị về vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách.

Nhu cầu vốn rất lớn

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch VEA đánh giá, năm 2013, doanh thu của EVN ước đạt 172.000 tỷ đồng, sau khi khấu trừ chi phí, bù một phần lỗ lũy kế nhiều năm và lỗ tỷ giá của các năm trước để lại... EVN chỉ có lãi khoảng 120 tỷ đồng. Với thực trạng trên, để thực hiện đầu tư xây dựng, vốn hiện có của EVN chỉ có thể đáp ứng được phần vốn đối ứng còn chủ yếu là nguồn vốn vay từ nguồn ODA do Chính phủ cho vay lại và các nguồn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), vốn ODA song phương (JICA, AFD, KFW), huy động từ các quỹ tín dụng người bán, tín dụng người mua và tín dụng hỗ trợ xuất khẩu hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Ông Dương Quang Thành – Phó tổng giám đốc EVN cho biết: Từ năm 2011 - 2013, EVN đã đầu tư và đưa vào 10 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 4.838 MW, đến năm 2015, EVN tiếp tục đưa vào vận hành 9 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 4.946 MW. Như vậy, tính chung cả giai đoạn 2011-2015, EVN sẽ đưa vào vận hành với tổng công suất là 9.784 MW bằng 100,8% so với Quy hoạch điện VII. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến EVN sẽ hoàn thành đưa vào vận hành thêm 4.920 MW công suất các nhà máy điện. Tương ứng với đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành Điện giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Trong đó giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỷ USD và giai đoạn 2021-2030 là 75 tỷ USD.

Mặc dù nhiều dự án điện đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các ngân hàng thương mại trong nước thu xếp, nhưng do nhu cầu vốn quá lớn nên các ngân hàng chưa thể thu xếp đủ vốn theo yêu cầu. Nhiều dự án vẫn đang trong quá trình thẩm định dự án, trình duyệt nội bộ các tổ chức tín dụng, một số dự án vay vốn trong nước đang chờ ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được cấp vượt hạn mức tín dụng đối với EVN, nên chưa ký được hợp đồng tín dụng chính thức.

Nhiều dự án lưới điện chậm tiến độ do thiếu vốn. Ảnh: Xuân Tiến

Cần cơ chế thông thoáng hơn

Trước những thách thức, khó khăn về vốn như trên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành cần kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, nhằm đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính, bổ sung cho nguồn vốn đầu tư, đồng thời sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế khác trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư vào  các dự án nguồn điện.

Cùng với đó, VEA kiến nghị Chính phủ ưu tiên cho EVN vay nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên. Ngoài ra, để thuận tiện cho quá trình vay vốn tại các ngân hàng thương mại, cần xem xét việc giới hạn tỷ lệ 15% - 25% vốn tự có của EVN. Đồng thời, Chính phủ và các bộ ngành cần nghiên cứu cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị nội địa. EVN cần một cơ chế đặc thù trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong nước và trái phiếu quốc tế. Nên rút gọn quy trình và thủ tục đàm phán các dự án nguồn điện thực hiện theo hình thức BOT đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Hiệp hội Năng lượng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong nước về nguồn vốn qua việc cho vay tái cấp vốn với thời hạn dài, lãi suất hợp lý, trình Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, điều kiện tín dụng, bảo đảm tiền vay… cho các dự án điện trọng điểm quốc gia. Đồng thời miễn thẩm định tính khả thi của các dự án nguồn điện lớn khi cho vay, vì các dự án nguồn điện đã được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ, hoặc các bộ liên quan phê duyệt.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:

Theo Quy hoạch điện VII, giai đoạn 2011-2020 cả nước phải xây dựng 54 nhà máy nhiệt điện than. Ngoài ra, còn các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện, thủy điện tích năng và điện hạt nhân. Giải pháp tháo gỡ vốn hiệu quả nhất là để các “trụ cột năng lượng” tự quyết định giá theo cơ chế thị trường, từ đó có thêm cơ hội kêu gọi đầu tư vào các dự án điện.

Ông Bùi Văn Thạch – Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương:

Giá bán điện tại các nước trong khu vực hiện nay khoảng 11-12 cent/kWh, thậm chí Campuchia tới 15-22 cent/kWh tùy từng vùng. Trong khi ở Việt Nam, giá bán điện vẫn do Chính phủ quyết định với mức trung bình khoảng 7 cent/kWh. Việc bao cấp giá điện quá lâu, thậm chí bao cấp cho cả doanh nghiệp nước ngoài đã làm méo mó thị trường. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi giá nhiên liệu đầu vào đang áp sát giá thị trường, giá đầu ra do Chính phủ áp trần khiến giá thành điện nhiều khi cao hơn giá bán, các doanh nghiệp điện lực nếu có lợi nhuận thì rất khiêm tốn Đây là nguyên nhân chính khiến ngành Điện không thu hút được vốn từ các nhà đầu tư, ngân hàng cũng không mặn mà cho vay. Chính vì vậy, cần đẩy nhanh lộ trình hình thành thị trường bán lẻ điện, nới lỏng cơ chế giá, đưa giá điện về giá trị thật của nó thì mới thu hút được các nhà đầu tư.

 


  • 16/05/2014 07:39
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2587


Gửi nhận xét