Thông tin - tuyên truyền về điện hạt nhân: Cần những giải pháp đột phá

Là một trong 19 vấn đề thuộc kết cấu hạ tầng phát triển điện hạt nhân (theo hướng dẫn của IAEA), hoạt động thông tin - tuyên truyền tại Việt Nam đã tiến hành khá lâu, song chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. Vì vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân cho rằng, cần có những giải pháp đột phá cho vấn đề thông tin - tuyên truyền về điện hạt nhân.

Xây dựng đội ngũ chuyên trách

Đánh giá hoạt động thông tin - tuyên truyền về điện hạt nhân thời gian qua, ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ KH&CN) cho biết, nhiều triển lãm, hội thảo, sự kiện về điện hạt nhân đã được tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thuận… đồng thời, đã thành lập và duy trì hoạt động của Trung tâm Thông tin Năng lượng nguyên tử tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Phòng trưng bày về điện hạt nhân tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam… với nhiệm vụ cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, từng bước đạt được sự đồng thuận của công chúng đối với chương trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam.

Ngày 28/2/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 370/QĐ-TTg), khẳng định vai trò và xác định nhiệm vụ cụ thể của lĩnh vực hoạt động này. Tuy nhiên, kết quả hoạt động trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Phân tích nguyên nhân và những khó khăn trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân, ông Nguyễn Phi Long - Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động thông tin, tuyên truyền tại tỉnh Ninh Thuận chưa thực sự được quan tâm. Do đó, Sở KH&CN, UBND tỉnh Ninh Thuận và một số cơ quan, ban ngành địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai nhiệm vụ này.

Để tăng cường hoạt động thông tin – tuyên truyền về điện hạt nhân trong thời gian tới, cần thiết phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, khóa đào tạo cho những cán bộ làm công tác thông tin – tuyên truyền. Ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Mục tiêu là hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn, có khả năng làm việc độc lập, được trang bị những kiến thức cơ bản và nâng cao, từ đó, có thể triển khai hoạt động thông tin - tuyên truyền tại nhiều giai đoạn khác nhau của Chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam”.

Các chuyên gia nước ngoài và trong nước tham quan địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 - Ảnh: P.T

Thông tin đa chiều và phản hồi kịp thời

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được khởi công vào năm 2014, song đến nay kế hoạch này đã bị chậm. Theo ông Nguyễn Phi Long, hiện tại vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công xây dựng công trình nhà máy chính, do đó, xuất hiện những thông tin không chính thống ảnh hưởng đến tâm lý của người dân tại vùng Dự án. Trong khi đó, công chúng nói chung, đặc biệt là người dân địa phương (nơi đặt nhà máy điện hạt nhân) có tiếng nói quyết định đối với thành công của Dự án điện hạt nhân.

Vì vậy, ông Long cho rằng, hoạt động thông tin - tuyên truyền cần phải được tiến hành một cách hệ thống, thường xuyên, lâu dài, thông tin đa chiều và có phương án phản hồi kịp thời để có được nhận thức đúng đắn, đạt được sự đồng thuận của công chúng, xây dựng văn hóa an toàn; tiến hành đồng bộ, phù hợp với tiến độ của Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, góp phần vào thành công chung của Chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Ở một góc độ khác, ông Phạm Quang Trung – Nguyên Phó cục trưởng Cục NLNT cho biết, trường hợp xảy ra sự cố điện hạt nhân, việc quản lý, phương pháp truyền tải nội dung thông tin có vai trò quan trọng giúp “ổn định” xã hội và giảm tối đa hậu quả tiêu cực. Yếu tố cốt lõi của thông tin trong trường hợp này là chính xác, ý kiến khách quan của chuyên gia và phát ngôn chính thức từ đơn vị quản lý.

Bên cạnh đó, hầu hết các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải xây dựng kế hoạch dài hạn, thực hiện hoạt động thông tin - tuyên truyền về điện hạt nhân tại mỗi cơ quan/đơn vị, trước hết giai đoạn 2016 – 2020; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức và quốc gia, đặc biệt là IAEA; hình thức thực hiện phải đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, từng nhóm đối tượng và từng địa phương (tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền lưu động, sử dụng các mạng xã hội). Tổ chức khảo sát sự hiểu biết công chúng về điện hạt nhân bởi theo kinh nghiệm quốc tế, đây là hoạt động rất quan trọng, cần tiến hành liên tục hàng năm với thiết kế nội dung, hình thức thông tin - tuyên truyền phù hợp, đạt hiệu quả cao. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan, trong việc thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân.

Ông Lê Văn Hồng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam: “Thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân phải chính xác”

Thách thức đặt ra đối với điện hạt nhân tại Việt Nam không chỉ là đảm bảo an toàn, vấn đề xử lý chất thải phóng xạ, không phổ biến vũ khí hạt nhân mà còn có cả các vấn đề về cơ sở hạ tầng pháp lý và kỹ thuật, đảm bảo nguồn nhân lực trình độ cao và tài chính. Vì vậy, nếu những thông tin cung cấp cho công chúng không chính xác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp nhận thông tin, thậm chí dẫn tới sai lệch, từ đó tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều trong cộng đồng.

Phạm Hương – PV Báo điện tử Vnexpress: “Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại”

Trong thời gian tới, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan cần tiếp tục cung cấp thông tin về điện hạt nhân thường xuyên và kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn về điện hạt nhân để phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí có góc nhìn toàn diện và chính xác về lĩnh vực này.

 


  • 12/08/2015 10:09
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3721


Gửi nhận xét