Tấm lòng với những người mẹ Quế Sơn

Những ngày cuối tháng Ba, từ TP Đà Nẵng, Đoàn CBCNV Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã lặn lội vượt hàng chục cây số đến với Quế Sơn đất mẹ ân tình (lời bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thậm) để  dâng hương tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đồng thời thăm hỏi động viên những Mẹ Việt Nam Anh hùng đơn vị đang phụng dưỡng.

Đến thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) khi trời đã xế trưa, chúng tôi chỉnh lại trang phục gọn gàng,vào thắp hương cho mẹ Trần Thị Sen (đã mất năm 2004, thọ 84 tuổi). Tiếp chúng tôi trong căn nhà tôn chật chội là vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Anh (48 tuổi, cháu nội duy nhất của mẹ Sen). Vợ chồng anh Anh là người đã trực tiếp chăm sóc mẹ Sen khi mẹ còn sống và hiện nay đang thờ phụng, lo hương khói cho mẹ.

Thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ để bày tỏ tấm lòng thành kính, đồng chí Phó Bí thư Đảng uỷ EVN CPC Tăng Tấn Ngân bùi ngùi nhớ lại, cơ quan nhận phụng dưỡng mẹ Sen từ năm 1996. Lúc còn sống, mẹ có thói quen hàng ngày tự múc nước giếng lên để tắm, mẹ sống mộc mạc, chất phác lắm.

CBCNV Tổng công ty Điện lực miền Trung thắp hương viếng mẹ Trần Thị Sen

Nghe kể về mẹ, tôi cứ mường tượng mẹ là hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh. Từ ấn tượng ấy, tôi đi sâu tìm hiểu thì được biết trước đây mẹ làm nghề nông, quê ở xã Quế Long (huyện Quế Sơn, tỉnh Quãng Nam). Mẹ Sen có đến 10 người con. Trong các cuộc kháng chiến, mẹ có 3 người con và chồng đã đều đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thêm một người con gái khác của mẹ cũng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đến ngày đất nước được hoà bình, độc lập thì con gái mẹ Sen là thương binh nặng. Đến năm 1992, con cháu trong gia đình bàn bạc đưa mẹ đến ở với vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Anh (thôn Lãnh Thượng 2, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn) để tiện bề chăm sóc. Cuộc đời của mẹ cứ thế trôi qua đạm bạc, thanh thản trong tình thương yêu, sự biết ơn của cháu con, hàng xóm và hàng triệu người dân Việt Nam may mắn được sống trong một đất nước thanh  bình, ấm no.

Theo lịch trình, Đoàn chúng tôi tiếp tục đến thăm mẹ Phạm Thị Thuỳ (93 tuổi). Con đường đất dẫn vào nhà mẹ men theo cánh đồng lúa đang độ chín vàng trĩu hạt gợi lên khung cảnh thanh bình đặc trưng của miền quê Việt Nam. Nghe tiếng chó sủa râm ran đầu ngõ, mẹ vịn vào chiếc xe đẩy cố gắng tiến ra phía góc nhà dõi mắt theo. Nhận ra anh em EVNCPC đến thăm, gương mặt mẹ bổng trở nên rạng rỡ, mẹ cười hiền hậu rồi hớn hở bắt tay, hỏi thăm sức khoẻ từng người một.

Mẹ Thuỳ vui mừng rạng rỡ như lâu ngày gặp lại người thân

Trò chuyện với mẹ, chúng tôi được biết lúc còn trẻ, mẹ Thuỳ có thời gian thoát ly theo đoàn bộ đội nấu ăn phục vụ các anh. Đến năm 1975, đất nước được giải phóng, nghe tin người con trai Đặng Ngọc Năm còn sống duy nhất trong 6 người con mẹ mang nặng đẻ đau từ miền Bắc trở về, hai mẹ con được đoàn tụ trong niềm hân hoan đất nước hoà bình, độc lập.

Hiện nay, mẹ Thuỳ đang sống với người con trai Đặng Ngọc Năm (57 tuổi) và con dâu Châu Thị Tâm (54 tuổi). Ông Năm kể: “Vừa rồi mẹ bị ngã nặng không đi lại được, gia đình cần mẫn động viên mẹ tập đi từng bước nhờ sự hỗ trợ của chiếc xe đẩy này”. Chúng tôi hỏi bây giờ mẹ có ước muốn gì không thì mẹ nói, được sống bên con cháu thế này là mãn nguyện lắm rồi.

Rời nhà mẹ Thuỳ dưới những rặng cau xanh rì toả bóng thanh bình, chúng tôi đến thăm mẹ Lê Thị Chài (sinh năm 1945, ở xã Quế Long, huyện Quế Sơn) với lòng biết ơn, cảm phục đức hy sinh lớn lao, cao cả của gia đình các mẹ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Mẹ Chài hỏi han, dặn dò từng người phải sống cho tốt

Chúng tôi vừa vào đến nhà, mẹ Chài liền giục con cháu kéo ghế, vui mừng nắm tay hỏi han như lâu ngày gặp lại người thân. Vừa hỏi thăm sức khoẻ mọi người, mẹ Chài tỏ vẻ áy náy: “Các con đến thăm mẹ mừng lắm, nhưng vì không biết trước nên mẹ không có chi đãi cả, chỉ uống nước nói chuyện suông thôi”. Tự đáy lòng mình, chúng tôi muốn nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, chỉ cần thấy mẹ vui, khoẻ là chúng con cảm thấy ấm lòng rồi. Chúng con mong mẹ sống thật lâu để được thường xuyên đến thăm mẹ, được nghe mẹ tâm tình chỉ bảo những điều hay lẽ phải tích cóp cả một đời người”.

Từ đầu năm 2012, EVN CPC đã nâng mức phụng dưỡng hàng tháng đối với các mẹ từ 500.000 đồng lên thành 1 triệu đồng. Đây là tấm lòng và cũng là bổn phận của CBCNV cơ quan Tổng công ty nhằm chia sẻ khó khăn, giúp các mẹ có điều kiện an dưỡng tuổi già.

 


  • 24/04/2012 09:02
  • Lê Hải
  • 3886


Gửi nhận xét