Hồ, đập thủy điện Hòa Bình đảm bảo an toàn sau mùa mưa bão

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn khoa học và công nghệ đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện Sông Đà. Đoàn đã kiểm tra hồ, đập thủy điện Hòa Bình vào ngày 9/12.

Tham gia buổi kiểm tra còn có đại diện Ban Kỹ thuật - Sản xuất, Ban An toàn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá cao Công ty Thủy điện Hòa Bình đã thực hiện nghiêm túc các quy định vận hành hồ, đập thủy điện Hòa Bình trong mùa mưa lũ năm 2022. Hiện tại, qua quan sát bằng mắt thường và số liệu báo cáo cho thấy công trình hồ, đập hiện vận hành an toàn, ổn định sau mùa mưa bão.

Đoàn công tác nghe báo cáo và kiểm tra thực tế tình hình vận hành hồ, đập thủy điện Hòa Bình sau mùa mưa bão

Ông Nguyễn Đình Hậu cũng đánh giá cao Công ty Thủy điện Hòa Bình đã duy trì thực hiện việc kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước theo các chế độ: thường xuyên; trước mùa mưa; sau mùa mưa; sau khi có mưa, lũ lớn hoặc xảy ra các bất thường trong khu vực công trình… Công ty cũng thực hiện các chế độ báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước định kỳ hằng năm theo quy định. Kết quả kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước thủy điện Hòa Bình cho thấy công trình đang ổn định và an toàn.

Đoàn công tác làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình ngày 9/12/2022

Theo ông Lê Xuân Quyết – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, trong mùa lũ năm 2022, tình hình thủy văn trên lưu vực sông Đà diễn biến bất thường. Lũ lớn chỉ xuất hiện trong thời kỳ lũ sớm (từ ngày 15/6 đến ngày 19/7). Lưu lượng lớn nhất về hồ đạt 8.450 m3 lúc 21h ngày 15/6/2022, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phải thực hiện điều tiết 3 đợt xả lũ qua tràn. Đợt xả lớn nhất là mở 5 cửa xả đáy với tổng lưu lượng xả xuống hạ lưu 10.600m3. Tổng lượng nước xả qua tràn cả 3 đợt là 7,18 tỷ m3, tương ứng với sản lượng điện là 1,60 tỷ kWh.

Thời kỳ lũ chính vụ và lũ muộn (từ ngày 20/7 đến ngày 15/9), trên lưu vực chỉ xuất hiện lũ nhỏ, thời gian duy trì lũ ngắn nên tổng lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tính trong cả mùa lũ (từ ngày 15/6 đến ngày 15/9), tổng lượng nước về hồ chỉ đạt 21,7 tỷ m3, bằng 70% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Ngày 15/9, kết thúc mùa lũ nhưng mực nước hồ Hòa Bình chỉ đạt 109,4m, thấp hơn mức quy định là 3,5m.

Tổng lượng nước về hồ tính đến hết ngày 30/11/2022 đạt 46,342 tỷ m3, bằng 89% so cùng kỳ trung bình nhiều năm. Mặc dù tình hình thủy văn diễn biến bất thường ở thời kỳ lũ sớm, tuy nhiên với sự phối hợp điều tiết nước hợp lý, công ty đã tận dụng tối đa lượng nước phát điện và tích nước hồ sẵn sàng cấp nước chống hạn phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân đầu năm 2023. Năm nay, công ty phấn đấu phát điện vượt mức sản lượng kế hoạch điều chỉnh là 9,1 tỷ kWh.

Thực hiện sự phối hợp điều hành giữa Bộ NN&PTNT và EVN, trong mùa khô, Công ty Thuỷ điện Hoà Bình tham gia công tác chống hạn với 3 đợt tăng cường phát điện xả nước cho nông nghiệp, tổng lượng nước xả cả 3 đợt là 2,38 tỷ m3

Đối với dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng mà EVN đang triển khai, công ty cũng phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Điện 1 – đơn vị quản lý điều hành dự án, để thực hiện công tác giám sát đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Các báo cáo kỹ thuật quan trắc, báo cáo kết quả đo giám sát nổ mìn đều cho thông số trong giới hạn cho phép theo quy định.


  • 09/12/2022 05:00
  • Lê Việt
  • 4687