Diễn văn của Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Điện Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2014)

Hôm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2014), thay mặt cho toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành Điện, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mẹ Việt Nam anh hùng; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể; xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ lão thành ngành Điện Việt Nam qua các thời kỳ; nhiệt liệt chào mừng các vị khách quốc tế và toàn thể các quý vị đại biểu có mặt trong buổi lễ hôm nay.

 Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu

Tròn 60 năm trước, vào ngày 21/12/1954, giữa bộn bề công việc của Đảng và Chính phủ sau khi tiếp quản Hà Nội, Bác Hồ kính yêu đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại đây, Người đã căn dặn: "... Nhà máy bây giờ là của Chính phủ, của nhân dân, của các cô, các chú. Các cô, các chú phải cùng nhau gìn giữ và phát triển nó lên...”. Từ đó, trong tâm nguyện của cán bộ công nhân ngành Điện, ngày 21/12 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của ngành, gắn bó với hình ảnh Bác Hồ và những lời dặn dò ân tình của Bác.

Ngày 21/12/2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống - Ảnh: Vũ Lam

Gần một năm sau khi Bác Hồ về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ, ngày 21/7/1955, cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về lĩnh vực điện lực là Cục Điện lực được thành lập. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cán bộ công nhân ngành Điện đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, tiếp quản, củng cố các cơ sở điện lực nghèo nàn do chế độ cũ để lại, sửa chữa phục hồi các nhà máy, đường dây tải điện để duy trì sản xuất điện phục vụ cho công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh. Chính phủ chắt chiu các nguồn vốn dành cho ngành Điện khởi công xây dựng năm 1956 các công trình điện mới như Nhà máy điện Vinh 8 MW, Lào Cai 8 MW, Hàm Rồng-Thanh Hóa 6 MW; tiếp đó là các Nhà máy điện Uông Bí 48 MW, Thái Nguyên 24 MW, Hà Bắc 12 MW nối tiếp được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo nên những bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống điện ở miền Bắc trong những năm tiếp theo.

Trong giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc, đã có 9 nhà máy điện đi vào vận hành, kết nối với nhau bằng hàng trăm km lưới điện từ 6 kV tới 110 kV, tạo thành hệ thống điện đầu tiên của miền Bắc. Điện được cung cấp cho các thành phố, các khu công nghiệp Việt Trì, Thái Nguyên, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, trung tâm các tỉnh đồng bằng, một số tỉnh trung du, miền núi, tạo điều kiện cho công, nông nghiệp phát triển, cải thiện một bước đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đến năm 1965, với những kết quả của 10 năm khôi phục và xây dựng ngành Điện, ở miền Bắc công suất nguồn điện đã đạt 176 MW, gấp 5,6 lần so với năm 1954, tăng trưởng bình quân 21%/năm; sản lượng điện đạt 659 triệu kWh, tăng 11,7 lần so với năm 1954, đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm lần thức nhất ở  miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm tháng chiến tranh (1964-1975) ở miền Bắc, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt. Tất cả hạ tầng của ngành Điện gồm các nhà máy điện, kho tàng, mạng lưới điện đều là các trọng điểm bị oanh tạc thường xuyên, các Nhà máy điện Yên Phụ, Hàm Rồng, Vinh, Uông Bí bị đánh phá ác liệt nhiều lần, thiết bị, nhà xưởng ở các nhà máy bị hư hỏng nặng nề. Nhưng bom đạn và mất mát không khuất phục được ý chí tinh thần cách mạng của những người thợ điện, vừa kiên cường bám trụ sản xuất vừa cầm súng đánh giặc. Để giữ vững dòng điện, nhiều cán bộ, công nhân ngành Điện đã ngã xuống với tinh thần bất khuất “ Trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt”, “Mỗi công nhân ngành Điện là một chiến sỹ kiên cường trong sản xuất và chiến đấu bảo vệ nguồn điện”. Hình ảnh những ống khói nhà máy điện vươn cao nhả khói báo hiệu nhà máy trở lại hoạt động ngay sau những trận bom đạn ác liệt đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi là niềm tự hào của những người thợ điện Việt Nam.

Song song với nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, trong những điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ của chiến tranh, được sự giúp đỡ của các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc, ngành Điện đã xây dựng các nhà máy điện mới như Thuỷ điện Thác Bà (108 MW năm 1972), Nhiệt điện Ninh Bình (100 MW năm 1971), mở rộng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí (105 MW) cùng với đó là hàng trăm km đường dây, trạm biến áp truyền tải và phân phối.

Một thời kỳ hào hùng vừa đánh giặc vừa sản xuất đã ghi danh vào lịch sử đất nước, lịch sử ngành Điện với những Tập thể đơn vị Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang như Nhà máy điện Uông Bí, Nhà máy điện Hàm Rồng, Nhà máy điện Vinh, Nhà máy điện Việt Trì, Nhà máy điện Yên Phụ; các cá nhân Anh hùng lao động Mai Tinh Kang, Đỗ Tranh, Huỳnh Ngọc Đủ, Trương Quang Thâm, Lê Kim Hồng, Phan Văn Diêm.

60 năm qua, nhiều thế hệ người làm điện Việt Nam đã không ngừng cống hiến và hi sinh cho sự nghiệp phát triển điện lực Việt Nam, nhằm xứng đáng với niềm tin của nhân dân giao phó - Ảnh: V.L

Từ năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, hàng trăm cán bộ, kỹ sư ngành Điện đã kịp thời vào tiếp quản các cơ sở điện lực ở các tỉnh, thành phố ở miền Nam mới giải phóng, khôi phục duy trì sản xuất các Nhà máy điện Chợ Quán, Thủ Đức, Cần Thơ, Thủy điện Đa Nhim, các đường dây 230 kV Đa Nhim - Sài Gòn, đường dây 66 kV Cần Thơ - Rạch Giá. Cuối năm 1975, sau khi sửa chữa, phục hồi sản xuất các nhà máy điện ở cả ba miền, tổng công suất các nguồn điện trong cả nước đạt 1.326 MW, sản lượng điện sản xuất đạt 2,95 tỷ kWh. Ngành điện cùng cả nước bước vào thời kỳ 10 năm khôi phục phát triển kinh tế sau chiến tranh 1976-1985 với muôn vàn gian nan thử thách.

Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới, tạo ra những động lực, tiềm năng mới cho phát triển đất nước. Từ đó, ngành Điện Việt Nam có điều kiện tập trung các nguồn lực về vật chất, kỹ thuật, nhân lực để thực hiện quy hoạch phát triển điện lực dài hạn. Vào thời gian này, nhiều công trình điện quy mô lớn được đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất để đáp ứng điện cho yêu cầu phát triển kinh tế, như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình lớn nhất Đông Nam Á với công suất 1.920 MW (khởi công năm 1979, hoàn thành năm 1994); Nhiệt điện Phả Lại 440 MW (1986); Thuỷ điện Trị An 400MW (1991), Nhà máy tuabin khí Bà Rịa 200 MW và Thuỷ điện Vĩnh Sơn 66 MW (1994), Thuỷ điện Thác Mơ 150 MW (1995). Cùng với đó hệ thống đường dây và trạm 220 kV đã được xây dựng như đường dây 220 kV Phả Lại - Hà Đông, Phả Lại - Hải Phòng, Hà Đông - Thanh Hoá, Thanh Hoá - Vinh, Vinh - Đồng Hới, Trạm biến áp 220 kV Chèm, Trạm 220 kV Đồng Hoà, v.v.... Rất nhiều các đồng chí có mặt tại đây đã từng trải qua những ngày đêm lao động vất vả nhưng sôi nổi, tràn đầy khí thế và nhiệt huyết trên những công trường Thanh niên cộng sản Hòa Bình, Trị An, Phả Lại. Những giai điệu tự hào “Tiếng gọi Sông Đà” cùng với “Trị An âm vang mùa xuân” ngợi ca những năm tháng hào hùng, vẫn tiếp tục được các thế hệ những người thợ xây dựng điện tiếp nối, cất cao trên các công trình xây dựng điện hôm nay.

Năm 1992, Chính phủ quyết định xây dựng hệ thống tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam với chiều dài 1.487 km và 4 trạm biến áp 500 kV. Chỉ sau 2 năm xây dựng, ngày 27/5/1994, công trình được đưa vào vận hành trở thành sự kiện lịch sử của đất nước, đánh dấu một mốc son trong sự phát triển ngành Điện khi hệ thống điện ba miền Bắc - Trung - Nam hợp nhất thành hệ thống điện quốc gia, cho phép khai thác tối ưu, hiệu quả nguồn điện của cả nước để cung ứng điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội. Đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 được hoàn thành trong một thời gian ngắn kỷ lục trong những điều kiện khó khăn của 20 năm trước là một bản anh hùng ca trong thời kỳ đổi mới, là niềm tự hào của đất nước. Công trình đã để lại nhiều bài học cho các thế hệ cán bộ công nhân ngành Điện, đó là bài học về tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, tất cả vì sự nghiệp chung; là bài học về tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tự đổi mới và phát triển. Cũng trong những tháng năm xây dựng đường dây 500 kV, cán bộ công nhân ngành Điện càng thấm thía, biết ơn sâu sắc sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với ngành Điện, những hình ảnh xúc động về Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ thường xuyên bám sát, kiểm tra thực địa để giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, động viên khí thế lao động trên công trình, sẽ luôn luôn được ghi nhớ sâu sắc trong trong tâm thức các thế hệ CBCNV ngành Điện.

Đến năm 1995, 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, ngành Điện đã  xây dựng và phát triển hệ thống điện tương đối đồng bộ, đồng hành với các chương trình phát triển kinh tế xã hội 5 năm của đất nước và các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, thực hiện thành công các Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn I (1981-1985), giai đoạn II (1986-1990), giai đoạn III (1991-1995), công suất lắp đặt nguồn điện cả nước đã đạt 4.550 MW (gấp hơn 3 lần so với năm 1975), sản lượng điện đạt 14,6 tỷ kWh (gấp gần 5 lần so với năm 1975).

Một sự kiện đáng ghi nhớ là vào ngày 01/01/1995, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức ra mắt, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị điện lực thuộc Bộ Năng lượng. EVN được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ đạo đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh –xã hội và đời sống của nhân dân và trong đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

Sản lượng điện thương phẩm cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, từ 22,4 tỷ kWh năm 2000 lên mức 127 tỷ kWh năm 2014 - Ảnh: VL

Bước vào thế kỷ 21, Đảng và Chính phủ đã có những quyết định lớn về Chiến lược phát triển ngành Điện, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về đa dạng hoá đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng điện lực. Ngành Điện Việt Nam bắt đầu thời kỳ phát triển mạnh mẽ, các cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực điện lực được mở rộng. Ngành Điện có thêm nhiều thành viên mới, bên cạnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thêm Tổng Công ty Điện lực Dầu khí, Tổng Công ty Điện lực Vinacomin, hàng chục các nhà máy điện độc lập IPP do các doanh nghiệp ngoài EVN đầu tư và vận hành như Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Sông Đà và nhiều các doanh nghiệp khác, bên cạnh đó có các nhà máy điện BOT quy mô lớn như Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2-2 của các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả cùng  chung tay chung sức gánh vác sự nghiệp phát triển điện của đất nước.

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của ngành, cán bộ công nhân, lao động ngành Điện vui mừng phấn khởi báo cáo với Đảng, với nhân dân về những thành tựu quan trọng của ngành, đạt được đến hôm nay:

1. Ngành Điện đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục.

Sản lượng điện thương phẩm cung cấp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, từ 22,4 tỷ kWh năm 2000 lên mức 127 tỷ kWh năm 2014; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm trong giai đoạn 2000-2014  là 13,2 %/năm, bằng 2 lần tăng trưởng GDP bình quân. Mức sử dụng điện bình quân trên người dân đến cuối năm 2014 đạt trên 1.400kWh/người/năm, tăng 4,9 lần so với năm 2000.

Với việc nhu cầu điện được đảm bảo chắc chắn, đã tạo điều kiện quan trọng để thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh/thành phố, các quy hoạch phát triển kinh tế theo vùng lãnh thổ, phát triển các trung tâm đô thị - thương mại lớn, các vùng kinh tế trọng điểm và tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

2. Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện, với sứ mệnh”đi trước một bước” ngành Điện đã tập trung mạnh mẽ các nguồn lực vào đầu tư, phát triển các nhà máy điện, lưới điện theo các Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Quy hoạch điện lực của các địa phương. Hệ thống  nguồn và lưới điện liên tục được đầu tư  mở  rộng phạm vi, qui mô và  năng lực sản xuất 

Tới  năm 2014, ngành Điện đã có được hệ thống cơ sở hạ tầng điện lực tương đối quy mô bề thế, tổng công suất của toàn hệ thống điện tới cuối năm 2014 đạt 34.000 MW, có khả năng sản xuất cung cấp cho đất nước tới 160 tỷ kWh/năm. Việt Nam hiện xếp thứ 3 về quy mô nguồn điện và lưới điện trong khu vực Đông Nam Á, thứ 31 trên thế giới. Hệ thống nguồn điện với cơ cấu tương đối hài hòa các loại hình thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện chạy dầu và các nhà máy điện gió phân bổ từ Bắc vào Nam cho phép sản xuất điện với giá thành hợp lý. Đặc biệt, niềm mong ước của nhiều thế hệ ngành Điện là hệ thống điện có dự phòng công suất đã trở thành hiện thực, từ năm 2013 hệ thống điện đã đạt mức dự phòng trên 30%.

Giai đoạn 15 năm 2000-2014 là thời kỳ ngành Điện tập trung cao độ các nguồn lực cho đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện với tổng công suất phát điện được đưa vào vận hành là 28.000MW. Tiêu biểu trong thời kỳ này, về thủy điện có các nhà máy Sơn La, Bản Chát trên Sông Đà; Hàm Thuận, Đa Mi, Đại Ninh trên hệ thống sông Đồng Nai;  Ialy, Pleikrong, Sê San 3, 3A, Sê San 4 trên hệ thống sông Sê San; Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3 trên sông Sêrepok; A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2, Đăk Mi trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn;  Sông Hinh, An Khê – Ka Nak, Sông Ba Hạ trên hệ thống sông Ba. Về  nhiệt điện tiêu biểu là Trung tâm Nhiệt điện lớn và hiện đại Phú Mỹ 3.800 MW, Trung tâm Nhiệt điện khí Cà Mau (1.500MW), Nhơn Trạch (1.200MW), các Trung tâm Nhiệt điện than Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhiều Trung tâm Nhiệt điện lớn đang được xây dựng để bổ sung thêm năng lực sản xuất điện cho giai đoạn từ sau 2014 như các Trung tâm Điện lực Mông Dương (2.200 MW- Quảng Ninh); Nghi Sơn (1.800 MW-Thanh Hóa); Vũng Áng (4.800 MW-Hà Tĩnh); Vĩnh Tân (4.400 MW – Bình Thuận); Duyên Hải (5.000 MW -Trà Vinh).

Đặc biệt, trên hệ thống điện đã có các nhà máy phong điện lớn được đưa vào khai thác như Nhà máy phong điện Tuy Phong - Bình Thuận (2012), Nhà máy phong điện Công Lý - Bạc Liêu (2013), Phú Quý - Bình Thuận (2013).

Năm 2015 - 2016, khi Thủy điện Lai Châu 1.200 MW, Huội Quảng 520 MW hòa dòng điện vào lưới điện quốc gia, ngành Điện tự tin hoàn tất những nốt nhạc cuối cùng của bản Trường ca Sông Đà trong công cuộc chinh phục trị thủy Sông Hồng hơn nửa thế kỷ qua.

Hệ thống lưới điện quốc gia đã vươn tỏa tới mọi miền đất nước với trên 6.000 km đường dây 500 kV, 30.000 km đường dây từ 110 kV - 220 kV, hơn 430.000 km lưới phân phối  từ 0,4 kV tới 35 kV và hàng trăm nghìn trạm biến áp truyền tải - phân phối. Năm 2005, đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 2 hoàn thành đã tạo nên trục truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam gồm 2 mạch với tổng chiều dài gần 3.500 km, kết nối vững chắc hệ thống điện toàn quốc đáp ứng yêu cầu về độ an toàn và tin cậy. Hệ thống mạch vòng 220 kV - 500 kV đã được thiết lập, khép kín tại khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Nam. Lưới điện của Việt Nam cũng đã kết nối với lưới điện các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia ở các cấp điện áp từ 22 kV tới 220 kV để trao đổi điện năng.

3. Chương trình  đầu tư đưa điện về nông thôn hải đảo đã được thực hiện xuất sắc, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo.

Tới năm 2010, ngành Điện đã thực hiện vượt chỉ tiêu về điện nông thôn do Đại hội X của Đảng đề ra: cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 98,18% số xã với 96,05% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 6,05% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Đến cuối năm 2014 này, tỷ lệ số xã có điện đã tăng lên 99,59 % với  98,22 %  số hộ dân nông thôn được sử dụng điện. Đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, chỉ 10 năm trước đây tỷ lệ có điện còn rất thấp dưới 30%, nhưng đến năm 2014, đại đa số nhân dân ở các khu vực này đã được sử dụng điện: Khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc đạt 97,55 % về số xã và 85,09 % số hộ dân có điện, khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 100 % và 96,17 %; khu vực Tây Nam bộ là 100 % và 97,72 %. Không lời nào có thể diễn tả hết niềm vui vô hạn, nụ cười hạnh phúc trên nét mặt của các cụ, các chị, các em trong những ngày hội đóng điện, đón nguồn sáng của Bác Hồ về thôn bản, phum, sóc diễn ra trên khắp các vùng, miền của đất nước trong những năm qua.

Từ  năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Điện đã đưa lưới điện quốc gia vượt trùng khơi vươn tới các huyện đảo tiền tiêu Tổ quốc: Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi). Được kết nối bằng “mạch máu điện”, các hải đảo xa xôi càng trở nên gần gũi, gắn bó mật thiết với đất mẹ. Với nguồn điện ổn định cấp từ đất liền, các huyện đảo có điều kiện thuận lợi để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các ngành nghề kinh tế biển, phát triển ngư trường bám biển xa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, thực hiện Chiến lược biển Việt Nam theo Nghị quyết của Đảng.

Các dự án cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã làm thay đổi cơ bản đời sống nông thôn Việt Nam, các ngành y tế, giáo dục, phát thanh truyền hình có điều kiện mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ở nông thôn. Hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang dùng điện, chủ động về tưới, tiêu và giảm chi phí. Trong kinh tế khu vực nông thôn, nhờ có điện, khắp các địa phương đã phát triển thêm nhiều làng nghề thủ công, các cụm công nghiệp nhỏ và ngành nghề dịch vụ tại chỗ.

Trong 15 năm thực hiện Chương trình đầu tư phát triển nông thôn từ 1998 tới 2013, tính trung bình mỗi ngày, trên đất nước ta có một xã được được cấp điện lưới quốc gia với khoảng 1.700 hộ dân được sử dụng điện, đây là con số phản ánh thành tựu nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực Điện khí hoá nông thôn, đã được cộng đồng quốc tế công nhận và nhiều nước mong muốn học hỏi kinh nghiệm.

4. Ngành Điện đã từng bước nỗ lực đổi mới căn bản hệ thống quản lý, tác phong và tư duy làm việc để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội.

Đi đôi với phát triển nguồn và lưới điện để tăng cường công suất hệ thống và nâng cao độ ổn định, tin cậy cung ứng điện, ngành Điện đã kiên trì hoàn thiện từng bước bộ máy tổ chức quản lý và kinh doanh trong toàn ngành, tiến hành các giải pháp cải tiến quản lý, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và chất lượng công tác dịch vụ khách hàng. Cán bộ công nhân ngành Điện đã đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức, khắc phục các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, tận tụy thân thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về điện của khách hàng, phấn đấu đưa ngành Điện trở thành ngành cung ứng các dịch vụ cao cấp, đáng tin cậy của nhân dân và xã hội.

Trong 15 năm thực hiện Chương trình đầu tư phát triển nông thôn từ 1998 tới 2013, tính trung bình mỗi ngày, trên đất nước ta có một xã được được cấp điện lưới quốc gia với khoảng 1.700 hộ dân được sử dụng điện - Ảnh: VL

 5. Các thế hệ ngành Điện phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nghiên cứu, ứng dụng và đã làm chủ các tiến bộ khoa học, công nghệ kỹ thuật điện tiên tiến trong quản lý và sản xuất. tích cực mở rộng hợp tác quan hệ quốc tế, học tập các kinh nghiệm tốt, phát triển các cơ hội hợp tác, kinh doanh,

Đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý ngành Điện đã trưởng thành vượt bậc, đủ trình độ và năng lực làm chủ các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống điện qui mô lớn. Nhiều công trình điện quy mô lớn, phức tạp đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư trong nước thiết kế và quản lý tổ chức thi công, tiêu biểu như công trình đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam mạch 2, công trình Thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW hoàn thành vượt tiến độ trước 3 năm, trở thành điểm sáng về tinh thần đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm, nhất trí, phát huy sức mạnh nội lực, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ hiện đại của cán bộ, công nhân ngành Điện.

Trong sản xuất điện đã đưa vào sử dụng các tổ máy hiện đại, công suất lớn để nâng cao hiệu suất phát điện và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường như tổ máy nhiệt điện dầu 330 MW tại Ô Môn, năm 2009; các tổ máy nhiệt điện than công suất đến 300 MW tại dự án nhà máy Uông Bí mở rộng 1 (năm 2007), Quảng Ninh, Hải Phòng (năm 2009), đang đầu tư xây dựng và phát triển các Trung tâm nhiệt điện than mới với công suất tổ máy 600 MW tại các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân-Ninh Thuận, Duyên Hải -Trà Vinh, Vũng Áng -Hà Tĩnh, đưa vào khai thác các tổ máy thủy điện có công suất tới 400 MW tại Thủy điện Sơn La. Nhiều đập thủy điện lớn được xây dựng bằng công nghệ đập bê tông đầm lăn tiên tiến.

Trong quản lý vận hành, hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát SCADA, hệ thống quản lý năng lượng EMS được trang bị đồng bộ ở cả cấp điều độ miền và điều độ quốc gia. Công nghệ tự động hóa điều khiển, bảo vệ hiện đại kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi trên lưới điện truyền tải và phân phối. Công nghệ thông tin và viễn thông được sử dụng hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực quản lý, điều hành sản xuất.

Cơ khí điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế để thay thế nhập khẩu như các máy biến áp 220 kV, công suất đến 250 MVA, máy biến áp 500 kV, công suất 150 MVA; Các loại cáp, dây dẫn tải điện, trụ điện thép chịu lực cao cho các đường dây truyền tải điện đến 500 kV. Tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thuỷ điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia.

Các đơn vị tư vấn xây dựng điện đã khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong thành công của nhiều dự án lớn, đã đào tạo phát triển được lực lượng công trình sư, chủ nhiệm đề án có năng lực đảm nhận được hầu hết công tác tư vấn đầu tư xây dựng các dự án nhà máy thủy điện, nhiệt điện, hệ thống điện có quy mô lớn với công nghệ, kỹ thuật phức tạp trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Trong khuôn khổ hợp tác với các nước Đông Nam Á, các nước tiểu vùng sông Mê Kông, các đơn vị ngành Điện tích cực tham gia nhiều chương trình hợp tác về điện và năng lượng như quy hoạch phát triển thủy điện, quy hoạch liên kết lưới điện quốc gia, các dự án về tái cấu trúc ngành điện. Quan hệ của các đơn vị ngành Điện với các Tổ chức tài chính quốc tế, với ngành Điện các nước, với các Công ty chế tạo thiết bị điện lớn trên thế giới ngày càng được mở rộng. Ngành Điện đã học tập được nhiều kinh nghiệm tốt của quốc tế, tranh thủ được nhiều nguồn tài trợ  hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực, cải cách ngành Điện và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển để đầu tư nguồn, lưới điện.

Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu

Trong 60 năm qua, các thế hệ cán bộ công nhân viên ngành Điện đã luôn luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy thi đua của Bác Hồ “Người này thi đua với người khác, tổ này thi đua với tổ khác, nhà máy này thi đua với nhà máy khác”.

Quá trình xây dựng và phát triển của ngành Điện Việt Nam trong mỗi thời kỳ luôn luôn gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước của cán bộ công nhân ngành Điện. Nối tiếp truyền thống thi đua xây dựng các Tổ, Đội lao động XHCN trước đây, trong thời kỳ đổi mới, các phong trào thi đua trong ngành Điện vẫn diễn ra rộng khắp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng điện, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Các nhà máy điện có các phong trào thi đua “Ca vận hành an toàn kinh tế”, “Đảm bảo tiến độ, chất lượng đại tu, sửa chữa”; các đơn vị Truyền tải điện thi đua xây dựng “Trạm biến áp và đường dây kiểu mẫu”, “Kíp vận hành kiểu mẫu”; các Công ty Điện lực có phong trào “Điện lực, Chi nhánh điện, Trạm điện giỏi”, “Giảm tổn thất điện năng”; ” Giao tiếp viên điện lực giỏi” ; khối đầu tư xây dựng có phong trào ” đảm bảo chất lượng công trình, an toàn, tiết kiệm và vượt tiến độ”. Toàn ngành Điện tham gia phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các phong trào thi đua yêu nước đã khích lệ, động viên cán bộ công nhân lao động ngành Điện nỗ lực vượt  khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lao động sản xuất trên từng vị trí công tác, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành và của đất nước.

Từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, nhiều tập thể, cá nhân đã trở thành những tấm gương điển hình xuất sắc được Đảng và Nhà nước ghi nhận thành tích đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng và khen tặng nhiều phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước. Có 39 đơn vị, cá nhân toàn ngành Điện được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ.Trong đó 15 đơn vị và 6 cá nhân được vinh dự trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tập đoàn Điện lực Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1996); Huân chương Sao Vàng (2004) và Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm này.

Có được những thành tựu đáng tự hào trong 60 năm qua, EVN ghi nhớ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ ngành, các cấp chính quyền và nhân dân cả nước, sự tâm huyết của các thế hệ cán bộ, công nhân điện lực và sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế  - Ảnh: Vũ Lam

Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu

Sau 60 năm xây dựng phát triển, đến nay ngành Điện Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và yêu cầu đổi mới cấp thiết.

Về cơ hội, đó là chủ trương mới, quan trọng của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định Hạ tầng cung cấp điện là một trong 4 lĩnh vực trọng tâm cần được tập trung nguồn lực để phát triển nhằm bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Chính phủ đã ban hành một số Nghị quyết, Quyết định quan trọng về cơ chế, chính sách thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tới năm 2030 (TSĐ VII) để đạt mục tiêu đến năm 2020 hệ thống điện Việt Nam phải đạt được công suất trên 60.000 MW và sản lượng điện đạt từ 330 tỷ kWh, nâng sản lượng điện tính bình quân tính theo đầu người từ 1.400 kWh/người/năm hiện nay lên trên 3.000 kWh/người/năm vào năm 2020.

Yêu cầu đổi mới đặt ra hiện nay đối với ngành Điện là phải khẩn trương tiến hành tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động của các doanh nghiệp ngành Điện theo cơ chế thị trường, đạt hiệu quả ngày càng cao trong  sản xuất kinh doanh, chất lượng cung cấp dịch vụ, sức cạnh tranh của sản phẩm ngày một tốt hơn. Trong đầu tư phát triển phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng tính hiệu quả, tính bền vững lâu dài của hệ thống điện quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng cho tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, ngành Điện đã bước vào quá trình tái cơ cấu, từng bước chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, loại bỏ các yếu tố bao cấp, cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất và tiêu thụ điện. Các doanh nghiệp trong ngành Điện đã được tổ chức lại trong các lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện theo hướng chuyên môn hóa. Thị trường phát điện cạnh tranh cùng với cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường điện đã chính thức hoạt động từ tháng 7 năm 2013 với hơn 50 nhà máy điện lớn tham gia chào giá phát điện. Từ năm 2015, ngành Điện sẽ bắt đầu giai đoạn thí điểm thị trường bán buôn điện và tiến tới thị trường điện bán lẻ sau năm 2020. Tái cơ cấu, sắp xếp lại ngành Điện là tiến trình khó khăn phức tạp, nhưng các doanh nghiệp ngành Điện trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để tiếp tục phát huy được vai trò của ngành trong nền kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Kính thưa các đồng chí, các quý vị đại biểu

Có được sự phát triển với những thành tựu đáng tự hào trong 60 năm qua, ngành Điện luôn ghi nhớ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các Bộ ngành, các cấp chính quyền và nhân dân cả nước, ghi nhớ công sức, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, công nhân điện lực và sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế.

Nhân dịp này, thay mặt Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp ngành Điện, Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các Bộ, Ban, ngành Trung ương đã luôn luôn quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của ngành Điện. Xin chân thành cám ơn chính quyền và nhân dân các địa phương trên cả nước đã ủng hộ, giúp đỡ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ngành Điện trên chặng đường phát triển 60 năm qua.

Tôi xin trân trọng bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã ngã xuống vì dòng điện của Tổ quốc, với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành Điện đã bền bỉ cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ trong suốt 60 năm qua, đưa ngành Điện vượt qua tất cả các khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu trưởng thành và phát triển hôm nay.

Cũng nhân dịp này, xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ của các nước anh em, các đối tác trong nước và quốc tế, các nhà tài trợ đã gắn bó, đồng hành cùng Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm tốt đẹp về tình hữu nghị, hợp tác trên các công trình điện trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành Điện Việt Nam. 

Với ý thức, niềm tự hào về lịch sử vẻ vang và những thành tựu đạt được, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Điện xin hứa với Đảng, với nhân dân sẽ luôn luôn ghi nhớ và làm theo lời dặn của Bác Hồ 60 năm trước là “Các cô, các chú phải cùng nhau gìn giữ và phát triển nó lên...”, quyết tâm vượt qua mọi trở ngại thách thức, tiếp tục đưa ngành Điện phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Người.

Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; quý vị đại biểu và các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!


  • 22/12/2014 09:58
  • BBT (ghi)
  • 7713


Gửi nhận xét