Điện nông thôn ở Tây Nguyên: Chưa hết khó

Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Nhà nước, nỗ lực của ngành Điện trong điện khí hóa nông thôn, đến nay đã cơ bản giải quyết nhu cầu về điện cho đồng bào nông thôn ở Tây Nguyên (trên 97%). Tuy nhiên, với gần 3% còn lạim, để “phủ điện" cho những thôn, buôn này vẫn còn nhiều khó khăn.

Còn nhiều khó khăn

Theo Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk, có 184 xã, phường đã có đường điện lưới quốc gia. Tuy nhiên vẫn còn 826 thôn, buôn chưa có điện tương ứng khoảng 60.179 hộ gia đình, bao gồm 189 thôn, buôn hoàn toàn chưa có điện và 627 thôn, buôn cần phủ kín lưới điện.

Ông Trương Công Hồng - Trưởng phòng Quản lý Năng lượng (Sở Công Thương Đăk Lăk) cho biết, bà con nông dân ở Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, chủ yếu sống nhờ vào cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng, bơ...  các loại cây này rất cần nước tưới vào mùa khô. Diện tích canh tác rộng nên bắt buộc phải có điện mới bơm được nước, do đó nhu cầu về điện phục vụ sản xuất rất lớn. Mặc dù các nguồn thủy điện của địa phương sản xuất được không chỉ đủ cung cấp cho cả tỉnh mà bán lên lưới quốc gia, tuy nhiên nhiều thôn, buôn ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn thiếu điện vì chưa xây dựng được đường dây truyền tải.

Phân tích tình trạng này, ông Lê Hoài Nhơn – Phó giám đốc Công ty Điện lực Đăk Lăk - cho rằng, có một số nguyên nhân cơ bản như: diện tích tự nhiên rộng, địa hình phức tạp, chia cắt, dân cư sống không tập trung, tình trạng dân di cư tự do của đồng bào dân tộc diễn ra khá phổ biến, liên tục, nên luôn phát sinh những điểm cấp điện mới. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là thiếu nguồn kinh phí. Đây cũng là điều trăn trở của ngành điện lực tỉnh trong nhiều năm trở lại đây.

Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hệ thống điện nông thôn

Sẽ giải quyết từng bước

Theo ông Lê Hoài Nhơn, nguồn vốn để xây dựng mới hệ thống lưới điện nông thôn cho các thôn, buôn còn lại ở Tây Nguyên là rất lớn, chỉ riêng tỉnh Đăk Lăk đã có khoảng 1.588 tỷ đồng và điều này trông chờ vào sự quan tâm của nhà nước là chính. Năm 2013, điện lực Đăk Lăk đã tham mưu cho Sở Công Thương, UBND tỉnh xin đầu tư trước cho 37 thôn, buôn nơi có 3.901 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điện sinh hoạt, dù đã được phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn. Đây cũng là tình trạng chung của các tỉnh Tây Nguyên và nhiều nơi trên cả nước.

Trên thực tế, nhiều năm qua, ngành điện đã phải bỏ nguồn vốn đáng kể để khắc phục những tồn tại của điện nông thôn trước đây. Mặt khác, hàng năm vẫn phải duy trì việc đầu tư, cải tạo nâng cấp, sửa chữa hệ thống lưới điện nông thôn nhằm duy trì và bảo đảm việc cung cấp điện liên tục, an toàn cho người dân.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, tất cả các hộ dân ở Tây Nguyên đều được sử dụng điện lưới quốc gia, các chuyên gia cho rằng, nên tập trung ưu tiên cho các thôn, buôn đang có nhu cầu cấp thiết nhất, rồi đến các dự án có mức vốn đầu tư trên mỗi hộ dân thấp… Tiếp đó sẽ tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án cho các thôn, buôn có suất đầu tư trung bình và số còn lại. Nhưng để làm được việc này, nhà nước cần có thêm những chính sách, ưu tiên bố trí nguồn vốn, vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế và chính sách lãi suất đặc biệt cho các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Khu vực Tây Nguyên cần chấm dứt tình trạng di cư tự do, gây khó khăn cho mục tiêu phát triển điện của từng tỉnh, ưu tiên bố trí nguồn vốn, thực hiện chính sách nhà nước và nhân dân cùng làm; bên cạnh đó cần nghiên cứu những dự án năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ tại chỗ...

 

 


  • 16/07/2014 09:34
  • Theo Báo Công Thương
  • 2306


Gửi nhận xét