Kỷ luật và thành công

Kỷ luật là giá trị cốt lõi của các tổ chức văn minh, phát triển bền vững. Hiện tượng làm sai, làm trái quy tắc có nguyên nhân từ sự thiếu ý thức kỷ luật, không nhận thức đúng về tầm quan trọng và nội dung của kỷ luật hoặc cố tình trốn tránh, làm trái pháp luật, quy định, của tổ chức.

Ảnh minh họa

Kỷ luật (kỷ: phép tắc; luật: pháp lệnh), hiểu một cách cơ bản là “phép tắc do tổ chức đề ra và đòi hỏi những thành viên trong tổ chức phải tuân theo” một cách bắt buộc . Hiện tượng làm sai, làm trái phép tắc có nguyên nhân từ sự thiếu ý thức kỷ luật, không nhận thức đúng về tầm quan trọng và nội dung của kỷ luật hoặc cố tình trốn tránh, làm trái pháp luật, quy định, của tổ chức.

Tổ chức, xã hội nào quản lý theo khoa học, văn minh và hiệu quả đều cần một công cụ kỷ luật, được hoạt động theo các nguyên tắc sau:

1- Kỷ luật đòi hỏi sự thực thi quyền lực lãnh đạo, quản lý có trật tự, kỷ cương, có mục đích và hiệu quả. Ở nước ta, dân chủ là một hệ thống quyền lực lãnh đạo, quản lý có trật tự thứ bậc: cao nhất là Hiến pháp, pháp luật, tiếp đó là các văn bản pháp quy, xuống dưới là các quy chế, định chế, quyết định của tổ chức, doanh nghiệp. Hệ thống này được thiết kế một cách khoa học, có mục đích, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhân dân và mục tiêu phát triển đất nước hiệu quả, bền vững.

2- Kỷ luật là công cụ phục vụ quá trình lãnh đạo, quản lý các cá nhân và tổ chức một cách khách quan, rất cần sự quyết liệt công tâm của người đứng đầu. Tổ chức nào muốn tránh tình trạng hỗn loạn, hoạt động kém hiệu quả và muốn phát triển bền vững đều cần có kỷ luật. Đây là một quá trình thực thi quyền lực lãnh đạo, quản lý hiệu quả qua các giai đoạn: (1) xây dựng, ban hành; (2) áp dụng, thi hành; (3) kiểm tra, đánh giá, thưởng - phạt; (4) sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế (5)… Để thực hiện thành công quy trình này, trước hết, cần có sự quyết liệt, tận tâm và nêu gương của các cá nhân và tổ chức lãnh đạo, quản lý.

3- Kỷ luật cần được xây dựng thành một giá trị cốt lõi của văn hóa tổ chức, trở thành lối sống của mọi thành viên. Con người vốn có bản tính thích sống tự do, thoải mái, ghét bị quản lý. Nhưng nếu nhìn sang Singapore chúng ta thấy, quốc gia này đạt được các tiêu chuẩn cao về mức sống, sạch sẽ, văn minh, quản trị quốc gia hiệu quả dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, kỷ luật trong lao động và sinh hoạt cộng đồng. Người Nhật Bản, người Đức… được cả thế giới tôn trọng vì có văn hóa, tố chất kỷ luật, tự trọng cao…

Thực tiễn quản trị doanh nghiệp ở nước ta cho thấy, nhiều DN xuất sắc và phát triển bền vững đã đề cao kỷ luật như một giá trị cốt lõi làm nền tảng và điều kiện để quản trị khoa học và phát triển năng lực đổi mới sáng tạo. Ví dụ, với Vinamilk đó là giá trị “tuân thủ”. Vietcombank là “chuẩn mực”, Viettel luôn đề cao “chất lính” trong giá trị “truyền thống và cách làm người lính”, ở Vingroup” tập trung ở chữ “tín” và  “tốc”… Như vậy, kỷ luật đúng, sẽ không làm suy yếu hay loại trừ sự tự do sáng tạo hay làm giảm chất lượng sống và môi trường văn hóa của DN.

Kỷ luật là một công cụ thiết yếu và giá trị văn hóa để quản trị tổ chức và xã hội đạt tới các mục tiêu an toàn, công bằng, hiệu quả, phát triển bền vững. Điều chúng ta cần phòng tránh là sự nhận thức nông cạn và thái độ định kiến, phiến diện, sai trái về kỷ luật. Đó là việc áp dụng các quy định kỷ luật một cách khiên cưỡng, máy móc, thiếu tính khoa học, nhân văn và không phù hợp với môi trường làm việc và quy mô của DN; là sự thiếu công tâm, khách quan của người lãnh đạo, quản lý, khi ban hành và xử lý kỷ luật; là chuyện lạm dụng công cụ kỷ luật của tổ chức để đối xử bất công, tư thù, ác ý… với nhân viên hay tổ chức dưới quyền. 


  • 12/05/2020 04:53
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1680