Lãnh đạo có cần tạo khoảng cách với nhân viên?

Câu hỏi này có liên quan tới phong cách, hiệu quả và sự ổn định của người lãnh đạo tại các tổ chức, doanh nghiệp (DN) ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa

Lãnh đạo là một hoạt động đặc thù, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của một tổ chức, DN, nên đòi hỏi phải có năng lực và tinh thông nghề nghiệp, khác với công việc của các chuyên viên, chuyên gia hay một nhà quản lý hành chính đơn thuần. Bản chất cơ bản của lãnh đạo là làm việc chủ yếu với con người và thông qua các nhà quản lý cấp dưới và nhân viên.

Hoạt động lãnh đạo đòi hỏi phải có năng lực và phẩm chất chính trị cao hơn những người quản lý, tập trung vào các lĩnh vực có quan hệ với cấp dưới và các nhân viên trong đơn vị như, xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; kỹ năng tổ chức, sử dụng, quản lý nhân sự, ra quyết định…Trong đó, kỹ năng ứng xử với cấp dưới và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có một vai trò quan trọng.

Phong cách lãnh đạo và khoảng cách cần thiết với nhân viên

Hoạt động lãnh đạo cũng phải tuân theo một quá trình có tính quy luật: Từ suy nghĩ, tư duy tạo ra hành vi, hành động; từ hành động tạo ra các thói quen; từ thói quen tạo ra các đặc điểm, tính cách riêng của mỗi người lãnh đạo. Tính cách, tác phong lãnh đạo là những yếu tố cơ bản tạo nên hiệu quả lãnh đạo, từ đó xác định được mức độ thành công của người lãnh đạo.

Phong cách lãnh đạo là phương thức thực hiện hoạt động lãnh đạo, quản lý của chủ thể có nét riêng, ổn định và liên quan trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả lãnh đạo tổ chức. Phong cách lãnh đạo có nhiều loại. Theo phân loại của Kurt Lewin được công nhận rộng rãi trong khoa học lãnh đạo, quản lý, phong cách lãnh đạo được chia thành 3 loại cơ bản: (1) Autocratic - Ðộc đoán: Tự ra quyết định, luôn nói nhân viên phải làm gì & kiểm soát chặt công việc của cấp dưới. (2) Democratic- Dân chủ: Khuyến khích cấp dưới tham gia vào việc ra quyết định, cùng nhân viên xác định làm việc gì và làm như thế nào để mang lại hiệu quả, phản hồi để phát triển cấp dưới. (3) Laissez-faire - Tự do: Ðể nhân viên được tự do tối đa, cung cấp các công cụ làm việc, chỉ trả lời khi có yêu cầu của cấp dưới, không đưa ra phản hồi.

Như vậy, các phong cách lãnh đạo trên đều xuất phát từ quan điểm, thái độ của người lãnh đạo đối với nhân viên và cách sử dụng quyền lực quản lý của họ. Ngược lại, cách thức quan hệ, ứng xử của người lãnh đạo đối với nhân viên là biểu hiện của phong cách lãnh đạo, quản lý mà họ lựa chọn và thực thi.

Người có phong cách lãnh đạo độc đoán thường hay coi thường nhân viên, xem họ chỉ là công cụ, là phương tiện để đạt được mục đích của mình và tổ chức; họ thường giữ một khoảng cách nhất định với nhân viên, điều hành bằng mệnh lệnh một chiều và kỷ luật sắt. Quan điểm và phong cách lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền sẽ tạo ra một môi trường làm việc căng thẳng, áp lực cao, thiếu sự đồng cảm, sẻ chia. Trái lại, lãnh đạo có phong cách dân chủ lại coi trọng nhân viên, xem họ là một nguồn lực quý giá của tổ chức; Người lãnh đạo thuộc phong cách này thường rất khiêm tốn, muốn gần gũi với nhân viên, thấu hiểu và động viên, tạo động lực cho nhân viên tự giác làm việc. Lãnh đạo dân chủ sẽ kiến tạo nên môi trường làm việc dân chủ, tự giác, thống nhất từ sự tận dụng hết năng lực của nhân viên. Còn phong cách lãnh đạo tự do thường chỉ phù hợp với các tổ chức hoạt động khoa học - công nghệ cao, đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo lớn, có quy mô nhỏ và vừa. Trong đó, người lãnh đạo và nhân viên sáng tạo công nghệ hầu như không có khoảng cách.

Các yếu tố quyết định

Phong cách lãnh đạo thực chất là cách ứng xử của lãnh đạo đối với nhân viên. Người lãnh đạo không có toàn quyền lựa chọn cho mình một phong cách ứng xử với nhân viên, vì họ còn bị ràng buộc, chi phối từ các yếu tố vĩ mô và từ văn hóa của tổ chức:

Một là, phong cách ứng xử và lãnh đạo của cá nhân phải phù hợp với thể chế chính trị, với pháp luật và đường lối của Ðảng cầm quyền. Ðảng ta lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vì nhân dân phục vụ, được khẳng định trong Cương lĩnh hoạt động của Ðảng. Vì vậy, cán bộ, dù ở cấp nào, cũng không được phép xa rời nhân dân, không được quan liêu, cửa quyền, hách dịch với nhân viên. Chỉ có sự gần gũi, thấu hiểu cấp dưới, sự lãnh đạo mới mang lại hiệu quả một cách bền vững.

Hai là, phong cách ứng xử và lãnh đạo cần phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại, nhưng không được trái với sứ mệnh, mục đích của lãnh đạo. Trong hoàn cảnh chiến tranh hay trong chống dịch bệnh hiện nay (chống dịch như chống giặc), đòi hỏi phương thức lãnh đạo cần có sự tập trung cao độ, tất cả mọi người phải tuân theo mệnh lệnh từ cấp trên với kỷ luật thép. Nhưng cách thức lãnh đạo tập trung như vậy không đồng nhất với phong cách lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, quan liêu xa rời quần chúng. Nếu người lãnh đạo làm mất lòng tin và sự tín nhiệm của nhân viên, sự lãnh đạo của họ sẽ không mang lại hiệu quả bền vững, nhân viên sẽ tìm cách né tránh hoặc chống đối.

Trong bất kỳ tình huống và hoàn cảnh nào, người lãnh đạo cũng cần có khả năng lắng nghe, thấu hiểu yêu cầu, nguyện vọng của nhân viên, từ đó, phục vụ đối tượng của mình tốt hơn. Một triết lý kinh doanh được nhiều người đồng thuận hiện nay là: Muốn có nhiều khách hàng và DN phát triển bền vững, lãnh đạo cần làm cho nhân viên hạnh phúc.

Ba là, sự lựa chọn khoảng cách, cách thức ứng xử với nhân viên phụ thuộc vào cá tính của người lãnh đạo. Tính cách, khí chất của người lãnh đạo có yếu tố tự nhiên, nhưng không thể dựa vào đó để không thích giao tiếp hoặc ứng xử tùy tiện với nhân viên. Cá tính của của người lãnh đạo cũng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy chế hoạt động và văn hóa ứng xử của tổ chức. Người lãnh đạo cũng phải có trách nhiệm rèn luyện, tu dưỡng, đạt chuẩn về năng lực, đạo đức và văn hóa ứng xử theo đúng chức danh của họ. Hiện nay, có nhiều phương tiện, công cụ hiện đại để lãnh đạo kết nối, giao tiếp và thấu hiểu nhân viên như điện thoại di động, internet, mạng xã hội…

Tóm lại, người lãnh đạo phải có thái độ, nhận thức và kỹ năng giao tiếp, ứng xử tốt với nhân viên mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chúng ta cần học tập và thực hành theo gương  đạo đức và phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng trọng dân, yêu dân, học dân, giúp dân và suốt đời phục vụ nhân dân của Người cần được các cán bộ lãnh đạo, quản lý áp dụng trước hết đối với nhân viên của tổ chức mà họ được phụ trách.


  • 24/03/2020 10:12
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý &Hội nhập
  • 2449