Vĩnh Ô ngày ấy… bây giờ

Trước đây, nhắc đến Vĩnh Ô, xã miền núi nghèo nhất của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, người ta nhớ đến một khu vực biệt lập, những cung đường thăm thẳm, những thác, ghềnh nước chảy cuồn cuộn... Vậy mà giờ đây, ghé qua Vĩnh Ô, sau hơn 10 năm có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi.

Từ địa danh “nhiều không”...

Vĩnh Ô là một xã miền núi đặc biệt khó khăn, nằm ở phía tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, sát dãy Trường Sơn hùng vĩ. Theo ông Hồ Văn Đức, Phó chủ tịch xã Vĩnh Ô: “Năm 2010, xã có 308 hộ, số hộ nghèo chiếm 84,5% và 98% dân số là người dân tộc Vân Kiều. Từ trung tâm xã lên đến bản cuối cùng của xã chỉ chừng 10 km, nhưng chưa có đường trải nhựa, nên đi lại vất vả vô cùng.”

Giao thông khó khăn, lại không có điện, nên cuộc sống của bà con Vĩnh Ô hết sức cực nhọc, nhất là vào kỳ giáp hạt. Diện tích đất tự nhiên của cả xã là 8.594,43 ha thì hầu hết là diện tích rừng tràm. Diện tích lúa nước, lúa rẫy đã ít, năng suất lại rất thấp. Người dân ở đây hầu như sống biệt lập với thế giới bên ngoài, nên được mệnh danh vùng đất nhiều không: Không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại, truyền hình và dịch vụ y tế cũng bằng không,… Già làng Hồ Phở, thôn Mít, xã Vĩnh Ô từng than thở: "Người dân Vĩnh Ô chỉ mong sao có được một con đường và ánh sáng điện mang văn minh, nước sạch đến thôn bản và con cháu sau này được đi học, đi làm sẽ bớt cực khổ ".

Theo ánh sáng điện, nhiều công trình giao thông được xây dựng, xóa đi sự biệt lập vốn có ở Vĩnh Ô

… Đổi đời từ khi có điện

Đường lên xã Vĩnh Ô hôm nay đã khác xưa. Con đường trải nhựa phẳng lỳ hàng chục cây số nối thị trấn Bến Quan với xã Vĩnh Ô không chỉ rút ngắn thời gian đi lại, mà còn tạo ra sự khởi sắc cho mảnh đất và con người nơi đây. Theo đó, ánh sáng điện bắt đầu xuất hiện ở khắp các bản làng. Năm 2005, dự án xây dựng đường dây tải điện đến xã Vĩnh Ô được khởi công, thay thế những máy thủy điện nhỏ của các hộ gia đình đặt ở các dòng suối. Điện lưới quốc gia đã về 5/8 thôn của xã Vĩnh Ô. Bản làng có điện, đồng bào vui sướng, phấn khởi vô cùng. Chốn thâm sơn cùng cốc vốn tĩnh mịch, hoang vu, nay bỗng bừng sáng ánh điện, làm thay đổi nếp nghĩ, nếp sinh hoạt trong mỗi gia đình. 

Với người dân, giờ chuyện Vĩnh Ô có điện lưới quốc gia vẫn cứ ngỡ như nằm mơ! Còn với những người làm điện tại đây, mỗi cung đường hiểm trở vẫn luôn đầy ắp kỷ niệm của những ngày “cõng” điện về bản làng heo hút. Anh Lê Hồng Sơn - Đội trưởng Đội Quản lý đường dây và trạm biến áp Điện lực Vĩnh Linh chia sẻ: “Để cắm được hàng trăm trụ điện bên sườn dốc núi cheo leo và đưa hàng ngàn mét dây lên chót vót đỉnh núi cao, những công nhân điện phải băng rừng, vượt suối, vượt dốc trơn, ngã lên, ngã xuống”.  

Đặc biệt, anh em công nhân điện còn đặt ra những “địa danh” độc đáo ở Vĩnh Ô, gắn với tên gọi và những kỷ niệm riêng của mình như dốc Ông Hiếu, cống Ông Thành, cột Ông Tuấn... Đơn cử, cột Ông Tuấn là “địa danh” gắn liền với sáng kiến gắn ti leo vào cột, tạo thuận lợi cho công nhân leo trèo sửa chữa lưới điện ở trên trụ điện, đồng thời đây cũng là món quà kỷ niệm trước khi nghỉ hưu mà người công nhân tên Tuấn dành tặng cho anh em Điện lực Vĩnh Linh và bà con dân tộc Vân Kiều.

Sau khi có điện lưới quốc gia, Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng đường nhựa nối từ Quốc lộ 1A ngang qua thị trấn Hồ Xá lên xã Vĩnh Ô. Có đường giao thông đẹp, thông suốt về trung tâm Huyện, người dân địa phương bắt đầu được tiếp cận với cách làm ăn, nếp sinh hoạt của đồng bào miền xuôi. Nhiều nhà bắt đầu mua sắm xe máy, dùng để chuyên chở hàng hóa, chuyện kinh doanh đã bắt đầu hé mở... Sau bao đời lam lũ, vất vả lo ăn, lo mặc, nhận thức của người Vân Kiều đã thay đổi, bà con đã tự thân vận động, quyết tâm vươn lên, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, bằng việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và phát huy hiệu quả thế mạnh của địa phương...

Hiện nay, còn 3 thôn trong xã Vĩnh Ô chưa có điện lưới quốc gia. Với sự quan tâm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỉnh Quảng Trị, dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện hạ áp nông thôn của tỉnh Quảng Trị do Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư đã được phê duyệt. Theo đó, năm 2016, lưới điện quốc gia sẽ được đưa đến 3 thôn còn lại của xã Vĩnh Ô, thỏa niềm ao ước, chờ mong của những người dân nơi đầu nguồn sông Bến Hải. 

Anh Hồ Văn Khang, bản 2, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị: Trước đây, vì đường sá đi lại khó khăn, lại không có điện nên việc học hành của các em học sinh bị đứt đoạn, người trong xã bị đau ốm cũng không được chữa trị kịp thời... Bây giờ thì mọi thứ đã đổi khác, có ánh điện để học hành, có ti vi để xem thời sự, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, vào các các dịp lễ, Tết, có ánh điện sáng, bà con ai nấy đều phấn khởi”.


 


  • 10/06/2016 03:20
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 11445