Khi hồ chứa đầy, việc điều tiết xả lũ là bắt buộc

Đó là khẳng định của ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng, Hàm Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) trong cuộc trao đổi với PV Tạp chí Điện lực.

Ông Đỗ Đức Quân

PV: Thưa ông, trong đợt mưa lũ vừa qua, một loạt hồ thủy điện phía Bắc đều tiến hành điều tiết xả lũ. Xin ông cho biết, việc xả lũ hồ chứa thủy điện được thực hiện như thế nào?

Ông Đỗ Đức Quân: Tất cả các hồ chứa thủy điện này đều phải xả lũ đúng Quy trình đã được cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt theo thẩm quyền (UBND tỉnh, Bộ Công Thương) và Quy trình vận hành (QTVH) liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015,  bao gồm các hồ chứa Thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình.

Theo đó, việc vận hành điều tiết lũ (từ thời điểm lũ lên đến khi đạt đỉnh) không được làm gia tăng lưu lượng xả xuống hạ du so với lưu lượng tự nhiên đến hồ. Đối với các hồ chứa Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa.

PV: Khi có lũ, việc xả lũ tại các nhà máy thủy điện được thực hiện vào thời điểm nào, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Quân: Việc xả điều tiết lũ các nhà máy thủy điện là điều bắt buộc phải làm, nếu không điều tiết nước, khi có lũ sẽ gây mất an toàn cho công trình và hạ du.

Tùy theo thiết kế công trình và nhiệm vụ của hồ chứa mà việc vận hành điều tiết xả lũ phải tuân thủ mực nước giới hạn an toàn của công trình. Việc điều tiết xả lũ có thể tiến hành ngay khi lũ về, không thể để lũ lớn về mới xả, sẽ ảnh hưởng đến an toàn của công trình và hạ du.

PV: Những năm trước đây, một số nhà máy thủy điện, nhất là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên mỗi khi xả lũ thường bị dư luận đặt dấu hỏi: Thủy điện xả lũ có đúng quy trình? Quy trình đã được xây dựng hợp lý hay chưa?

Ông Đỗ Đức Quân: QTVH hồ chứa thủy điện được xây dựng và ban hành căn cứ theo Quyết định số 285/2006/QĐ-TTg ngày 25/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Các thông số đầu vào để xây dựng quy trình là kết quả nghiên cứu tổng thể về kinh tế - kỹ thuật, môi trường - xã hội, phụ thuộc vào đặc điểm thủy văn của lưu vực, khả năng bố trí công trình, đặc điểm hạ du... 

Quan điểm chủ đạo khi xây dựng QTVH là đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, có tính đến yếu tố linh hoạt cho người điều hành trực tiếp. Nguyên tắc cơ bản để thiết kế và vận hành công trình thủy điện là không làm tăng lưu lượng đỉnh lũ về hạ du so với lũ tự nhiên đến hồ.

Như vậy, dư luận cho rằng, nguyên nhân vùng hạ du bị ngập úng do thủy điện xả lũ là phản ảnh không đúng thực tế. Khi có lũ, ở vùng hạ du đều có thể xảy ra ngập úng ngay cả khi phía thượng lưu không có hồ chứa thủy điện. Đơn cử, khu vực huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh cũng thường xuyên ngập khi mưa lớn, ngay cả trước khi xây dựng Thủy điện Hố Hô. Khi thượng lưu có hồ chứa thủy điện thì vùng hạ du không bị ngập sâu hơn, nếu các hồ thực hiện đúng quy trình.

Trong những năm gần đây, có thể nhận thấy, cùng với sự thay đổi thảm phủ (vật chất che phủ trên bề mặt) ở phía hạ du, cộng với tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán có xu hướng xảy ra thường xuyên và khốc liệt hơn. Lũ tại các lưu vực sông ngày càng nguy hiểm hơn, thời gian tập trung lũ ngắn, nhưng cường độ lũ cao và nguy hiểm hơn.

Tình trạng ngập lụt ở hạ du còn có những nguyên nhân khác như, người dân vào canh tác ở khu vực hạ lưu  hồ chứa đã vi phạm hành lang thoát lũ, gây mất an toàn cho chính bản thân và ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình; việc xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông đường bộ, đường sắt hoặc bồi lắng cửa sông cũng làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ, đặc biệt là các vùng trung và hạ du các sông lớn khu vực miền Trung; việc khai thác cát, sỏi trên sông có ảnh hưởng không ít đến dòng chảy sông khi có lũ về, gây sạt lở bờ sông;...  

Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với địa phương, đơn vị liên quan, kiên quyết chỉ đạo xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành hồ chứa; tiếp tục xem xét điều chỉnh Quy trình đơn hồ, tập hợp ý kiến đề xuất hiệu chỉnh một số nội dung của Quy trình liên hồ.

PV: Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về các công trình thủy điện, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm gì để thủy điện vận hành an toàn, hiệu quả? 

Ông Đỗ Đức Quân: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về lĩnh vực thủy điện. 

Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiên quyết chỉ đạo, xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định về vận hành hồ chứa; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh Quy trình đơn hồ, tập hợp ý kiến đề xuất hiệu chỉnh một số nội dung của Quy trình liên hồ chứa. Xem xét và có cơ chế thông qua giá điện đối với những nhà máy thủy điện bị giảm sản lượng điện so với thiết kế ban đầu do phải thực hiện theo quy trình điều tiết liên hồ chứa.

PV: Xin cảm ơn ông! 
 


  • 20/09/2017 11:17
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 25920