Giải pháp nào giảm bớt tình trạng trộm cắp điện?

Câu móc trực tiếp, trích cáp ngầm, phá hỏng công tơ, sử dụng nam châm… là những cách trộm cắp điện phổ biến diễn ra trên phạm vi cả nước, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Giải pháp nào giảm bớt tình trạng trộm cắp điện là vấn đề đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất.

Hơn 5.500 vụ trộm cắp điện
 
Là tổng số vụ trộm cắp điện trên cả nước tính đến hết tháng 6/2015 đã được các đơn vị thuộc EVN phát hiện và xử lý, truy thu trên 12 triệu kWh, tương đương số tiền hơn 33 tỷ đồng. Tình trạng này diễn ra phổ biến tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) với 2.694 vụ, sản lượng điện bị mất trên 5 triệu kWh, tương ứng với số tiền 13,847 tỷ đồng. Con số này tại Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là 611 vụ, truy thu trên 1,9 triệu kWh với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
 

Tại các tỉnh, thành miền núi phía Bắc, với đặc thù địa hình chủ yếu là đồi núi, đường dây dài nên kẻ gian đã lợi dụng để trộm cắp điện - Ảnh: P.Trang

Theo ông Hồ Quang Ái – Phó tổng giám đốc EVNSPC, mặc dù số vụ trộm cắp điện còn rất lớn, tuy nhiên nếu so sánh với số liệu cùng kỳ năm 2014, trên địa bàn các tỉnh miền Nam giảm 236 vụ (tương đương 27,86%). Nguyên nhân chính là do các công ty điện lực/điện lực trực thuộc đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền chống trộm cắp điện, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động sử dụng điện và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ đo đếm từ xa tiếp tục phát huy hiệu quả trong giám sát sử dụng điện, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiệu quả tình trạng trộm cắp điện.
 
Theo thường trực Ban Chỉ đạo giảm tổn thất điện năng của EVN, nhìn chung trên cả nước tình hình trộm cắp điện vẫn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi như câu móc trực tiếp, trích cáp ngầm, đảo cực tính nguồn và sử dụng nguội ngoài, làm nghiêng công tơ, phá hỏng công tơ, sử dụng nam châm… Ví dụ điển hình là vụ trộm cắp điện vào tháng 4/2015, trong quá trình kiểm tra sử dụng điện, Điện lực Lắk (thuộc Công ty Điện lực Đắk Lắk, Tổng công ty Điện lực miền Trung) đã phát hiện gia đình ông Đào Đăng Khoa (Buôn Pai Yang, xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) trộm cắp điện bằng cách khoan lỗ trên mặt kính bảo vệ công tơ, dùng vật cứng xuyên qua lỗ điều kiển vòng quay của đĩa nhôm, nhằm mục đích giảm sản lượng điện tiêu thụ. Khi bị phát hiện, ông Khoa không thừa nhận hành vi vi phạm của mình, đồng thời uỷ quyền cho luật sư làm việc với Điện lực Lắk và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với những bằng chứng rõ ràng, luật sư của ông Khoa không bảo vệ được khách hàng, buộc ông Khoa phải bồi thường cho ngành Điện 13.259 kWh tương đương với số tiền gần 40 triệu đồng. Đồng thời, theo quy định tại Điều 12, Khoản 9, điểm g Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (ngày 17/10/2013), Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Đào Đăng Khoa với số tiền 35 triệu đồng.
 
Phân tích nguyên nhân trộm cắp điện có thể thấy, hầu hết các vụ trộm cắp điện xuất phát từ lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, xã hội, thiếu hiểu biết về an toàn điện. Tuy nhiên, đối với một số vụ trộm cắp điện quy mô lớn, đối tượng lại là những người có kiến thức về kĩ thuật điện, nắm rõ các quy định xử phạt khi tiến hành trộm cắp điện, nhưng vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình vi phạm.

Đi tìm giải pháp!

Ông Trần Đình Nhân – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, để hạn chế tình trạng trộm cắp điện, EVNCPC đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị thành viên, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với việc hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân phát hiện và xử lý hành vi trộm cắp điện.
 
Tại các tỉnh phía Bắc, ông Thiều Kim Quỳnh – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNNPC cho biết, thời gian tới EVNNPC sẽ tăng cường kiểm tra chống trộm cắp điện, nhất là nhóm đối tượng khách hàng có khả năng trộm cắp cao như khách hàng sản xuất tư nhân (sắt, thép, xi măng, sản xuất nước đá…), khách hàng mà chi phí điện năng chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm, đồng thời cần đặc biệt lưu ý đến những khu vực có tổn thất điện năng cao, tổn thất biến động bất thường… và khu vực mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Trong quá trình kiểm tra, EVNNPC cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và đúng pháp luật. 
 
Những trường hợp trộm cắp điện bị phát hiện có sản lượng tính toán từ 3.000 kWh trở lên phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan tố tụng hình sự để truy tố theo pháp luật hình sự. EVNNPC còn trang bị đầy đủ thiết bị kiểm tra lưu động trên lưới (công tơ mẫu, ampe kìm, đầu đọc hợp bộ với công tơ mẫu để kiểm tra sai số của công tơ đang hoạt động trên lưới) cho các đơn vị đảm bảo tối thiểu mỗi điện lực cấp huyện 1 bộ phục vụ cho việc kiểm tra, đo đếm điện năng.
 
Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo giảm tổn thất điện năng EVN còn yêu cầu các tổng công ty điện lực, công ty điện lực (cấp tỉnh/thành phố) làm việc và ký quy chế phối hợp với công an các tỉnh/thành phố về công tác phòng chống trộm cắp điện nhằm tạo điều kiện cho việc kiểm tra phát hiện, lập hồ sơ và truy tố đối với các trường hợp trộm cắp điện với sản lượng lớn có tính chất nghiêm trọng; tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác chống trộm cắp điện, xử lý nghiêm các đối tượng trộm cắp điện theo quy định hiện hành. 
 
Thống kê số vụ trộm cắp điện đã phát hiện và xử lý trong 6 tháng đầu năm 2015
 

Đơn vị

EVNNPC

EVNSPC

EVNCPC

EVNHANOI

EVNHCMC

Số vụ

2.694

1.651

848

283

1.076

Truy thu (kWh)

5.161.243

1.656.441

1.503.831

391.752

3.310.593

Thành tiền (triệu đồng)

13.847

17.887

4.164

1.006

8.680

 
Tại Hội nghị Đánh giá kết quả giảm tổn thất điện năng 6 tháng đầu năm và giải pháp các tháng cuối năm 2015, ông Đặng Hoàng An – Tổng giám đốc EVN, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm tổn thất điện năng đã khẳng định: 
 
Trộm cắp điện liên quan đến đạo đức xã hội và là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tổn thất điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, yêu cầu các đơn vị phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, hạn chế tối đa tình trạng trộm cắp điện, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tổn thất điện năng xuống còn 8% trong năm 2015 và 6,5% vào năm 2020.
 
Ngày 17/8/2015, Liên Bộ Công Thương - Công An - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao - Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 270/2015/TTLT-BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự từ ngày 5/10/2015.
 
- Trường hợp có hành vi trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên, người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự (quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP);
 
- Hành vi trộm cắp điện không thuộc trường hợp nêu trên, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo hướng dẫn tại mục 3.4 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ Luật Hình sự năm 1999.

 


  • 05/11/2015 09:33
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4158


Gửi nhận xét