Doanh nghiệp Việt Nam lãng phí năng lượng và cán bộ quản lý năng lượng

Không có cán bộ, kỹ thuật viên quản lý năng lượng (CB, KTV QLNL), hoặc có nhưng cũng không quan tâm đến đào tạo, tạo điều kiện cho họ làm việc, là thực trạng khá phổ biến tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra lãng phí năng lượng và lãng phí nguồn nhân lực.

Chi phí năng lượng là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp bởi động cơ, máy móc, thiết bị vận hành tiêu thụ năng lượng đáng kể và góp phần lớn trong chi phí đầu vào.

Trong xu thế mới về  tiết kiệm chi phí nói chung và tiết kiệm chi phí năng lượng nói riêng, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào vấn đề kỹ thuật, giải pháp mà còn tập trung vào quản lý năng lượng.

Nhờ có CB, KTV QLNL, các doanh nghiệp biết được tình hình tiêu thụ năng lượng, chi phí cho việc sử dụng năng lượng trong quá khứ và hiện tại như thế nào, qua đó, tính toán được chi phí khi tính giá thành. Ngoài ra, nhờ họ, các doanh nghiệp sẽ biết được những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng và tiêu thụ năng lượng để điều chỉnh hợp lý, đồng thời có những cải tiến và dự đoán được chi phí sử dụng năng lượng trong tương lai, giúp doanh nghiệp có chiến lược phát triển đúng đắn.

Có rất ít các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến vấn đề đào tạo cán bộ, kỹ thuật viên Quản lý Năng lượng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo Phó tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket  Nguyễn Anh Tuấn, qua sự theo dõi, tiếp cận kỹ thuật mới, Ban giám đốc, các cấp quản lý và đặc biệt là các CB, KTV QLNL thường xuyên đề ra sáng kiến, giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại tất cả các khu vực trong toàn Công ty. Năm 2012, công ty đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, nên đã tiết giảm được 76.259 kWh điện/năm và 338 tấn than/năm.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng ý thức được vai trò của CB, KTV QLNL như thế. Rất nhiều doanh nghiệp không có CB, KTV, hoặc có nhưng cũng không quan tâm đến đào tạo, hoặc tạo điều kiện cho họ phát huy vai trò của mình.

Theo ông Phạm Huy Phong – Phó giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. HCM, hiện nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa quan tâm đúng mức cho việc đào tạo CB, KTV QLNL hoặc có cũng chỉ là cán bộ, kỹ thuật viên kiêm nhiệm. Rất ít doanh nghiệp phân cấp rõ ràng chức danh CB, KTV QLNL trong cơ cấu tổ chức.

Theo lý giải của ông Trần Quý Năng - kỹ sư điện, quản lý năng lượng ở Trung tâm Công nghệ Quốc tế Hà Nội, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang trong giai đoạn rất khó khăn, hai vấn đề chi phí và lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Phần lớn chủ doanh nghiệp chưa có điều kiện tiếp cận về kiến thức quản lý năng lượng và nói đến đào tạo hoặc đầu tư khiến họ cân nhắc. Vì vậy, có thể khi đã thấy được những thành quả của nhiều doanh nghiệp khác thì vấn đề đào tạo cán bộ quản lý năng lượng sẽ được các doanh nghiệp quan tâm.
 

Nhiệm vụ của CB, KTV QLNL:

- Xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hàng năm và 5 năm cho doanh nghiệp;

- Tổ chức mạng lưới quản lý hoạt động sử dụng năng lượng, tổ chức thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn;

- Thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

- Theo dõi nhu cầu tiết kiệm năng lượng của thiết bị và toàn bộ dây chuyền sản xuất, sự biến động về nhu cầu tiêu thụ năng lượng;

- Kiểm tra, đánh giá và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ...

 


  • 26/06/2013 05:41
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới Điện
  • 3056


Gửi nhận xét