Điện lực Quảng Nam: Tiếp nhận lưới điện nông thôn - 3 năm nhìn lại

Sau 3 năm triển khai, Công ty Điện lực Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và tố chức bán điện cho các hộ dân.

Gần 14 năm sau ngày tái lập, tỉnh Quảng Nam đã có thêm 94 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia thông qua các dự án đầu tư của địa phương và ngành Điện. Phần lớn các xã này ở khu vực nông thôn và miền núi. Đi đôi với  việc đẩy nhanh tiến độ mở rộng hệ thống lưới điện, nhiều vấn đề liên quan đến phương thức quản lý, kinh doanh bán điện, kỹ thuật an toàn, giá điện, tổn thất điện năng …cơ bản được cải thiện theo đúng quy định của Luật Điện lực.

Bức tranh đã khởi sắc

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện bán điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn,Công ty Điện lực Quảng Nam đã cơ bản hoàn thành, đạt kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Trung giao. Được UBND Tỉnh và các địa phương hỗ trợ và chỉ đạo kiên quyết, được Tổng công ty tập trung  chỉ đạo và nhất là được đa số các chủ tài sản và khách hàng đồng tình, ủng hộ nên đến thời điểm gia hạn cuối cùng ngày 30/6/2011, Công ty XD&PT hạ tầng cùng 119 tổ chức kinh doanh điện địa phương đã bàn giao khoảng 1.850 km đường dây hạ áp với khoảng 156.000 công tơ, đạt 88,6% yêu cầu đề ra. Còn lại, có 33 tổ chức được UBND tỉnh  Qủang Nam cho phép tiếp tục kinh doanh, mua buôn, bán lẻ điện cho gần 50 nghìn khách hàng trên địa bàn 25 xã.

Như vậy, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 364.500 hộ dân (97,8%) được cung ứng điện qua 290.000 công tơ. Trong đó, hơn 83% khách hàng ký hợp đồng mua điện trực tiếp với các điện lực khu vực và 13,36% mua điện qua các tổ chức kinh doanh điện địa phương.

Lưới điện nông thôn khang trang hơn sau khi  ngành Điện tiếp nhận - Ảnh: Nguyễn Tiến

Tất cả vì lợi ích khách hàng

Mặc dù quá trình giao nhận lưới điện còn một số các tồn tại, vướng mắc phải tiếp tục giải quyết như hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, ký kết hợp đồng mua bán điện, tìm dịch vụ bán lẻ điện năng, thu nợ cũ, thay thế công tơ, cải tạo lưới điện và hoàn trả vốn, song về cơ bản, các quyền lợi của khách hàng sử dụng điện ở nông thôn đã được đảm bảo. Cụ Huỳnh Lịch, 85 tuổi, ở thôn 1, Bình Sơn, Hiệp Đức bộc bạch: “Vợ chồng già, con cái ở xa, trước đây có chút điện thì “đêm lu, ngày tịt”, vậy mà tháng nào tiền điện cũng trên bảy chục nghìn đồng. Hỏi ra thì hợp tác xã bảo là do hao hụt đường dây. Bây giờ có “điện mới” (cách gọi tắt mua điện qua ngành Điện) sáng trưng. Gia đình tôi lại được hỗ trợ tiền điện theo hộ nghèo, lại không chịu phết phẩy hao hụt nên tiền điện giảm còn bốn chục nghìn đồng thôi”.

Hiện, tại khu vực tiếp nhận đã có hơn 83,3% số hộ được mua điện qua công tơ mới. Riêng khoảng 21 nghìn công tơ cũ thuộc khu vực đang thực hiện dự án RE2 vẫn đang tạm sử dụng để bán điện cho dân cho đến khi dự án hoàn thành bàn giao thì Công ty sẽ tiếp nhận và thay thế công tơ sau.

Về lưới điện hạ áp, hiện có hơn 50% khối lượng lưới điện đã xuống cấp là nguyên nhân làm tăng tổn thất điện năng mà người dân phải gánh chịu khi còn mua điện qua các tổ chức kinh doanh điện nông thôn. Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã đầu tư hơn 89,5t ỷ đồng để thay thế hệ thống công tơ và sửa chữa từng bước những nơi lưới điện hư hỏng, mất an toàn. Kế hoạch tiếp đến, Tổng công ty đang triển khai dự án ADB, KFW với tổng vốn đầu tư hơn 260 tỷ đồng để cải tạo thêm 32 km đường dây trung áp, 450 km đường dây hạ áp, 30 trạm biến áp với khoảng 47 nghìn công tơ.

Để giảm áp lực về nhân công, tạo công ăn việc làm cho số lao động địa phương sau khi tiếp nhận, Công ty đã thuê 378 dịch vụ bán lẻ điện năng trực tiếp quản lý vận hành và kinh doanh bán điện ở những khu vực tiếp nhận trong toàn Tỉnh. Qua bàn giao lưới điện, các địa phương có điều kiện tập trung hơn cho nhiệm vụ chính trị, giảm áp lực tài chính trong việc chăm lo cho các vấn đề về điện; người dân được mua điện trực tiếp từ các điện lực khu vực nên các lợi ích được đảm bảo như chất lượng điện tốt hơn, đo đếm điện công bằng, chính xác hơn, thời gian mất điện giảm, đặc biệt là được hưởng lợi về giá bán điện theo quy định và không phải chịu các chi phí đóng góp, sửa chữa lưới điện nhưng lại được hưởng chế độ phục vụ, dịch vụ tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Tám, chủ một cơ sở xay xát gạo ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn cho biết: “Trước đây, cùng số chữ điện, chúng tôi phải trả tiền điện gấp đôi ở thành phố, nay thì tiền điện giảm hẳn. Trong xóm tôi còn có nhiều hộ nghèo được mua điện giá rẻ nữa!”.

Và còn nhiều việc phải làm

Qua tiếp nhận, bán điện đến hộ dân nông thôn, Công ty Điện lực Quảng Nam đã từng bước lập lại trật tự kinh doanh điện nông thôn, giảm tối đa phiền hà và thiệt hại cho khách hàng, điện nông thôn đã được chấn chỉnh một bước cơ bản. Tuy vậy, đến thời điểm này, nhiều khó khăn, tồn tại Công ty vẫn phải tiếp tục xử lý, phải tốn nhiều tiền của và công sức.

Theo thống kê, khu vực nông thôn tiêu thụ hơn 50% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn Tỉnh, với giá bán bình quân 1.058 đồng/kWh, thấp hơn giá bán bình quân toàn Công ty 96 đồng/kWh, và thấp hơn mức giá thành đến 184 đồng/kWh. Ngoài ra, Công ty còn phải bán điện theo giá hỗ trợ 993 đồng/kWh cho 120 nghìn hộ nghèo mua điện dưới 50 kWh/tháng. Như vậy, ngành Điện còn tiếp tục kinh doanh trong cơ chế bù lỗ cho điện nông thôn trên địa bàn .

Vấn đề đầu tư nâng cấp lưới điện cũng đã được tính toán, nhưng dự kiến chi phí lên đến gần nghìn tỷ đồng, vì vậy chỉ có thể vay vốn ưu đãi mới thực hiện được. Ngoài ra, Công ty còn phải tập trung giải quyết những vấn đề về tính pháp lý trong kinh doanh điện; thu nợ tiền điện hơn 2,9 tỷ đồng từ các tổ chức kinh doanh điện nông thôn trước đây… Những khó khăn này chỉ có thể vượt qua khi có sự chỉ đạo và quan tâm của lãnh đạo địa phương, Tổng công ty Điện lực miền Trung, và nhất là các ngành chức năng ở tỉnh Quảng Nam.

 


  • 21/09/2011 11:28
  • Nguyễn Tiến
  • 4797