Dấu ấn … “315”!

Dự án cấp điện cho 315 thôn, buôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khởi công ngày 27/02/2008 tại huyện Buôn Đôn. Đến nay, các thôn, buôn được thụ hưởng từ dự án này  đã có bước thay đổi đáng kể trong đời sống vật chất cũng như tinh thần.

Bừng sáng thôn, buôn

Chúng tôi trở lại thôn Ea Duất, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn nằm cách trung tâm huyện lỵ không xa. Khoảng 4 năm trước đây, đời sống của người dân còn khó khăn. Phần vì đất đai cằn cỗi, phần vì thời tiết không thuận lợi, rất khó phát triển kinh tế nông thôn. Thời kỳ đó, số hộ nghèo chiếm đến 2/3. Cuộc sống không chỉ khó khăn về vật chất mà về mặt tinh thần cũng rất thiếu thốn. Lúc đó, có một số hộ gia đình đã đào giếng và “mạnh dạn” đầu tư máy bơm nước tưới cho cây cà phê, cây hồ tiêu, nhưng vì xăng, dầu đắt đỏ, nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau gần 4 năm kể từ ngày có điện, thôn Ea Duất nay đã có nhiều đổi thay. Những vườn hồ tiêu, cà phê… xanh mơn mởn và trĩu quả hai bên đường như đã nói lên tất cả.

Tiếp chúng tôi, Trưởng thôn Nguyễn Mạnh Hùng không giấu được niềm vui: “Tôi là người có thâm niên làm trưởng thôn ở đây – qua 3 nhiệm kỳ với gần 9 năm rồi mà bà con chưa cho nghỉ. Vì vậy, mọi đổi thay trước và sau khi có điện tôi hiểu rất rõ…”. Qua câu chuyện được biết, nguồn thu nhập trong thôn chủ yếu dựa vào 400ha cà phê và hồ tiêu.

Trước năm 2008, khi chưa có điện lưới quốc gia, một số hộ dân tự đóng góp tiền và đầu tư kéo đường điện dài hơn 2 km từ tỉnh lộ 1 vào để sử dụng. Thời gian đó, điện chủ yếu được sử dụng vào ban ngày, còn chiều tối do điện áp quá thấp nên phải thắp đèn dầu. Đến cuối năm 2008 đầu năm 2009, nhờ có dự án 315, thôn Ea Duất được lắp đặt 01 máy biến áp 100 kVA, kéo điện đến từng nhà dân. Từ đó, cuộc sống của người dân bắt đầu thay đổi rõ nét. Trước đây, số ti vi của cả thôn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay 100% hộ dân đều có ti vi, hơn 70% hộ đã sắm được máy bơm nước,…

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, trong thôn đã có 67 em theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có 19 em đang học đại học; số hộ nghèo theo chuẩn mới liên tục giảm. Năm 2009, thôn đã được công nhận là thôn Văn hóa. Trưởng thôn Nguyễn Mạnh Hùng phấn khởi: Những kết quả trên có được là nhờ có điện. Cũng nhờ có điện, người dân có thêm cơ hội học tập kinh nghiệm sản xuất qua hệ thống phát thanh, truyền hình”.

Được biết, 4 năm trước, thôn Ea Duất được lắp đặt 01 máy 100 kVA thì nay đã nâng công suất lên 160 kVA; sản lượng điện thương phẩm vào tháng 02/2009 là 11.259 kWh thì đến tháng 9/2012 là 37.188 kWh. Nếu so với các địa phương khác, con số trên có thể chưa thấm vào đâu, nhưng với Ea Duất thì đây là con số đáng tự hào.

Rời thôn Ea Duất, chúng tôi đến buôn Ea Púk, xã Ea Sô cách trung tâm huyện Ea Kar chừng 30 km. Cả Buôn có 90 hộ, chủ yếu là đồng bào H’Mông, Ê-đê với hơn 500 khẩu. Theo anh Hờ A Sủn, Trưởng buôn, hiện tại, buôn Ea Púk vẫn là một trong những buôn khó khăn. Tuy nhiên, so với trước năm 2010 thì đã có nhiều đổi thay.

Để khẳng định, ông Hờ A Sủn dẫn chúng tôi đến gặp ông Lê Văn Phức, Bí thư chi bộ, đồng thời là một hộ làm kinh tế giỏi trong Buôn. Tại vườn bí đỏ mới trồng và những luống rau xanh tốt, ông Phức cho chúng tôi biết, khoảng giữa năm 2010, địa bàn buôn Ea Púk có điện lưới quốc gia. Trước đó, bà con trong buôn nhà nào “sang” thì dùng ácquy để thắp sáng, khoảng 1 tuần thì đi 7 km để sạc điện 1 lần; còn nhà nào không kinh tế còn yếu thì dùng đèn dầu. Từ ngày có điện, gia đình ông không dùng máy bơm chạy dầu mà chuyển sang dùng máy bơm điện để tưới cây, chi phí giảm gần 2/3.

Hiện tại, nhà ông có khoảng 1,2 ha vừa trồng bí đỏ, vừa trồng các loại rau xanh. 1 ha bí cho thu được từ 12 đến 15 tấn. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha còn lãi hơn 40 triệu đồng. Ngoài gia đình ông, còn có nhiều hộ khác trong Buôn học theo mô hình này.


Dự án cấp điện cho 315 thôn buôn chưa có điện tỉnh Đăk Lăk đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Ảnh: CTV

 

Đến 2020, phủ lưới điện toàn tỉnh

Dự án cấp điện cho 315 thôn buôn chưa có điện tỉnh Đăk Lăk đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy vậy, là một tỉnh “đất rộng, người thưa,” Đắk Lắk còn nhiều khu dân cư chưa có điện hoặc có điện nhưng chất lượng điện thấp. Tính đến nay, toàn Tỉnh còn có 189 thôn, buôn và khoảng 627 điểm dân cư chưa có điện với hơn 22.700 hộ dân.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản các hộ dân trong tỉnh Đắk Lắk được sử dụng điện lưới quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang trình Bộ Công Thương dự án cấp điện nông thôn tỉnh Đắk Lắk từ năm 2011 đến 2020. Theo đó, dự án gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 2014; giai đoạn 2 từ 2015 đến 2017 và giai đoạn 3 từ 2018 đến 2020, trong đó tùy theo yêu cầu từng giai đoạn sẽ có sự ưu tiên như: Tập trung ưu tiên các dự án đang triển khai, ưu tiên các thôn, buôn biên giới; các thôn, buôn có vốn đầu tư/hộ thấp, các thôn, buôn được đưa vào chương trình nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, 2015-2020. Dự kiến, vốn đầu tư cho cả 3 giai đoạn khoảng 1.588 tỷ đồng.

Hy vọng, với cố gắng của ngành Điện và sự quan tâm của Chính phủ, sau khi dự án triển khai đưa vào sử dụng, người dân các khu vực còn lại trong tỉnh Đắk Lắk sẽ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về giá điện, chất lượng điện năng, góp phần  phát triển kinh tế -xã hội trong vùng.


  • 27/02/2013 09:02
  • Xuân Vinh
  • 3057