Xây dựng văn hóa học tập trong tổ chức, doanh nghiệp

Môi trường kinh doanh hiện đại không ngừng phát triển và đặt ra các yêu cầu mới cho doanh nghiệp. Để có thể tồn tại và phát triển, các tổ chức, doanh nghiệp luôn phải chú trọng đầu tư vào lĩnh vực đào tạo - học tập và coi đây là một yếu tố văn hoá cốt lõi.

Sau khi dành hầu như toàn bộ công sức trong suốt 30 năm để phỏng vấn hơn 500 người thành công nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau,  Napoleon Hill (1833-1970) đã hoàn thành và xuất bản cuốn sách “Nghĩ giàu, làm giàu”, trong đó có một kết luận rất đáng chú ý:

Ảnh minh họa.

“Những người thành đạt ở mọi lĩnh vực đều không ngừng tích lũy thêm những kiến thức chuyên ngành liên quan tới mục đích kinh doanh hay nghề nghiệp của họ. Ngược lại, những người không thành đạt thường mắc sai lầm khi cho rằng, thời gian thu nhận kiến thức sẽ kết thúc khi một người rời khỏi ghế nhà trường”.

Người ta cho rằng, những người sáng lập và lãnh đạo tổ chức phải nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc học tập liên tục và đưa vào hệ tư tưởng cốt lõi của tổ chức. “Hệ tư tưởng cốt lõi của tổ chức” là khái niệm được Jim Collins sử dụng trong cuốn sách nổi tiếng “Từ tốt đến vĩ đại”, thực chất là các triết lý hành động tạo nên cốt lõi của Văn hóa tổ chức, bao gồm: Sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi…

Trong các giá trị cốt lõi của các DN lớn ở Việt Nam, có cách trực tiếp giới thiệu giá trị học tập/học hỏi hay như cách làm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, liên quan đến các cặp giá trị tương ứng là “Tận tâm - Trí tuệ”, “Sáng tạo - hiệu quả”…

Người lãnh đạo không chỉ là người truyền bá, giáo dục tư tưởng cần học tập thường xuyên mà còn phải là một tấm gương hành động nhất quán, truyền cảm hứng, chia sẻ hiệu quả về sự học tập và đổi mới sáng tạo, thành công của tổ chức và bản thân. Trong giai đoạn kiến tạo Văn hóa tổ chức, nếu người lãnh đạo không thực tâm và thiếu nhiệt huyết, sẽ không thể có phong trào học tập phát triển, không thể trở thành thói quen, nề nếp, văn hóa.

Bên cạnh đó, việc xây dựng thể chế để việc học tập trở thành văn hóa, có tính kỷ luật cao cần được khuyến khích trong các tổ chức.Văn hóa tổ chức là quá trình đi từ nhận thức đến vô thức, từ kỷ luật đến tự do và tự giác hành động của cộng đồng thành viên. Điều này đòi hỏi hệ tư tưởng cốt lõi, các triết lý và nguyên tắc hành động của tổ chức phải được thể chế hóa thành các quy tắc ứng xử, quy chế làm việc, hình thức kỷ luật một cách nghiêm minh, công bằng. Quản trị tổ chức, nhất là đối với các DN lớn đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa giữa pháp trị, văn trị và kỹ trị; sự phân quyền, phân cấp trong khuôn khổ một hệ thống nguyên tắc và quy định kỷ luật chung. 

Ở Việt Nam, Vingroup cũng có các quy định bắt buộc: các nhà quản lý cấp cao mỗi năm phải dành ra 100 giờ làm nhiệm vụ đào tạo cấp dưới và nhân viên; cấp trung phải dành ra ít nhất mỗi tuần 1 giờ để đào tạo. Cơ chế khuyến khích đào tạo một cách tích cực với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với nhiệm vụ, đặc điểm của mỗi đơn vị. Bệnh viện Vinmec được Tập đoàn đầu tư một quỹ học bổng 5 triệu USD tuyển chọn các bác sỹ giỏi sang các nước tiên tiến nghiên cứu, trở thành tiến sỹ. Tập đoàn đã đầu tư tài chính ở mức cao cho đào tạo nội bộ và từ bên ngoài, kể cả việc thuê chuyên gia nước ngoài đến đào tạo hoặc thu hút họ trở thành thành viên của mình…

Đúng như Napoleon Hill đã tổng kết, các DN thành công đều tập trung vào việc học hỏi các kiến thức chuyên sâu, kiến thức thực tiễn mới, liên quan tới mục đích kinh doanh và nghề nghiệp. Sự thỏa mãn với những thành công lớn, bằng cấp cao đã đạt được và thiếu động lực học hỏi thường xuyên là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho con người và tổ chức tốt, nhưng không thể trở thành xuất sắc hay vĩ đại.

Vì sao nhiều DN lớn đã có kế hoạch đào tạo, hàng năm đều tổ chức nhiều chương trình đào tạo lớn nhưng vẫn không trở thành văn hóa học tập của tổ chức? Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ năng lực quản trị đào tạo của DN, nhất là từ bộ phận tham mưu và tổ chức thực hiện còn thiếu tính khoa học và tính hiệu quả; từ phương pháp đào tạo chưa phù hợp và thiếu tính sáng tạo. Quản trị quá trình đào tạo phải giải quyết được những nguyên nhân tồn tại, không triển khai mang tính hình thức…

Để làm được điều đó, bản thân những người được giao trách nhiệm tổ chức đào tạo phải được tuyển chọn một cách chặt chẽ, có đủ tiêu chuẩn, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. DN cần biết kết nối, hợp tác với tổ chức đào tạo chuyên nghiệp để xây dựng và thực hiện chiến lược, chương trình khung đào tạo phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, cần đổi mới hay cải tiến phương pháp đào tạo, tăng tính tích cực, chủ động, xây dựng được năng lực tự học của người học, biến nhiệm vụ học tập thành niềm vui, sự đam mê và thói quen nghề nghiệp trong cuộc sống. Những tổ chức có đa số thành viên ham đọc sách, học hỏi hàng ngày sẽ là tổ chức có khả năng thành công cao và phát triển bền vững.


  • 17/05/2021 01:40
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập.
  • 3120