Ứng xử với những câu hỏi riêng tư

Trong một cuộc phỏng vấn, có những câu hỏi tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với công việc bạn đang thi tuyển vào cả, và đôi lúc làm bạn cảm thấy bực mình. Tuy nhiên, những câu hỏi này giữ một phần khá quan trọng trong phần lớn các cuộc phỏng vấn tuyển dụng.

Công Minh, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học ngành Tài chính - Ngân hàng rất háo hức tham gia thi tuyển vào một công ty tại thành phố Hồ Chí Minh. Cứ tưởng tham gia phỏng vấn cũng giống như việc các thầy, cô giáo hỏi bài để chọn trong số đó những ai có kiến thức chuyên môn khá nhất. Vì kiến thức chuyên môn cũng thuộc vào loại khá, với ngoại hình và các chỉ số phụ kèm theo như ngoại ngữ, tin học hội đủ điều kiện nên Minh khá tự tin. 

Khi Minh tham gia phỏng vấn với nhà tuyển dụng, sau một vài câu hỏi sơ sơ về ngành nghề, nhà tuyển dụng quay sang hỏi đủ thứ chuyện đời thường của Minh: “Em thức dậy lúc mấy giờ?”; “Em có bạn gái chưa?”; “Gia đình em có mấy người?”; “Em tới đây bằng gì?”; “Em thích màu gì?”; “Ai ảnh hưởng đến cuộc đời em nhiều nhất?”… 

Với nhiều câu hỏi như vậy, Minh cảm thấy khó chịu và không hứng thú lắm với những câu trả lời. Minh lên tiếng nói thẳng: “Em tới đây là để phỏng vấn xin việc chứ không phải trả lời mấy câu hỏi riêng tư này, anh vui lòng không hỏi chuyện riêng của em được không?”. Nhà tuyển dụng cũng vui vẻ chấp nhận và hỏi sang lĩnh vực khác. Buổi phỏng vấn diễn ra khoảng 30 phút. 

Sau khi trở về, Minh thổ lộ rằng: “Tưởng phỏng vấn là hỏi cái gì cao xa, ai dè chỉ toàn mấy câu hỏi gì đâu!…”. Sau một tuần kể từ ngày phỏng vấn, Minh nhận được kết quả phỏng vấn, và cơ hội lần đó không đến với Minh. 

Trường hợp của Công Minh chỉ là một ví dụ, có nhiều ứng viên cảm thấy thất vọng và tỏ thái độ không hài lòng khi được nhà tuyển dụng hỏi một số câu hỏi liên quan tới chuyện riêng tư. Nhưng hãy bình tĩnh suy xét lại vấn đề, bởi không có lý do gì các nhà tuyển dụng lại bỏ thời gian ra để chỉ hỏi mấy câu hỏi đó. Chắc hẳn rằng, nó phải phục vụ một mục đích nào đó mà nhà tuyển dụng đưa ra.

Thật vậy, trong một ứng viên hoàn hảo, phải bao gồm nhiều yếu tố chứ không phải chỉ có chuyên môn. Ở những công ty lớn hoặc ở những vị trí tiếp xúc khách hàng thường xuyên, chỉ số tình cảm, cảm xúc, khả năng giao tiếp và sự khéo léo luôn được ưu tiên. Vì đó là yếu tố giúp kết nối các thành viên, cũng như là chất keo níu giữ khách hàng. 

Có nhiều cách để kiểm tra chỉ số này. Một trong những cách đó là thử khả năng ứng xử của bạn tới đâu bằng cách đưa ra những câu hỏi khó hoặc riêng tư. Người hỏi không mong đợi những thông tin mà nhìn nhận cách trả lời. Đó cũng là lí do vì sao, nhà tuyển dụng lại hỏi Công Minh những câu hỏi trên và cũng lí giải vì sao Công Minh lại thất bại trong lần phỏng vấn đó.


  • 10/07/2019 04:35
  • Nguồn: nld.com.vn
  • 1996