Trách nhiệm xã hội của EVN nhìn từ Chương trình 30a: Xuân ấm tình người

Sau hơn 6 năm EVN thực hiện Chương trình 30a, bộ mặt kinh tế - xã hội của 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đã có sự chuyển biến rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, EVN đang tiếp tục triển khai Chương trình 30a từ nay đến năm 2020 với mục tiêu hầu hết các hộ dân nông thôn đều có điện, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15 - 30%. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng giám đốc EVN đã có cuộc trao đổi với Bản tin Công đoàn Điện lực Việt Nam về vấn đề này.

Ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

PV: Xin ông cho biết những thành quả EVN đã đạt được từ Chương trình 30a giai đoạn 2009 - 2015 tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ thuộc tỉnh Lai Châu?

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc: Từ năm 2009, theo chỉ đạo của Chính phủ,  EVN đã thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) với mục tiêu: Giảm hộ nghèo xuống 15-30%; Phấn đấu đến cuối năm 2015 trên 90% hộ dân có điện, đến năm 2020 cơ bản 100% hộ dân có điện sử dụng.

Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2009 - 2015, EVN đã dành 575 tỷ đồng đầu tư lưới điện và hỗ trợ giảm nghèo tại 3 huyện, trong đó, trên 490 tỷ đồng đầu tư lưới điện nông thôn, mức hỗ trợ bình quân 3 triệu đồng/hộ để đấu nối sau công tơ và cấp cho mỗi hộ 1 ổ điện, 1 bóng đèn compact. Đến nay, đã có 100% xã và 92,5% số hộ dân có điện sử dụng, vượt mục tiêu so với cam kết hỗ trợ 100% xã có điện và trên 90% hộ dân có điện vào năm 2015.

EVN cũng thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm cho 2.511 hộ (chiếm 83,6%), 16 hộ thuộc diện chính sách xây dựng nhà có diện tích sử dụng tối thiểu là 24m2, tuổi thọ 10 năm trở lên với chi phí khoảng 40 triệu đồng/nhà; Hỗ trợ xây dựng 43 "nhà bán trú dân nuôi"; Mở 3 lớp đào tạo nghề cho 59 học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; Tiếp tục đào tạo và tiếp nhận  học sinh theo học Cao đẳng nghề Điện; Hỗ trợ xây dựng 2 trường học tại huyện Tân Uyên với tổng kinh phí 18 tỷ đồng; Thực hiện gần 20 mô hình sản xuất nông nghiệp; Mua thẻ bảo hiểm y tế cho 4.278 lượt học sinh với tổng kinh phí 1.102 triệu đồng.

Ngoài ra, còn hỗ trợ thiết bị y tế cho các xã; Trao quà cho các hộ gia đình khó khăn, hộ chính sách, học sinh nghèo vượt khó, học sinh bán trú; Tặng tủ sách cho 21 trường học bán trú; Khám bệnh phát thuốc cho các hộ dân; Quyên góp trao quà tết cho bà con, trồng cây xanh; Hỗ trợ sửa chữa, hướng dẫn các hộ dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; Tặng xe đạp phát điện cho bà con vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia; Tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó; Hỗ trợ giáo dục đào tạo 61 học sinh học Cao đẳng nghề Điện... Với sự hỗ trợ tích cực của EVN, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt; Con em đồng bào các dân tộc đã được học và sinh hoạt trong những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, đảm bảo điều kiện học tập, không phải đi lại hàng chục cây số trong mùa mưa lũ…

PV: Trong quá trình thực hiện Chương trình 30a, EVN có gặp khó khăn vướng mắc gì không, thưa ông?

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc: Khó khăn rất nhiều, bởi Lai Châu là địa phương có địa hình chia cắt phức tạp, dân cư sống phân tán khiến chi phí cho quá trình điện khí hoá nông thôn cao hơn các khu vực khác trong cả nước.

Hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là đường giao thông liên xã, liên thôn bản. Thậm chí, rất nhiều thôn bản không có đường giao thông, do đó rất khó khăn trong công tác vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các dự án. Vào mùa mưa (tháng 4-10) đường sá bị sạt lở nhiều khiến việc vận chuyển tập kết vật tư rất vất vả.

Đặc biệt, công tác đền bù GPMB đầu tư xây dựng các dự án lưới điện cũng gặp không ít khó khăn vì có lúc, có nơi chưa được sự quan tâm, ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương, nhất là những đoạn tuyến đi qua khu vực trồng cây cao su, rừng phòng hộ, dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án bị kéo dài, vừa ảnh hưởng đến kế hoạch, vừa làm đội chi phí.

Ở một số địa phương, do tập quán lạc hậu và trình độ kỹ thuật thấp nên kết thúc giai đoạn hỗ trợ bà con không tự mở rộng và phát triển bền vững được. Có lúc, việc phối hợp giữa các bên liên quan chưa nhịp nhàng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và thời vụ sản xuất của bà con...

PV: Để tiếp tục giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn tiếp theo, EVN sẽ triển khai chương trình như thế nào?

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc: Giai đoạn 2016 - 2020, EVN tiếp tục thực hiện Chương trình 30a tại 3 huyện trên với kế hoạch đầu tư gần 200 tỷ đồng để thực hiện 6 nội dung. Trong đó, tư lưới điện nông thôn với mục tiêu đến cuối năm 2020 hầu hết các hộ dân đều có điện; Xây nhà bán trú dân nuôi cho 30 điểm trường với tổng số 150 phòng; Xây 1 trường dân tộc nội trú 28 phòng tại Than Uyên; Xây dựng 24 điểm trường mẫu giáo; Hỗ trợ lượng thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho học sinh tại trường do EVN hỗ trợ xây dựng; hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông thôn bản. Ngoài ra còn trang bị đồ dùng y tế thiết yếu, đồ dùng học tập, chăn màn, các chương trình của Đoàn thanh niên...

Để thực hiện Chương trình này, ngay từ cuối năm 2015, EVN đã cùng với UBND tỉnh Lai Châu và 3 huyện được thụ hưởng ký thỏa thuận hỗ trợ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi bên. Các đơn vị trực thuộc EVN cũng được phân công hỗ trợ xây dựng nhà bán trú dân nuôi với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng huy động từ vốn đóng góp của CBCNVC trong tập đoàn. Công ty Điện lực Lai Châu và Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát là những đơn vị đóng ở Lai Châu sẽ thay mặt EVN trực tiếp thực hiện nội dung hỗ trợ theo sự phân công. Công đoàn Điện lực Việt Nam và các ban của Tập đoàn là đơn vị phối hợp thực hiện. EVN cũng sẽ đặc biệt chú trọng việc phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền để thể hiện trách nhiệm của EVN với công cuộc xóa đói giảm nghèo do Chính phủ đề ra.

PV: Theo ông, cần có điều kiện gì để Chương trình 30a giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả tốt hơn?

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc: Từ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 30a giai đoạn 2009 - 2015, tôi cho rằng, để có thể triển khai hiệu quả các chương trình theo Nghị quyết 30a giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về công tác quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp đất, cấp phép cho các dự án công trình lưới điện đầu tư trên địa bàn cũng như các công trình nhà bán trú dân nuôi…

Các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống, để người nghèo, đồng bào các dân tộc ít người được tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách giảm nghèo chung, có chính sách giảm nghèo đặc thù cho từng vùng khó khăn, nhóm người nghèo dân tộc ít người, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.

Việc bố trí nguồn vốn cần được ưu tiên và kịp thời; Triển khai các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả. Công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo cần được tổ chức thường xuyên ở các cấp, ngành, nhất là cơ sở, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc tổ chức thực thi chính sách, qua đó, hạn chế các tiêu cực, lợi dụng chính sách, đồng thời phát hiện những hạn chế, bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Phát hiện, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng; Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm giảm nghèo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nếu làm tốt các vấn đề trên, chắc chắn việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo thời gian tới sẽ đạt hiệu quả rất thiết thực.

Xuân này, cuộc sống của đồng bào ba huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, ánh sáng điện đã tràn niềm vui tới mọi nhà.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


  • 16/02/2017 02:08
  • Nguồn: Bản tin Công đoàn Điện lực Việt nam
  • 2639