Sếp muốn nghe nhận xét nhưng nhân viên sợ mất lòng

Sếp không nên chỉ tập trung vào đánh giá biểu hiện của nhân viên. Khuyến khích họ đưa các phản hồi công việc là một điều quan trọng không kém.

Không cởi mở

Thông thường, nhân viên chỉ phản hồi về những mặt tích cực và hiếm khi chia sẻ những điểm họ chưa hài lòng về sếp cùng phong cách làm việc của họ.

Điều này có thể bắt nguồn từ định kiến cho rằng sếp không thoải mái với những lời nhận xét về mình.

Cách giải quyết: Bạn hãy thể hiện rõ ràng với mọi người trong cơ quan rằng mình luôn mong đợi và sẵn sàng đón nhận những góp ý trung thực.

Bên cạnh đó, bạn nên cho họ thấy rằng bạn xem xét các phản hồi từ người khác như một dạng phát triển bản thân.

Theo đó, bạn có thể gợi mở cấp dưới hay đồng nghiệp đưa ra những chia sẻ chân thành để giúp bạn cải thiện năng lực của mình.

E ngại làm sai

Nhân viên hoàn toàn có thể từ chối đưa ra quan điểm cá nhân vì nhiều lý do. Trong đó, việc sợ phản hồi không chuẩn mực là một nguyên nhân điển hình.

Cách giải quyết: Bạn hãy cho mọi người biết rằng kỹ năng nhận định một cá nhân hay công việc nào đó cần được trau dồi lâu dài và bạn sẵn sàng đồng hành cùng họ.

Đồng thời, bạn hãy đảm bảo rằng họ chỉ cần có tinh thần cố gắng và cầu tiến hay thì chăm chú thể hiện sao cho đúng.

Lưu ý: Thường xuyên ghi nhận và tán dương sự cải thiện của họ sẽ giúp quá trình tiếp thu và sửa đổi nhận xét trở nên thuận lợi hơn.

Sợ hãi bị trả thù

Bạn là cấp trên đồng nghĩa với việc bạn có ưu thế hơn hẳn những người còn lại trong văn phòng.

Điều này còn có nghĩa là bạn có khả năng can thiệp vào tương lai sự nghiệp của cấp dưới.

Vì vậy, nhiều nhân viên lo lắng phản hồi quá trung thực sẽ cản trở cơ hội thăng tiến của họ.

Cách giải quyết: Bạn hãy cố gắng bày tỏ sự khiêm tốn và đồng cảm của mình.

Bạn có thể nói: “Tôi biết anh không quá thoải mái khi nêu ý kiến về sếp của mình. Thực tế tôi cũng quan ngại tương tự khi đưa trao đổi với ban lãnh đạo cấp cao.

Tôi thực sự thấy được ý muốn được chia sẻ của anh, ngay cả khi chúng không mấy tích cực. Tôi biết là mình còn có thể trở nên tốt hơn và tôi thực sự muốn làm như thế”.

Không muốn làm tổn thương

Những nhận xét không được tinh tế có thể khiến nhiều người rơi vào trạng thái tiêu cực, thậm chí chối bỏ bản thân.

Theo đó, nhân viên và đồng nghiệp của bạn e dè việc đánh giá về bạn là điều dễ hiểu.

Họ không muốn làm bạn cảm thấy tồi tệ và gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai.

Cách giải quyết: Bạn hãy thử chủ động đưa ra ý kiến trước. Điều này giúp giảm bớt nỗi lo lắng của họ.

Bạn có thể nói: “Tôi biết rằng mình có xu hướng làm việc quy tắc, chậm chạp và thường ưu tiên độ chính xác hơn.

Nhiều người từng chia sẻ với tôi rằng họ khó phối hợp với kiểu làm việc của tôi. Tôi thật lòng muốn cải thiện điều này. Vì vậy, anh có thể chia sẻ thêm cảm nhận của mình không?”

Sau đó, khi họ đã tiếp lời, bạn hãy hỏi thêm: “Có điều gì khác mà tôi có thể cải thiện ngay để giúp công việc của bạn dễ dàng hơn không?”.

Nghi ngờ về hiệu quả

Thành thật gửi phản hồi không phải là một điều dễ dàng với nhiều người.

Thế nên, khuyến khích đưa ra nhận xét nhưng lại không tìm cách giải quyết hay cải thiện công việc sẽ nhanh chóng làm bạn mất đi sự uy tín và chân thành.

Cách giải quyết: Bạn hãy rõ ràng về những gì mình sẽ làm sau khi nhận được feedback.

Bạn có thể khéo léo phản hồi là: “Tôi rất trân trọng những nhận xét này. Tuy nhiên, tôi chưa thể giải quyết chúng ngay vì…” hoặc “Đây là những góp ý rất hữu ích. Tôi nghĩ chúng ta có thể xử lý như sau…”.

Dù chọn trả lời như thế nào, bạn nên cố gắng tích cực, cởi mở và quyết đoán khi trao đổi.

Cuối cùng, dù tin rằng mình đã tạo ra được môi trường an toàn và thoải mái đến đâu, bạn vẫn không nên gây áp lực lên văn phòng của mình.

Sự không cân bằng về quyền lực cũng như trải nghiệm làm việc khác nhau có thể khiến quá trình thu nhận đánh giá trở nên khó khăn hơn bạn nghĩ.

Link gốc


  • 03/11/2022 11:30
  • Nguồn: zingnews.vn
  • 2109