3 lần đàm phán lương thất bại và tiêu chí chi trả của nhà tuyển dụng

Đàm phán lương là kỹ năng không phải ai cũng thành thạo. Nhà tuyển dụng thường dựa trên khung lương nội bộ, cạnh tranh thị trường, năng lực ứng viên... để đưa ra mức chi trả.

Nguyễn Đông (24 tuổi) vừa kết thúc 2 tháng thử việc tại một công ty về công nghệ. Mức lương cứng Đông nhận được hiện tại là 16 triệu đồng/tháng. Cậu cho biết đây là kết quả của việc đàm phán lương và chấp nhận thử thách trong 2 tháng.

“Để có công việc hiện tại với mức lương khá hài lòng, mình đã thất bại trong việc đàm phán lương với 3 công ty trước đó”, Nguyễn Đông chia sẻ với Zing.

Ba lần thất bại

Giữa năm thứ 4, Đông được nhận làm việc tại công ty đầu tiên với mức lương thấp hơn nhiều so với mong đợi. Do chưa ra trường, lại muốn học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, Đông chấp nhận ở lại làm việc mà không đàm phán gì thêm.

Sau hơn một năm, cảm thấy bản thân phù hợp với mức lương cao hơn, Đông mạnh dạn đề xuất với cấp trên. Tuy nhiên, cậu không nhận được sự đồng ý. Lý do được đưa ra là chính sách tăng lương của công ty là cố định, phải cân đối với bộ phận, nhân viên khác. Không thể thay đổi, Đông quyết định nghỉ việc, tìm kiếm công việc mới.

Ở 2 công ty tiếp theo, vượt qua vòng phỏng vấn, bước vào đàm phán lương, Đông tiếp tục nhận về thất vọng. Cả 2 công ty đều đưa ra mức lương thấp hơn kỳ vọng, thậm chí, mức lương tại một công ty còn thấp hơn mặt bằng chung thị trường ở vị trí đó.

Đông nhận định một phần, công ty luôn muốn đem lợi ích về phía họ. Bên cạnh đó, do chưa thể hiện tốt năng lực bản thân, chưa có kỹ năng đàm phán lương, cậu thất bại.

Theo ông Bùi Đoàn Chung - Founder & CEO Nghề Nhân sự Việt Nam - về nguyên tắc, nhà tuyển dụng dựa vào khung lương nội bộ để đưa ra mức lương cho ứng viên (một số công ty có quy định về dải lương cho từng vị trí, cấp bậc).

Tại một số công ty, khi đưa ra mẫu ứng tuyển, ứng viên đã điền thông tin về mức lương mong đợi ngay từ vòng này. Vòng phỏng vấn chỉ để xác nhận lại mức lương mong đợi của ứng viên cùng các phúc lợi, chế độ, quyền lợi khác có liên quan.

Nếu mức lương mong đợi của ứng viên vượt quá mức lương cao nhất hoặc nằm ngoài khung lương này, nhà tuyển dụng sẽ từ chối. Nếu chấp nhận mức lương quá cao đồng nghĩa với tính ổn định của hệ thống lương bị phá vỡ.

Ngoài ra, mức lương phụ thuộc nhiều vào năng lực thực tế của ứng viên và giá trị công việc tại từng công ty, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng còn tham khảo mức lương thị trường để thu hút ứng viên và đề xuất mức lương hợp lý nhất.

Mức lương ở một số vị trí sẽ không giống nhau trong tổng thu nhập hàng tháng. Nếu vị trí là nhân viên kinh doanh, bán hàng hoặc trong thu nhập có hoa hồng, thưởng… mức lương cứng thường không cao. Do vậy, việc mong đợi về mức lương còn tùy thuộc vào vị trí nào.

Thiếu kỹ năng đàm phán, nhiều ứng viên không đạt được mức lương mong muốn

Bí quyết đàm phán

Theo ông Chung, nhà tuyển dụng chấp nhận mức lương đề xuất căn cứ trên hai vấn đề.

Thứ nhất, mức lương ứng viên đề xuất so với thị trường hoặc vị trí tương đương ra sao. Thông thường, một số ứng viên mong đợi mức lương mới cao hơn mức lương cũ từ 20-30%.

Tuy nhiên, giá trị công việc, quy mô công ty, phạm vi công việc hay mức lương áp dụng (một số công ty có lương thấp hơn nhưng phúc lợi tốt, tổng thu nhập theo năm cao hơn vì có thưởng thêm…), các chế độ phúc lợi, cơ hội học tập, phát triển bản thân, thăng tiến hoặc văn hoá doanh nghiệp cũng là những yếu tố cần cân nhắc kỹ.

Thứ hai, ứng viên hãy cho nhà tuyển dụng thấy giá trị mang lại cho công ty thay vì đòi hỏi hoặc đưa ra mức lương không phù hợp do thiếu thông tin.

"Bạn có thể phân tích cho nhà tuyển dụng thấy với những yêu cầu của doanh nghiệp, bạn có thể làm được gì, kế hoạch của bạn ra sao và tự tin vào năng lực thực thi của bản thân trong quá khứ", ông Chung nói.

Tuy nhiên, nếu thấy công ty có nhiều điểm tốt, phù hợp với mục tiêu công việc hoặc cơ hội khác, ứng viên có thể xem xét nhận mức lương thấp hơn trong thời gian thử việc. Sau đó, có thể chứng minh năng lực làm việc để trước khi kết thúc thời gian thử việc, bạn có quyền đàm phán lại mức lương mong đợi dựa vào kết quả làm việc thực tế.

“Lưu ý, mức lương ban đầu chỉ là một phần trong tổng đãi ngộ của doanh nghiệp, đồng thời là bước cần phải cân nhắc vượt qua. Nếu đủ khả năng, tự tin vào bản thân, doanh nghiệp có tiềm năng đáp ứng và tạo điều kiện để có mức thu nhập lớn hơn, nhanh hơn mức lương kỳ vọng ở hiện tại, bạn nên thử”, ông Chung đưa ra lời khuyên.

Quá trình đàm phán không có một công thức hay cách thức nào hoàn toàn đúng khi thuyết phục nhà tuyển dụng về mức lương. Để đàm phán thành công, theo ông Chung, ứng viên có thể xem xét một số cách dưới đây.

* Tính thực tế: Điều này được phản ánh từ thực tế thị trường, năng lực đáp ứng của ứng viên, tham khảo qua thông tin lương của doanh nghiệp đối với vị trí đang tuyển dụng. Ngoài ra, thực tế ở đây còn mang ý nghĩa biết mình, biết ta, khiêm tốn, biết rõ năng lực của mình.

* Tính logic: Yếu tố này đánh giá khả năng phân tích có cơ sở, có khoa học và khả năng tư duy nhạy bén của ứng viên.

* Làm cho nhà tuyển dụng bất ngờ về khả năng của bạn: Bạn có thể vào website công ty, nghiên cứu thông tin về lịch sử, văn hoá, quá trình thành lập, khách hàng, thị trường (thị phần), đối thủ cạnh tranh, chiến lược trong tương lai hoặc đội ngũ lãnh đạo công ty…Những thông tin này sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng rằng bạn thật sự quan tâm đến công việc và cơ hội nghề nghiệp. Bạn biết càng nhiều thông tin, bạn càng có nhiều cơ hội thắng trên bàn đàm phán. Ngoài ra, hãy thể hiện năng lực của bạn sẽ còn được phát huy cao hơn nữa trong môi trường tốt như hiện tại của nhà tuyển dụng.

Những ứng viên thiếu thực tế, thiếu logic hay không hiểu doanh nghiệp đều bị đánh giá thấp, nhà tuyển dụng sẽ khó chấp nhận mức lương họ đưa ra.

Thực tế, sau 3 lần thất bại, có kinh nghiệm hơn, Đông ứng tuyển tại công ty thứ 4 (công ty hiện tại cậu đang làm việc). Ban đầu, nhà tuyển dụng đánh giá cậu ở vị trí fresher (thuật ngữ chỉ người mới bắt đầu bước chân vào công việc) và đưa ra mức lương 8-12 triệu đồng.

Cho rằng nhà tuyển dụng chưa đánh giá đúng năng lực, mức lương họ đưa ra không cao hơn nhiều so với mức lương cũ, Đông mạnh dạn đề xuất mức lương mong muốn, từ 15-17 triệu đồng ở vị trí junior (thuật ngữ chỉ những nhân viên nhỏ tuổi, ít thâm niên, thường là cấp dưới) - cao hơn 10% so với mặt bằng chung.

Để thuyết phục nhà tuyển dụng, Đông tự tin đưa ra kinh nghiệm đã có, dẫn chứng các dự án từng làm, hiểu biết về công ty và giải quyết những vấn đề nhà tuyển dụng đưa ra thông qua bài kiểm tra với khối kiến thức sâu hơn.

Cậu cũng bày tỏ mong muốn đây là mối quan hệ win-win, hy vọng nhà tuyển dụng đánh giá khách quan để có động lực cống hiến và gắn bó lâu dài với công ty. Cuối cùng, hai bên đưa ra mức lương ở giữa, chỉ thành công sau khi trải qua 2 tháng thử việc.

“Mình nghĩ ứng viên cần bày tỏ quan điểm thẳng thắn nhưng không làm mất lòng nhà tuyển dụng. Ngoài ra, bạn nên cân nhắc thêm các quyền lợi bổ sung ngoài lương”, Đông nói.

Link gốc


  • 02/11/2022 03:39
  • Nguồn: zingnews.vn
  • 2004