Ánh điện bừng sáng nơi nguồn sông Thạnh Hãn

Theo như lời hẹn của anh Lê Tuấn Nguyên, Phó Giám đốc Điện lực Triệu Phong, chúng tôi có chuyến đi lên thôn Trấm (huyện Thiệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và mục đích là đến thăm xóm Bến Huyện và xóm Chợ Cá, nơi chỉ vừa mới có ánh sáng điện vào cuối năm 2016.

Xuôi đò dòng Thạch Hãn

Đường dây hạ áp đưa điện đến các hộ dân xóm Bến Huyện và Chợ Cá

Xuất phát từ thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong) chúng tôi đi bằng ô tô khoảng 15 km để đến đập Trấm, sau đó đi đò ngược sông Thạch Hãn thêm 7km nữa. Tiết trời Quảng Trị vào thu gió nhẹ, nhưng vẫn còn nắng gắt, hơi nước từ mặt sông và màu xanh của rừng đồi trải dài bên sông tạo nên một cảm giác thật dễ chịu và ai trong chúng tôi cũng hào hứng cho chuyến đi này.

Con đò rẽ nước lướt nhẹ, vùng dân cư bên sông thỉnh thoảng nhấp nhô một vài mái nhà ẩn nấp sau cây đồi và nương sắn đang chuẩn bị thu hoạch. Những cây cột điện 22 kV chạy dọc bên bờ sông phía Bắc cứ nhỏ dần bỏ lại phía sau lưng anh lái đò và phía trước là tuyến đường dây điện đi lên xóm Bến Huyện và Chợ Cá được hiện ra gần hơn khi đò đang hướng lên phía thượng nguồn.

Thôn kinh tế mới Trấm thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã có điện vào năm 2010, nhưng lúc đó mới chỉ có 3 xóm có điện, còn 2 xóm ở phía thượng nguồn sông Thạch Hãn, giáp với chiến khu Ba Lòng xưa (huyện Đakrông) là chưa có điện - đó là xóm Bến Huyện và xóm Chợ Cá tọa lạc trên một vùng đồi hẻo lánh, nằm cách biệt với các xóm đầu thôn khoảng 4 km, giao thông đi lại khó khăn, để lên được đây phải đi bằng đò. Dân cư hai xóm này đều là người dân ở xã Hải Quy (huyện Hải Lăng) lên xây dựng kinh tế mới vào những năm 1985 - 1986. Ngày ấy, người dân nơi đây đã ước ao, mong chờ một ngày nào đó điện sẽ về…

Trong lúc tôi đang mải mê ngắm cảnh sông nước và tìm nhiều góc chụp để có những bức ảnh ưng ý, thì đò giảm tốc độ, cập bờ. Thấy chúng tôi ngơ ngác nhìn về phía một khoảng cột vượt sông để đưa điện từ bờ bên kia qua bờ bên này, anh Lê Tuấn Nguyên giải thích: “Các anh nhìn xem, bên kia là trạm biến áp Trấm 3 vừa mới đóng điện để cấp điện cho 12 hộ dân của xóm Bến Huyện và xóm Chợ Cá. Khoảng vượt sông này là đường dây hạ áp 0,2 kV dài khoảng 500 m chỉ để cấp điện cho 1 hộ dân ở bên này sông mà thôi”.

Việc đưa điện về xóm Bến Huyện và Chợ Cá nằm trong chương trình cấp điện nông thôn, miền núi giai đoạn 2014 - 2020 đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt và do Sở Công thương làm chủ đầu tư. Để cấp điện cho 12 hộ dân của 2 xóm này, dự án đã đầu tư xây dựng 3,6 km đường dây trung áp 22 kV; 4,4 km đường dây hạ áp 0,2 kV và 1 trạm biến áp công suất 25 KVA.

Cũng theo chia sẻ của anh Lê Tuấn Nguyên: “Điều kiện thi công công trình điện này rất khó khăn với địa hình cách trở qua sông, lên đồi. Toàn bộ vật tư, thiết bị đều được vận chuyển bằng bằng thuyền hoặc sức người. Sau hơn 3 tháng nỗ lực của đơn vị thi công, ngày 11/7/016, công trình được nghiệm thu đóng điện đưa vào sử dụng và Điện lực Triệu Phong đã triển khai ngay việc lắp đặt công tơ điện đến tận hộ dân và giúp bà con đấu nối hệ thống điện trong nhà và hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn”.

Đổi thay từ khi có điện

Bước xuống đò, chúng tôi men theo đường dốc thoai thoải để vào nhà hộ dân này như anh Nguyên giới thiệu. Đó là nhà chị Nguyễn Thị Huyền ở đầu xóm Chợ Cá, một căn nhà đơn sơ, không có xóm giềng gần kề mà cách xa đến vài km. Mặc dù làm lụng vất vả nhưng kinh tế gia đình cũng chỉ ở mức trung bình, thu nhập chủ yếu dựa vào 8ha rừng tràm, thu hoạch đậu xanh, đậu lạc, sắn…

“Trước đây gia đình tôi có trồng lúa nhưng do điều kiện canh tác quá khó khăn nên nay không trồng lúa nữa. Bởi không có điện, không có điều kiện đi lại học tập, nên 6 người con đều gửi ăn học ở dưới quê, chỉ có 2 vợ chồng tôi ở trên này giữ đất, giữ đồi và lao động dành dụm tiền gửi về nuôi con ăn học” -  Chị Huyền vui vẻ chia sẻ và cho biết thêm: “Vợ chồng tôi ở đây đã 30 năm. Ngày đầu mới lên, tôi đã nghĩ là mình sống cả cuộc đời ở chốn này sẽ không bao giờ thấy ánh sáng điện, có lẽ chiếc đèn dầu và đèn từ bình ắc quy sẽ là thứ ánh sáng duy nhất vào ban đêm cho sinh hoạt trong gia đình”.

Chị Huyền suy nghĩ cũng có lý, vì chỉ có duy nhất gia đình chị sống ở bên này sông (bờ Nam), còn lại 6 hộ dân khác của xóm Chợ Cá lại ở bên kia sông. Vậy nên, ngày đón điện về đây chị vui mừng biết mấy:  “Điện về nhà tôi như là chuyện cổ tích hiện giữa đời thường. Mặc dù có điện thắp sáng đã gần một tháng, nhưng tôi vẫn còn nguyên tâm trạng vui mừng cứ như vừa mới có điện ngày hôm qua”. 

Gia đình chị Huyền (xóm chợ Cá) thoả bao ước mơ khi có điện.

Với niềm vui vỡ oà khi có điện, vợ chồng chị Huyền đã mua sắm ngay một số đồ dùng điện như tủ lạnh, ti vi, dàn máy hát karaoke để sử dụng cho thoả ước mơ.

Chia tay chị Huyền, anh Phương lái đò tiếp tục đưa chúng tôi qua xóm Bến Huyện và ghé vào nhà anh Võ Xuân  Đới. Khi bước chân vào nhà anh Đới chúng tôi không tin vào mắt mình, bởi căn nhà của anh quá đơn sơ, tạm bợ. Anh Đới quê ở xã Hải Quy đi lên đây định cư theo chương trình di dân kinh tế mới từ năm 1985.

Cũng như các hộ gia đình khác ở vùng kinh tế mới này, gia đình anh cũng trồng rừng, chăn nuôi bò, trồng cây màu trên đất vùng đồi ven sông… Nhưng khó khăn cứ đeo bám lấy gia đình anh hơn 30 năm nay. Ngoài thu nhập chính từ 5 ha rừng và đàn bò 7 con, còn việc trồng cây đậu, cây sắn, cây chanh… chủ yếu là để giữ đất, không để đất hoang, thu nhập thì không đáng kể.

Tiễn chúng tôi xuống đò, anh Đới còn cho biết thêm: “Thôn kinh tế mới Trấm được xây dựng và hình thành từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, xóm Bến Huyện chúng tôi chỉ có 5 hộ, địa bàn dân cư rải rác, nhà này cách nhà kia khoảng 500 - 700 m, bây giờ có điện nên vui cửa vui nhà, chứ mấy chục năm nay cứ đêm về là tối tăm, âm u và tĩnh mịch”.

Cuộc sống và điều kiện sinh hoạt của người dân xóm Bến Huyện và xóm Chợ Cá còn rất nhiều khó khăn vất vả kể cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng dòng điện sáng đã về đến nhà chị Huyền, nhà ông Đới cũng như 10 hộ dân khác của xóm Bến Huyện và Chợ Cá đã thực sự mang lại niềm vui vô bờ bến cho người dân nơi đây mà họ đã khao khát mong chờ 30 năm nay. Có điện, bà con nơi đây có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra nhiều ngành nghề để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thực hiện chương trình của tỉnh Quảng Trị trong việc xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển trong vùng và giữa các vùng một cách bền vững.


  • 24/04/2017 01:00
  • Bài và ảnh: Hồ Tuấn Nghĩa
  • 1993