Vận hành đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông: Tiếp tục gỡ vướng

Đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông đi vào vận hành đã góp phần quan trọng trong việc “chia lửa” cho hệ thống truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam hiện tại. Tuy nhiên, để vận hành an toàn đường dây vẫn còn nhiều thách thức phía trước.

“Vướng” hành lang an toàn lưới điện

Đường dây 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông,  còn gọi là đường dây 500 kV mạch 3, đi qua 6 tỉnh, thành phố gồm Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP HCM. Là công trình trọng điểm cấp quốc gia với những đòi hỏi khắt khe về tiến độ, chất lượng, nên ngay từ những ngày đầu triển khai, công trình đã nhận được sự chung tay cùng vào cuộc của chính quyền và nhân dân địa phương, đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, sau khi đường dây đã đi vào vận hành ổn định vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

Anh Võ Đức Nguyên – Kỹ sư phòng Kỹ thuật, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) cho biết, vướng mắc chủ yếu hiện nay tồn tại ở một số khu vực trồng cây cao su thuộc tỉnh Bình Phước, Bình Dương. Đây là những cây cao su đã được trồng từ năm 1980, chiều cao trung bình khoảng 28 – 30m, tán bao phủ rộng. Mặc dù khu vực này nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, đặc biệt vào thời điểm mưa giông, gió lốc khi cây bị ngã, đổ. Bên cạnh đó, một số hộ dân còn đưa ra đơn giá đền bù cao gấp nhiều lần so với đơn giá theo quy định của địa phương.

Ngày 26/2/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Trong đó, khoản 2 Điều 12 quy định “Đối với điện áp 500 kV, trường hợp cây ở ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, khoảng cách từ bộ phận bất kỳ của cây khi cây bị đổ đến bộ phận bất kỳ của đường dây không nhỏ hơn 2m”. Đây được xem là hành lang pháp lý mới, tạo điều kiện cho các đơn vị bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, đặc biệt đối với lưới điện truyền tải siêu cao áp.

Ngay sau khi Nghị định 14 có hiệu lực (từ ngày 15/4/2014), Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT) và PTC4 đã liên hệ với một số chủ đầu tư có cây cao su đang nằm trong “vòng nguy hiểm” ở Bình Dương, Bình Phước để tuyên truyền, vận động tỉa cành, tỉa nhánh. Đồng thời, các đơn vị còn phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương lập hồ sơ đền bù một lần với mức giá hợp lý, áp dụng cho cây chặt sát gốc và cam kết không trồng lại.

Bên cạnh đó, thực hiện quy định tại Điều 4 Nghị định 14 về việc nghiêm cấm các hành vi thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp gây sự cố lưới điện, PTC4 còn phối hợp với chính quyền địa phương treo băng rôn, phát tờ rơi dọc hành lang tuyến đường dây; phối hợp với một số trường học gần khu vực có học sinh thả diều, tổ chức các trò chơi với phần thưởng là vở học sinh trong đó in hình ảnh và thông tin về an toàn hành lang lưới điện. Anh Nguyên cho hay: “Cách làm này đã được lãnh đạo PTC4 và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đánh giá cao, bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên để nhân rộng trong thời gian tới, giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc nhằm bảo vệ an toàn hành lang trong và ngoài lưới điện, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương”.

Thêm mạch 3 – tăng áp lực vận hành.

Theo anh Trần Khánh Trung – Phó trưởng trạm 500 kV Pleiku (Gia Lai), sau khi đường dây 500 kV mạch 3 đi vào vận hành, khối lượng công việc tại Trạm 500 kV Pleiku cũng tăng thêm, công suất truyền tải điện lớn, 3 đường dây 500 kV có nhiều thiết bị khác nhau. Vì vậy, để kịp bắt nhịp với công việc, trước đó Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Truyền tải điện 3 đã tổ chức tự đào tạo lực lượng trực vận hành, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ, thiết bị. Bên cạnh đó, công tác quản lý kỹ thuật và quản lý vận hành tại Trạm 500 kV Pleiku cũng được tăng cường, trong đó ưu tiên những thiết bị mới đưa vào vận hành. Do mặt bằng Trạm được mở rộng, các điểm tiếp xúc của thiết bị tăng thêm, ngoài việc kiểm tra định kỳ hàng tuần, hàng tháng, trong quá trình trực vận hành, các cán bộ, kỹ sư phải thường xuyên theo dõi, một giờ ghi thông số một lần, kịp thời thông báo với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Trung tâm Điều độ miền trong trường hợp xảy ra sự cố.

Còn đối với cán bộ, công nhân Công ty Truyền tải điện 4, việc quản lý vận hành cùng lúc 3 đường dây siêu cao áp 500 kV đoạn đi qua khu vực quản lý cũng gặp nhiều khó khăn, phức tạp hơn. Anh Võ Đức Nguyên cho biết: “Trong những đợt cao điểm mùa nắng nóng, thay vì đi kiểm tra 1 tháng 1 lần, các cán bộ, công nhân truyền tải điện sẽ phải nâng tần suất 2 – 3 ngày 1 lần đi dọc tuyến đường dây trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện”.

Riêng đối với đường dây 500 kV mạch 3 đoạn đi qua Đăk Nông xuống Bình Phước phải “né” đồi núi và thung lũng, cũng gây khó khăn cho công nhân khi đi kiểm tra dọc tuyến đường dây. Cụ thể tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, khoảng cách giữa các cột khoảng 400 – 450 m. Trong khi đó, chỉ tính riêng đoạn đường có thể di chuyển bằng xe máy tới một ví trí cột kéo dài khoảng 4 – 6 km, chưa kể những đoạn đường phải đi bộ. Tính ra, để kiểm tra cột và đường dây, công nhân truyền tải điện phải di chuyển “ngót” một ngày. Lửa thử vàng, gian nan thử sức, “những người lính truyền tải chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho khu vực phía Nam”, anh Nguyên khẳng định.

Anh Trần Anh Dũng – Trưởng Trạm biến áp 500 kV Cầu Bông (huyện Củ Chi, TP HCM): Hiện nay, tại Trạm 500 kV Cầu Bông, một số xuất tuyến 500 kV đã đưa vào vận hành, trong khi đó các xuất tuyến 220 kV và 110 kV đồng bộ vẫn đang trong giai đoạn thi công. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông vào trạm, sân bê tông trong trạm cũng chưa được hoàn thiện nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình vận hành. Dự kiến, đến cuối năm 2014, toàn bộ khối lượng công việc trên mới được hoàn thiện và trạm 500 kV mới đi vào hoạt động ổn định.

Từ tháng 3 – 5/2014, Công ty Truyền tải điện 4:
- Phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo, trường học tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Bình Phước, tổ chức các chương trình tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện và trao thưởng 10.000 cuốn vở có in các nội dung thi hành luật điện lực về an toàn lưới điện.
- Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Bình Dương, TP HCM, Long An tổ chức giải quyết 60 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện do thả diều và các vật bay.

 


  • 01/07/2014 09:10
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4338


Gửi nhận xét