Thủy điện Sơn La: Tết công trường năm ấy…

Vào giai đoạn nóng bỏng nhất, trên công trường Thủy điện Sơn La lúc nào cũng nhộn nhịp, âm vang tiếng người, tiếng máy, ngay cả trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc. Sau 3 năm đi vào hoạt động ổn định, nhiều kỹ sư, công nhân trên công trường năm ấy, nay vẫn tiếp tục công việc ở những vị trí khác nhau, nhưng kỷ niệm đón Tết trên đại công trường đã trở thành một phần trong ký ức đẹp của họ...

5 năm, 3 lần ăn Tết công trường

Kỹ sư Nguyễn Tuấn Nghĩa
Sinh năm 1981
Quê quán: Chương Mỹ, Hà Nội, hiện đang làm việc tại Phòng Vật tư thiết bị, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La
 
 
Tôi bắt đầu làm việc trên công trường Thủy điện Sơn La từ năm 2007. Trong 5 năm làm việc ở đây, tôi tham gia trực Tết 3 lần, tất cả đều rơi vào thời gian cao điểm thi công công trình. 
 
Năm đầu đón Tết tại công trình (năm 2008) thực sự tôi cảm thấy hơi buồn, vì lần đầu tiên ăn Tết xa nhà. Chỉ khi tôi lao vào công việc thì nỗi buồn mới tạm quên đi. Đáng nhớ nhất là chiều mùng 1 Tết năm đó, do lúc đổ bê tông đầm lăn (RCC) bị trúng cơn mưa lớn, nên cán bộ, kỹ sư, công nhân các đơn vị thi công, chủ đầu tư, tư vấn… phải lăn lộn đục xờm bê tông, xử lý khe siêu lạnh. 
 
Những ngày Tết ở Sơn La, trời rét buốt thấu xương, nhưng vẫn phải dùng phương pháp phụt nước áp lực cao,  càng làm cho tâm trạng CBCN công trường thêm “tê tái”. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết động viên nhau bằng cách nghĩ đến kết quả tốt đẹp cuối cùng, là công trình càng hoàn thành sớm, lợi ích quốc gia càng cao hơn. 
 
Những cái Tết sau trên công trường không còn là nỗi buồn đối với tôi nữa. Vì công trường đã gắn bó, thân thuộc như gia đình thứ hai của tôi. Trực Tết, mấy anh em trong Ban quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La vừa đi làm, vừa thay phiên nhau nấu ăn, chế biến những món ngon theo sở thích, cũng vui vẻ, đầm ấm giống như ăn Tết ở nhà vậy. Bản thân tôi là 1 kỹ sư trẻ, công sức đóng góp trên công trường Thủy điện Sơn La chưa được là bao, nhưng tôi tự hào vì đã được tham gia xây dựng công trình vĩ đại ấy. 
 
Nhớ mùa Tết lạnh nhất

Kỹ sư Đỗ Minh Hùng
Sinh năm: 1984
Quê quán: Sơn La,hiện công tác tại phòng Kỹ thuật An toàn, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La

 

 
Khi lên làm việc tại công trường Thủy điện Sơn La, tôi là 1 sinh viên mới ra trường. Lần đầu đón Tết tại công trường  là năm 2009, cũng là cái Tết đầu tiên từ khi đi làm, mà cũng là mùa Tết “lạnh” nhất tôi từng trải qua. 
 
Nhớ nhất cảm giác một mình tôi đi kiểm tra công trường trong đêm Giao thừa. Không gian rộng lớn, tĩnh mịch, không một bóng người. Những bóng đèn cao áp bị sương mù phủ kín làm cho không gian ban đêm càng trở nên mờ ảo hơn. 
 
Một mình trong khung cảnh ấy, cộng thêm bốn bề  xung quanh là núi non làm tôi bị choáng ngợp trước sự hùng vĩ của công trình Thuỷ điện Sơn La, nhất là trong những  đêm cuối năm, khi nhiều công nhân đã nghỉ về quê và một số thiết bị tạm ngừng hoạt động. Năm sau đó, tôi tiếp tục xung phong ở lại công trường trực Tết. Đây là năm bản lề của công trình với nhiều cột mốc quan trọng phải hoàn thành là: Đóng cống chặn dòng sông Đà, tích nước, đổ gần 3 triệu mét khối bê tông đầm lăn, hoàn thành vận chuyển và lắp đặp bánh xe công tác 210 tấn và máy biến áp 280 tấn… để  tháng 12/2010 phát điện tổ máy 1. 
 
Lúc bấy giờ, tâm trạng của tôi đã chuyển từ xúc động sang cảm giác tự hào, nhận rõ trách nhiệm của lớp trẻ chúng tôi phải cố gắng phấn đấu vì mục tiêu chung là sớm hoàn thành công trình. Các anh chị em trong Ban cũng chuẩn bị tốt mọi điều kiện để đón Tết trên công trường, cùng nhau gói bánh chưng, giã giò, làm thịt sấy khô… không còn cảm giác thiếu thốn khi phải đón Tết xa nhà. 
 
Năm đó, chúng tôi còn chọn được một cành đào Tây Bắc tuyệt đẹp và đặt tại sảnh trước trụ sở Ban ở Mường La. Đêm 30 Tết, sau khi đi kiểm tra công trường về, đúng lúc đón Giao thừa, mấy anh em trong Ban ngồi lại cùng nhau say sưa kể chuyện, dự kiến kế hoạch cho những mốc tiến độ trong năm mới, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. 
 
Bây giờ, Thủy điện Sơn La đã đi vào hoạt động ổn định, nhưng với bản thân tôi, những kỷ niệm về thời gian làm việc tại công trường Thuỷ điện Sơn La và đặc biệt trong những ngày trực Tết trên công trường luôn là những ký ức không thể nào quên. 
 

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tuyên
Sinh năm: 1984
Quê quán: Hải Dương, hiện công tác tại phòng Vật tư Thiết bị, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La
 

 

Tết vẫn làm việc bình thường

 
Dịp nghỉ Tết năm 2008 đang là thời kỳ gấp rút về tiến độ đổ bê tông đầm lăn đập chính Thủy điện Sơn La. Năm đó, được phân công trực Tết, tôi rất vui vẻ và hào hứng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
 
Những mẻ bê tông đầm lăn đầu tiên được đổ vào trung tuần tháng 1/2008, khi đó  công nghệ này còn khá mới mẻ với chúng tôi. Thời gian thi công lại trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nên mọi người cảm thấy có chút áp lực, nhưng chúng tôi luôn tự nhủ phải tập trung cao độ, vì mong muốn đầu năm mới mọi việc thật suôn sẻ để cả năm được “đầu xuôi đuôi lọt”.
 
Tết trên công trường cũng có đầy đủ mọi thứ như ăn Tết ở nhà. Bữa cơm Tất niên, bánh chưng, cành đào, dưa hành… đủ cả. Đêm Giao thừa còn có liên hoan văn nghệ nữa. Những ai đến ca trực thì vẫn đi làm, việc giao nhận ca tiến hành bình thường, đảm bảo công trường hoạt động 24/24h. Mọi việc được triển khai như ngày thường.
 
Trong những ngày đầu năm mới, lãnh đạo các đơn vị cũng đều có mặt trên công trường chúc Tết, tặng quà… rồi những cuộc gọi, tin nhắn động viên của gia đình, bạn bè,… giúp chúng tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. 
 
Mọi việc trên một công trường lớn vẫn diễn ra bình thường như  vậy, nhưng đối với lớp trẻ như tôi, được trực Tết, đón Tết trên công trường  cũng là vinh dự, là sự trải nghiệm lớn trong đời. 
 
 
 
 
 
 


  • 01/02/2016 04:10
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 4816


Gửi nhận xét