"Cõng" điện lên cổng trời Hua Đán

Chật vật vượt con đường ngổn ngang đất đá, cheo leo giữa một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi cheo leo với nhiều khúc cua gấp, Hua Đán – “cổng trời” của Than Uyên (Lai Châu) hiện ra trước mắt chúng tôi. Chỉ có hơn 50 hộ dân sống biệt lập tại nơi đây nhưng đêm về, ánh đèn vẫn tỏa sáng ấm áp trên bàn học của con trẻ.

“Gùi” điện lên núi

Từ trường tiểu học số 2 xã Khoen On, điểm cuối có thể đi bằng ô tô, chúng tôi chuyển sang tăng bo trên xe máy để tới Hua Đán. Quãng đường chỉ độ 6-7 kilomet nhưng anh Nguyễn Hữu Thắng, công nhân Điện lực Than Uyên (Công ty Điện lực Lai Châu) không quên cho biết sẽ phải mất khoảng 45 phút mới tới nơi.

“Mới mấy tháng trước, con đường này chỉ vẫn là đường mòn đất, mưa xuống thì sình lầy, trơn trượt, muốn vào bản chẳng có cách nào khác ngoài… cuốc bộ”, anh Thắng nói.

Các hộ dân ở Hua Đán đã được sử dụng điện lưới quốc gia

Vất vả là vậy nhưng điện lưới quốc gia đã bừng sáng tại Hua Đán từ tháng 5/2015. Đây là một phần của dự án cấp điện cho 565 hộ dân tại xã Khoan On và xã Mường Cang, huyện Than Uyên, Lai Châu với tổng mức đầu tư hơn 8,6 tỷ đồng được Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao cho Công ty Điện lực Lai Châu thực hiện.

“Hua Đán chỉ có 50 hộ gia đình, tất cả đều là đồng bào Mông vốn quen với cuộc sống du canh, du cư trên núi cao. Trước đây tối đến, nhà nào có trẻ đi học mới dám thắp một ngọn đèn dầu hoặc dùng điện từ máy phát nhỏ đặt ở suối, mọi người còn lại thì nương theo ánh trăng hoặc đi ngủ sớm. Nay có điện lưới quốc gia, bật công tắc lên là sáng bừng, trẻ con học bài, người lớn cũng làm được thêm nhiều việc nhà”, ông Vừ A Chơ, Trưởng công an xã Khoen On – người cũng “hành quân” cùng chúng tôi trong chuyến đi này – cho biết.

Bật công tắc là ánh sáng bừng lên, nghe thì đơn giản nhưng để mang điện tới từng nóc nhà của bản Hua Đán, người công nhân ngành điện đã không quản bao vất vả, gian khó.  

“Đường tới bản xe máy đi còn vật lên, vật xuống nên vật tư, thiết bị để dựng cột, kéo dây, xây trạm biến áp gần như được cõng hoặc gùi bộ vào. Trời không mưa còn đi nhanh được, chứ trời mưa xuống, đường đất trơn nhão nhoét bùn cứ phải dò từng bước một”, anh Thắng tâm sự.

Ấy vậy nhưng theo bước chân người công nhân ngành điện, những cột điện mảnh mai vẫn hiên ngang, vững vàng giữa núi rừng, làm điểm tựa chắc chắn cho những đường dây tiếp tục buông tơ, trải dài theo nương lúa, nương ngô để đến toả sáng trong từng nóc nhà nơi bản xa.

Đầu tư tiền tỷ, thu lại từng đồng

Kéo điện vất vả một thì vận hành và quản lý đường dây sau đó vất vả gấp nhiều lần. Từ khi tiếp nhận quản lý vận hành và bán điện cho bà con Hua Đán, thợ điện Than Uyên vẫn đều đặn thực hiện công việc của mình, lên bản kiểm tra hành lang tuyến thường kỳ, ghi chỉ số hằng tháng.

Chuyện bám bản, bám đường dây để dòng điện vận hành ổn định, an toàn giữa non cao, rừng thẳm không còn là đặc sản của riêng thợ đường dây 500 kV, ở các đường dây hạ áp, thợ điện lắm khi còn phải tác chiến một mình khi bất ngờ phát hiện ra sự cố mới mong khôi phục lại dòng điện nhanh nhất cho bà con. Lắm khi xử lý xong tình huống mới nhớ ra đã bỏ cả bữa trưa.

Với thợ điện ở vùng cao, chuyện quăng xe leo lên cây là bình thường nếu không muốn lũ rừng về đột ngột cuốn đi. Hết lũ, lại xuống mò xe, hì hục đẩy về.

Hua Đán đã có điện lưới quốc gia

40 phút lắc trái, ngoẹo phải, lắm khi nẩy tưng trên yên xe, điểm trường Hua Đán, thuộc Trường Tiểu học số 2 xã Khoen On cũng hiện ra trước mắt.

Thầy Bùi Văn Đặng, 27 tuổi, quê ở Ninh Bình, giáo viên cắm bản tại Hua Đán đã được 1 năm cho biết, điểm trường này có 27 học sinh với 3 thầy giáo cắm bản. Thầy Đặng kể, Hua Đán ở trên cao, mùa đông sương mù dày đặc nên ban ngày vẫn phải thắp điện mới thấy bảng, thấy chữ. Trước chưa có điện lưới quốc gia, thầy trò phải nhờ thuỷ điện mini của người dân, nhưng điện yếu nên lúc có, lúc không. Còn bây giờ có điện lưới ổn định, thày trò không phải “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái” mới nhìn ra phấn trắng, bảng đen hay nói chuyện giữa nhập nhoạng mây mù, nên đỡ vất vả rất nhiều.

Có điện, các thày giáo cũng có thể sạc được pin điện thoại để giữ liên lạc thường xuyên với gia đình dưới xuôi, bớt đi nỗi nhớ khi quyết tâm lên với núi rừng, mang con chữ đến cho trẻ con bản nghèo.

Trưởng bản Hua Đán Sùng A Pủa cho biết, dân bản mỗi năm chỉ có thể làm 1 vụ lúa, vì thời tiết quá lạnh. Năm nay, nhà ông thu hoạch được cỡ 70 bao thóc, loại 45 kg/bao. “Gạo không đến nỗi thiếu, nhưng gà thì chết dịch hết” – ông bảo thế.

Thấy tôi tò mò nhìn chiếc nồi cơm điện sáng nơi góc bếp, ông bảo, từ khi có điện lưới, nhà ông đã mua thêm nồi cơm điện, máy xát ngô. Chỉ vào chiếc ti vi cũ kỹ, phủ bụi dày ông cho hay, cái này mua khi có thuỷ điện mini chạy ở suối, nhưng điện chập chờn nên hỏng lâu rồi. Giờ có điện lưới ổn định nhưng ông lại chưa muốn sửa, vì lo trẻ con mải xem phim, không chịu học.

“Mỗi tháng dùng điện cũng mất từ hai mươi đến ba mươi nghìn đồng, thế là nhiều đấy”, ông Pủa cho biết và nói thêm, nhiều nhà ở đây còn nghèo lắm, chỉ dám bật điện cho con học 2 tiếng buổi tối thôi. Cả bản có 50 hộ dân đấy nhưng mỗi tháng tiền điện tổng cộng chỉ khoảng 200 nghìn đồng, tháng nào cao thì được gần 300 nghìn đồng. Tiền này được nộp cho đồng chí công an viên của bản rồi sau đó sẽ mang xuống xã nộp một lần, đỡ khổ cho các anh thợ điện lại phải mất thêm thời gian lên thu tiền điện ở từng nhà.

Bỏ ra nhiều tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia về với bà con Hua Đán nếu chỉ trông chờ thu tiền điện được đôi, ba trăm nghìn đồng mỗi tháng, chắc chắn chả nhà đầu tư nào lại dám xông pha, chịu lỗ như vậy. Nhưng Hua Đán cũng chỉ là một trong số hàng trăm thôn, bản được hưởng lợi từ Dự án Mở rộng và cải tạo lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa tỉnh Lai Châu mà Công ty Điện lực Lai Châu là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiều năm qua.

Ông Cao Ngọc Lạc, Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu cho biết, trong 10 năm qua, ngành điện đã đầu tư trên 1.400 tỷ đồng để đưa điện lưới quốc gia đến các thôn, bản ở Lai Châu. Tính đến tháng 7/2015, 100% số xã, gần 97% số thôn, bản và xấp xỉ 90% số hộ dân của tỉnh Lai Châu đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

“Chúng tôi hết sức vinh dự được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao trọng trách đưa điện về đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại Lai Châu. Với thực tế còn 64 thôn, bản vẫn chưa có điện lưới, mục tiêu được EVN đặt ra là sẽ phủ sóng 100% điện lưới quốc gia tại các địa bàn này vào năm 2020”, ông Cao Ngọc Lạc khẳng định.

Cũng như Hua Đán, những nơi chưa có điện lưới quốc gia còn rất nhiều khó khăn về kinh tế hoặc bị cô lập về vị trí địa lý, nhưng với chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, tạo dựng những nền tảng căn bản để bà con có cơ hội vượt khó, vươn lên, từng bước đổi đời, điện lưới quốc gia sẽ tiếp tục lan dài, vươn xa không ngơi nghỉ.

Tính đến 31/12/2015, cả nước đã có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ. 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới, vượt 0,76% so với chỉ tiêu (Đại hội Đảng lần thứ 12 giao….)

EVN hiện đã bán điện trực tiếp tới 23,7 triệu khách hàng trên cả nước. Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận và tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến các hộ dân với mục đích để người dân nông thôn được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ.

 


  • 26/01/2016 04:32
  • Theo Tiền phong
  • 4809


Gửi nhận xét