Thực hư tin đồn về đèn compact

Thời gian qua rộ lên thông tin việc sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện gây ung thư. Thực hư câu chuyện này như thế nào? Đâu là câu trả lời chính xác.

Gây hoang mang dư luận

Được biết thông tin này xuất phát từ trang www.telegraph.co.uk (một trang web của Anh), với tiêu đề Energy saving light bulbs ‘contain cancer causing chemicals’ (tạm dịch là Đèn compact chứa các hóa chất gây ung thư), nội dung thông tin về một nhóm nhà khoa học người Đức, sau khi tiến hành một số các thử nghiệm  đã kết luận rằng, một số hóa chất gây ung thư  và các chất độc đã được phóng ra khi đèn huỳnh quang compact được bật lên, đó là các chất hóa học naphtalen, phenol và styrene.

Từ nhận định trên, báo cáo của nhóm nhà khoa học này đã khuyên người tiêu dùng không nên bật đèn trong thời gian dài, đặc biệt khi đèn ở gần đầu người, bởi chúng sẽ phát ra các chất độc hại khi bật lên.
Thông tin này ngay sau đó đã được phát tán, lan truyền trên nhiều trang mạng gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người dân và khách hàng tiêu dùng.

Người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng bóng đèn compact.   Ảnh: Ngọc Thọ

Không đủ cơ sở khoa học

Theo đại diện của Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hóa điện hóa Hà Nội, bóng đèn compact có cấu tạo gồm: Ống thủy tinh, dây tóc kim loại, khí krypton hoặc thủy ngân và bột huỳnh quang.

Bóng đèn compact phát sáng là nhờ sự phóng điện trong hơi thủy ngân tạo ra tia cực tím, các tia này kích thích bột huỳnh quang trong vỏ đèn phát ra dải phổ ánh sáng màu trắng nhìn thấy được, trong đó có một dải nhỏ màu tím. Thực tế, khi các điện tử va chạm vào thủy ngân và bột huỳnh quang, năng lượng của chúng rất nhỏ, nên các tia độc hại phát ra gần như không có. Và với một ống đèn kín thì khi bật lên không thể có hơi gì thoát ra ngoài  được, nên người tiêu dùng không phải băn khoăn về việc sử dụng loại bóng đèn này.

Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Văn Thuấn - Phó giám đốc Bệnh viện K Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư trước thông tin này đã phân tích: “Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư trên 80% liên quan đến môi trường bên ngoài bao gồm hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời, virut gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus - viết tắt HPV), tia phóng xạ…  Để khẳng định một vấn đề như “đèn compact có một số hóa chất có thể gây ung thư” cũng như nhiều vấn đề khác nữa thì phải dựa vào nhiều công trình nghiên cứu khoa học công phu và tỉ mỉ với những nhà khoa học có tên tuổi thì mới có thể kết luận được.

Cả đèn ống tuýp hay compact huỳnh quang đều có thủy ngân và một số chất khác, vì thế khi sử dụng mà bị hỏng hay rơi vỡ thì người tiêu dùng cũng cần thu gom xử lý theo quy chế của Bộ Y tế về thu gom, xử lý chất thải độc hại”.

Ông Hồ Quỳnh Hưng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang
Thuỷ ngân là một chất không thể không có trong công nghiệp sản xuất bóng đèn huỳnh quang, compact, nhưng thuỷ ngân lại là một chất độc hại khi bị phát tán ra bên ngoài môi trường. Vì vậy, Điện Quang đã chuyển sang công nghệ dùng Amalgam (thủy ngân dạng rắn) trong sản xuất bóng đèn tiết kiệm điện nhằm giảm hàm lượng thủy ngân sử dụng và giảm những ảnh hưởng khi hư hỏng, bể vỡ.
 


 


  • 09/05/2013 03:12
  • Theo TCĐL chuyên đề TGĐ
  • 30360


Gửi nhận xét