Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả sử dụng điện đáng để học tập

6 tháng đầu năm 2014, hệ số đàn hồi điện/GDP tại Thành phố Hồ Chí Minh  đã giảm xuống còn 0,41. Kết quả này có thể sánh ngang với các công ty điện lực của các quốc gia phát triển. Phóng viên Tạp chí - Web đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) để giải mã “con số rất ấn tượng” này.

Ông Nguyễn Văn Lý (bên phải)

Phóng viên (PV): Thưa ông, trong khi hệ số đàn hồi điện/GDP của nền kinh tế nước ta vẫn ở mức 1,5 – 2 thì tại thành phố Hồ Chí  Minh hiện chỉ là 0,41 – Liệu có gì “bất thường” ở đây không?

Ông Nguyễn Văn Lý: Nếu đặt trong bối cảnh so sánh chung thì có vẻ “bất thường”, nhưng nếu nhìn cụ thể trong sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh thì hoàn toàn hợp lý. Bởi 6 tháng đầu năm 2013, hệ số đàn hồi điện/GDP của thành phố đã ở mức 0,91 và đến cuối năm giảm tiếp còn 0,67. Tiếp nối các thành công đó, 6 tháng đầu năm 2014, hệ số này xuống còn 0,41. Nói cách khác, hệ số đàn hồi điện/GDP tại thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục giảm từ nhiều năm nay và EVN HCMC vẫn đang nỗ lực để góp phần tiếp tục giảm con số này xuống mức thấp nhất có thể.

PV: Vậy theo ông, đâu là “bí quyết” để Thành phố Hồ Chí Minh liên tục giảm được hệ số đàn hồi điện/GDP như vậy?

Ông Nguyễn Văn Lý: Nói là "bí quyết" cũng không hẳn. Vì để có thể giảm được hệ số đàn hồi là không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh chung của nền kinh tế nước ta hiện nay. Công nghiệp hóa - hiện đại hóa bắt buộc phải phát triển các ngành sản xuất, trong đó có những ngành nghề sử dụng nhiều điện năng cũng là một trong những những nguyên nhân cơ bản.

Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế hơn so với các tỉnh thành khác vì đã đi trước một bước, trong đó, các lĩnh vực thương mại - dịch vụ đang dần chiếm tỷ trọng cao. Đây là các ngành "kinh tế xanh" ít tiêu tốn năng lượng nhưng mang lại hiệu quả, đóng góp nhiều cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trên cơ sở lợi thế quan trọng này, EVN HCMC đã đề ra rất nhiều giải pháp và triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt, góp phần làm giảm hệ số đàn hồi điện/GDP.

PV: Cụ thể, đó là những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lý: Trước hết, công tác tuyên truyền, vận động khách hàng khối doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc thực hiện một cách thường xuyên. Hằng năm, ngoài các hội nghị khách hàng định kỳ, EVN HCMC còn tổ chức nhiều hội nghị khác với khách hàng là các doanh nghiệp lớn để phân tích, hướng dẫn, hỗ trợ họ sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn. Đồng thời, EVN HCMC đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, tư vấn sử dụng năng lượng đối với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng tổ chức các hội chợ, triển lãm thiết bị tiết kiệm năng lượng nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nhanh với sự đổi mới công nghệ trên thế giới.

Đặc biệt, phòng Thông tin tuyên truyền tiết kiệm năng lượng của thành phố Hồ Chí Minh do EVN HCMC chủ trì đã ra đời và đi vào hoạt động hiệu quả, hỗ trợ rất tích cực cho người dân và doanh nghiệp. Mô hình này là một sáng kiến được các cấp chính quyền và dư luận xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đánh giá rất cao.

Điểm cuối cùng và quan trọng nhất, theo tôi, đó chính là Tổng công ty đã xác định rõ, giảm hệ số đàn hồi cũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đơn vị.

PV: Bên cạnh những nỗ lực của ngành Điện, theo ông cách thức sử dụng điện của khách hàng có ý nghĩa như thế nào đối với hệ số đàn hồi điện/GDP?

Ông Nguyễn Văn Lý: Khách hàng sử dụng điện chính là nhân tố quyết định cơ bản đối với việc tăng hay giảm hệ số đàn hồi điện/GDP. Ngành Điện có nỗ lực đến đâu mà khách hàng, doanh nghiệp vẫn sử dụng điện lãng phí, không hiệu quả thì giá trị kinh tế mà mỗi kWh điện mang lại cho GDP cũng không thể cao được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hệ số đàn hồi điện/GDP sẽ không thể giảm. Đây cũng là đặc thù của nền kinh tế kém hiệu quả, tiêu hao nhiều tài nguyên năng lượng quốc gia.

Ngược lại, nếu khách hàng sử dụng điện hiệu quả, sẽ giúp giảm hệ số đàn hồi điện, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và đặc biệt là tối ưu hóa lợi nhuận cho chính doanh nghiệp của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

- Hệ số đàn hồi điện/GDP của các nước Đông Nam Á hiện giao động từ 1 đến 1,5.

- Hệ số đàn hồi điện/GDP các nước phát triển phổ biến ở mức dưới 1 (thường là 0,4 đến 0,8).

- Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2015, hệ số đàn hồi điện/GDP cả nước sẽ giảm xuống còn khoảng 1,5 và đến năm 2020 xuống còn 1,0.

 

Bảng tổng hợp so sánh hệ số đàn hồi điện/GDP tại Thành phố Hồ Chí Minh:

Thành phần

6 THÁNG/NĂM 2013

6 THÁNG/NĂM 2014

So sánh hệ số đàn hồi 6T/2014 với cùng kỳ 2013

Tăng trưởng ĐTP (%)

Tăng trưởng GDP (%)

Hệ số đàn hồi điện/GDP

Tăng trưởng ĐTP (%)

Tăng trưởng GDP (%)

Hệ số đàn hồi điện/GDP

Tổng cộng

7,22%

7,9%

0,91

3,39%

8,2%

0,41

-0,50

Nông lâm nghiệp-thủy sản

15,99%

7,0%

2,28

27,47%

6,0%

4,58

2,29

Công nghiệp - Xây dựng

3,47%

6,2%

0,56

5,06%

6,4%

0,79

0,23

Dịch vụ - thương mại

9,80%

9,1%

1,08

2,19%

9,6%

0,23

-0,85

 


 

 


  • 04/09/2014 04:36
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2500


Gửi nhận xét