Phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam: Còn nhiều việc phải làm

Việt Nam tiếp tục chuẩn bị những điều kiện cần thiết để ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, từ nay đến khi hoàn thành giai đoạn 2 về phát triển điện hạt nhân, các cơ quan quản lý nhà nước và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.

Bước tiến mới
 
Theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tiến trình phát triển điện hạt nhân của mỗi quốc gia từ khi chuẩn bị đến khi đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành thường phải trải qua 3 giai đoạn.
 
 

EVN đang triển khai các công việc liên quan phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam

 
Tại Việt Nam, giai đoạn 1 được đánh dấu vào ngày 25/11/2009, khi kỳ họp Quốc hội khóa XII thông qua chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận. Đến nay, Việt Nam đang trong giai đoạn 2, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng, nhân lực, hệ thống văn bản pháp lý, truyền thông… tiến tới ký kết hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
 
Giai đoạn 3 là thực hiện hợp đồng, triển khai xây dựng và đưa vào vận hành.
 
Năm 2015, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, ngày 17/6/2015, Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
 
So với mặt bằng cũ, mặt bằng mới ĐHN Ninh Thuận 1 được mở rộng về phía Tây Nam và lùi sâu về phía đất liền khoảng 400 m. Còn nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 được mở rộng về phía Tây Nam và lùi sâu vào phía đất liền từ 285 - 395 m.
 
Công suất và công nghệ của mỗi nhà máy cũng được điều chỉnh, với quy mô 4 tổ máy/nhà máy, công suất từ 1.000 - 1.200 MWe /tổ, chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn lắp đặt 2 tổ máy.
 
Trên cơ sở điều chỉnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai kế hoạch di dân tái định cư theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số dân phải di chuyển là 1.288 hộ/4.911 nhân khẩu. Tổng mức đầu tư là 3.235,526 tỷ đồng, nguồn vốn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam cấp theo kế hoạch sử dụng sau khi thống nhất với UBND tỉnh Ninh Thuận.
 
Dự kiến, tiến độ di dân hoàn thành trong năm 2018, với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện để người dân trong vùng Dự án sớm ổn định đời sống, khai thác được tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, từng bước ổn định sản xuất.
 
Chú trọng công tác truyền thông
 
Sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình không còn mới lạ trên thế giới. Hơn 60 năm qua, điện hạt nhân đã có những đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng cho nhiều quốc gia.
 
Tuy nhiên, do tác động của con người hoặc thiên tai, tại một số  nhà máy điện hạt nhân đã xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng đến tâm lý hoài nghi của người dân về sự an toàn ĐHN, nhất là rủi ro phóng xạ đối với sức khỏe con người và môi trường sống.
 
Tuy nhiên, xét về tổng thể, các chuyên gia cho rằng, với sự liên tục hoàn thiện công nghệ cùng đào tạo bài bản cho nguồn nhân lực; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quản lý vận hành, ĐHN sẽ phát huy được thế mạnh và sẽ hạn chế thấp nhất rủi ro.
 
Thế mạnh của điện hạt nhân chính là nguồn năng lượng sạch, ổn định lâu dài đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về năng lượng cho phát triển kinh tế, góp phần giảm thiểu khí nhà kính; tạo điều kiện để các ngành công nghiệp, nghiên cứu khoa học, công nghệ... phát triển mạnh. Chính vì vậy, ĐHN vẫn đang là xu hướng lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và phá hủy hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường... 
 

Công tác đào tạo nhân lực phục vụ chương trình phát điện hạt nhân được EVN chú trọng 

 
Tuy nhiên, để xã hội hiểu rõ được bản chất của vấn đề, công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo sự thành công của Dự án. Trong đó, truyền thông phải đi trước một bước. Điều này càng có ý nghĩa đối với một quốc gia mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam.
 
Trên thực tế, với quan điểm và nhận thức sâu sắc về vấn đề thông tin tuyên truyền, ngày 28/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020, với sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành liên quan và EVN.
 
Ngoài việc xây dựng phòng trưng bày điện hạt nhân tại Hà Nội, Ninh Thuận, EVN còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền khác như, hội thảo, hội nghị, tuyên truyền trực tiếp đến người dân vùng Dự án; tổ chức cho nhiều cơ quan, đoàn thể, nhân dân ở Ninh Thuận tham quan các cơ sở hạt nhân...
 
Đánh giá về công tác thông tin tuyên truyền tại Ninh Thuận, ông Lê Kim Hùng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cho biết, với sự chủ động của tỉnh Ninh Thuận, cùng sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan và đặc biệt là Ban Quản lý Dự án ĐHN Ninh Thuận, đến nay, công tác thông tin, truyền thông điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã đạt được những kết quả bước đầu.
 
Đội ngũ cán bộ công chức và người dân, đặc biệt là người dân vùng Dự án đã hiểu và ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về Dự án ĐHN Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2020 và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thời gian tới.
 
Còn nhiều việc phải làm
 
Đến nay, hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được trình lên Chính phủ. Dự kiến, đến tháng 3/2016, báo cáo này sẽ được phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo. Đối với Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 hồ sơ đang tiếp tục hoàn thiện.
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo các chuyên gia, Dự án nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 vẫn còn nhiều việc phải làm. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quản lý, vận hành và xử lý chất thải hạt nhân. Do đó, ngoài việc nghiên cứu lựa chọn, thẩm định, đánh giá công nghệ, thiết bị; nguồn vốn; lựa chọn các nhà thầu thi công... cần khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý; đào tạo nguồn nhân lực và truyền thông.
 
Nếu thực hiện đồng bộ tất cả công việc trên, chắc chắn trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có thêm nguồn điện hạt nhân sạch, chất lượng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội vững bền. 
 
Ông Srisht Pall Singh, chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Ấn Độ: 
 
Hiện nay, Ấn Độ đã vận hành thành công 21 lò phản ứng hạt nhân, đang xây dựng 6 tổ máy và cũng đã lên kế hoạch xây dựng khoảng 12 tổ máy trong vòng 20 năm tới. Có được kết quả này là nhờ vào sự quyết tâm của Chính phủ, đặc biệt là đồng thuận của công chúng thông qua công tác thông tin tuyên truyền đầy đủ, sâu rộng, nhanh chóng và công khai với nhiều hình thức khác nhau.
 
 
 


  • 18/01/2016 03:32
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 6583


Gửi nhận xét