Nguy cơ quá tải điện cục bộ trong mùa nắng nóng

Gần đây nhiều vụ cháy nổ gas thương tâm đã xảy ra và giá gas ngày càng tăng cao, một số người dân có xu hướng mua bếp điện, bếp từ thay cho bếp gas. Việc nhà nhà mua thêm và dùng hết công suất các thiết bị điện sẽ dẫn đến hệ lụy khó có thể đo đếm được đối với hệ thống điện mùa nắng nóng cao điểm.

Tiện hay bất tiện?

Chị Nguyễn Tuyết Nhung ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, gia đình chị vừa mua bếp điện từ vì ngoài việc sử dụng nhanh và tiện lợi, tính toán với giá điện và giá ga như hiện nay, mỗi ngày gia đình chị chỉ mất khoảng 8.000 đồng tiền điện cho việc nấu nướng bằng bếp từ. Trong khi dùng bếp ga, con số này là 12.500 đồng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phép tính trên chỉ là tương đối vì mỗi gia đình có mức tiêu thụ điện khác nhau. Những gia đình sử dụng bếp với tần suất lớn thì thậm chí còn tiêu tốn chi phí nhiều hơn rất nhiều so với dùng bếp gas bởi giá điện được tính lũy tiến. Hơn nữa, vào mùa nắng nóng, nếu như tất cả hộ gia đình trong cùng một khu vực chuyển sang dùng bếp từ vào giờ cao điểm thì nguy cơ cháy nổ do quá tải sẽ tăng cao, dẫn đến mất điện cục bộ hoặc toàn khu vực…

Chưa kể một bất tiện lớn đối với các hộ sử dụng bếp điện, bếp từ, đó là nếu mất điện thì coi như cả nhà… nhịn đói. Đồng thời, mất điện đột ngột khi quá tải hay có điện trở lại đột ngột trong tình trạng các thiết bị đều ở chế độ bật, đều là nguyên nhân giảm tuổi thọ hoặc thậm chí gây “đột tử” cho các thiết bị điện.

Đã khó, càng khó hơn…

Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, bếp điện, bếp điện từ là thiết bị điện có công suất lớn (thường trên 1000 W/ bếp trở lên), nên việc sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện (đặc biệt các thiết bị công suất lớn như bếp điện, điều hòa, máy giặt…) vào giờ cao điểm không chỉ tiêu tốn điện năng cho gia đình mà có thể dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ ở lưới điện hạ áp.

Mùa hè những năm trước, một trong những nguyên nhân mất điện nhiều nhất ở nhiều khu vực trong thành phố là do lưới điện hạ áp quá tải, gây cháy nổ hoặc nhảy aptomat ở trạm biến áp.

Theo EVN HANOI, sản lượng điện trên địa bàn thành phố những năm qua tăng từ 13-16%. Như vậy, cứ sau từ 5-6 năm, năng lực cấp điện của lưới cần tăng gấp 2 lần. Để giải quyết vấn đề trên, ngành Điện mỗi năm cần tới hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo và phát triển lưới điện. Trong đó, phần lớn phải sử dụng vốn vay thương mại. Lãi suất vay khoảng 20% như hiện nay, làm cho bài toán hiệu quả đầu tư không có lời giải thỏa đáng, khiến ngành Điện càng khó khăn trong việc vay vốn và tìm nguồn vốn vay.

Cần sự chung tay

Để đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè năm nay, EVN HANOI đã liệt kê đưa vào 497 trạm biến áp đã mang tải trên 90% trong năm 2011 đưa vào diện đầu tư cải tạo chống quá tải năm 2012.

Hiện nay, nhiều đơn vị điện lực ở các địa bàn trên cả nước đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để giảm công suất điện trong sinh hoạt, sản xuất, chiếu sáng… nhằm góp phần giảm bớt điện năng sử dụng, cũng như nguy cơ quá tải điện cục bộ trong mùa nắng nóng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Điện trong việc cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, rất cần sự chung tay của khách hàng và toàn xã hội trong việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả.

Một số lưu ý khi mua và sử dụng bếp gas:

Chọn mua và lắp đặt:

- Chọn bếp vừa theo nhu cầu sử dụng;

-  Nên chọn loại bếp có chế độ hẹn giờ để kiểm soát thời gian đun nấu, tránh lãng phí, đảm bảo an toàn cháy nổ trong trường hợp người dùng quên theo dõi.

- Đảm bảo các mối nối giữa bếp gas và các phụ kiện kín khít, để không gây rò rỉ gas khi lắp đặt bếp, để tránh sự cố, cháy nổ trong quá trình sử dụng bếp.

Sử dụng:

- Điều chỉnh mức độ lửa phù hợp.

- Dùng nồi kim loại có đáy và thành nồi không quá dày (tránh dùng nồi gốm sứ, đất...), không để muội bám quá nhiều ở đáy và thành nồi để tiết kiệm gas.

- Đậy nắp nồi khi nấu.

- Chỉnh nhỏ lửa khi đồ ăn bắt đầu sôi.

- Tránh để luồng gió thổi vào khu vực bếp.

Lắp đặt thiết bị báo cháy, báo rò rỉ gas:

- Lắp cách sàn nhà bếp khoảng 0,3 mét – 1,2 mét.

- Cách nguồn gas 1,5 mét (vì gas nặng hơn không khí)

- Không lắp ở những vị trí như: Cửa sổ, cửa ra vào, gần nguồn nước, nơi nhiệt độ cao, gần lò nướng, nơi có hơi nước và dầu mỡ nhiều…

Lưu ý để đảm bảo an toàn khi sử dụng bếp gas:

- Thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, thay thế ngay khi phát hiện có hiện tượng rạn nứt.

- Khi phát hiện có mùi gas (tương tự như mùi trứng thối):

 - Lập tức tắt các nguồn lửa, khóa van bình, đóng điều áp.

 - Tuyệt đối không đóng hoặc ngắt công tắc điện, quạt điện làm phát sinh tia lửa điện gây cháy nổ khí gas.

 - Mở ngay các cửa sổ, cửa ra vào để thông thoáng khí.

- Nên khóa van bình gas ngay sau khi đun nấu hằng ngày.


  • 08/05/2012 03:56
  • Theo TCDL chuyên đề Thế giới điện
  • 520889


Gửi nhận xét