Ngành Điện thuận tiện, khách hàng hài lòng

Công nghệ thông tin đem lại lợi ích như thế nào trong dịch vụ khách hàng ngành Điện? Dưới đây là chia sẻ của một số nhân viên giao tiếp khách hàng ngành Điện và người sử dụng điện.

Chị Dương Thị Việt Nga - Nhân viên giao tiếp khách hàng, Điện lực Trà My (Công ty Điện lực Quảng Nam): Xử lý công việc hiệu quả hơn

Trước khi sử dụng phần mềm CMIS (hệ thống thông tin quản lý khách hàng), khi cần thông tin, chúng tôi đều phải tìm kiếm thủ công từ hồ sơ lưu trữ. Nhiều khi khách hàng cũng phải chờ đợi khá lâu mới có phản hồi vì công việc này mất rất nhiều thời gian. Đến nay, nhờ có phần mềm CMIS, chỉ cần ít phút tra cứu trên máy tính là chúng tôi có đầy đủ thông tin cần thiết về khách hàng. Những yêu cầu của người sử dụng điện được đáp ứng nhanh hơn nên họ cũng dành cho chúng tôi nhiều thiện cảm hơn. Với sự hỗ trợ này, hiệu suất công việc của nhân viên giao tiếp khách hàng tăng lên nhiều lần nhưng chúng tôi vẫn “dễ thở”.

Chị Phạm Ngọc Yến - Nhân viên giao tiếp khách hàng, Công ty Điện lực Gia Lâm (EVN HANOI): Giảm áp lực cho nhân viên giao tiếp

Qua website chăm sóc khách hàng dùng điện (http://cskh.evnhanoi.com.vn/CC/), khách hàng có thể chủ động tìm hiểu, tra cứu các thông tin cần thiết như hoá đơn tiền điện, lịch ghi chỉ số công tơ, lịch cắt điện, số điện thoại sửa chữa điện, báo hỏng điện,... đồng thời làm thủ tục đăng ký cấp điện mới một cách nhanh chóng trên giao diện điện tử này.
Khi nhận được yêu cầu, chúng tôi sẽ kiểm tra, liên lạc với khách hàng, xác nhận thông tin và chuyển qua các bộ phận chức năng tiếp theo xử lý, đảm bảo đúng tiến độ quy định. Đây là một kênh thông tin rất thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho cả 2 bên và giảm áp lực cho nhân viên giao tiếp khách hàng trực tiếp, đặc biệt trong tình huống tiếp nhận nhiều yêu cầu dịch vụ trong cùng một thời điểm.

Thân thiện, tiện ích cho người dùng điện là chủ trương phát triển dịch vụ khách hàng của EVN - Ảnh: Ngọc Cảnh

Anh Đỗ Chí Dương - Khách hàng (Gia Lâm, Hà Nội): Thanh toán điện tử rất tiện lợi

Tôi đang sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện online qua ngân hàng BIDV. Mặc dù có thu ngân viên đến tận nhà nhưng cả 2 vợ chồng tôi đều đi làm cả ngày nên rất khó gặp. Ngành Điện triển khai thu tiền điện qua Ngân hàng, tôi rất đồng tình vì cách làm này tiện lợi cho khách hàng mà cũng đỡ vất vả cho thu ngân viên.

Anh Trần Trọng Nghĩa - Khách hàng (Hà Đông, Hà Nội): Nhận thông báo tiền điện qua tin nhắn

Trước đây, phải đến tận quầy nộp tiền, tôi mới biết gia đình mình đã sử dụng bao nhiêu số điện, phải trả bao nhiêu tiền, thậm chí có tháng vì quá bận rộn mà quên mất cả ngày đóng tiền điện. Từ nhiều tháng nay, Công ty Điện lực Hà Đông gửi tin nhắn SMS thông báo số tiền phải trả hằng tháng, tôi đã chủ động thu xếp thời gian và công việc để đi thanh toán đúng thời hạn. Đây là một dịch vụ rất hữu ích cho người dùng. Sắp tới, tôi dự định đăng ký cả dịch vụ thanh toán online để không phải lo lắng về vấn đề này nữa.

Chị Đinh Thị Hoài Hương - Phòng Kế toán VietinBank Đà Nẵng: Website chăm sóc khách hàng thân thiện, hữu ích

Chúng tôi thường theo dõi thông tin về lịch tạm ngừng cấp điện, tra cứu hóa đơn điện tử hay giá điện trên website chăm sóc khách hàng dùng điện của Công ty Điện lực Đà Nẵng (http://cskh.dnp.com.vn/). Theo tôi, website này đầy đủ thông tin cần thiết đối với người mua điện. Việc tra cứu cũng rất thuận tiện, không có trở ngại gì. Nhờ đó, hằng tháng, nhiệm vụ thanh toán tiền điện của cơ quan nhanh hơn, chính xác hơn, cũng như chủ động chuẩn bị nguồn cấp điện tạm thời cho VietinBank Đà Nẵng trong thời gian Điện lực có lịch tạm ngừng cung ứng điện để bảo trì, bảo dưỡng,…


  • 29/11/2014 10:08
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3047


Gửi nhận xét