Để công đoàn hoàn thành tốt hơn trọng trách của mình

Có thể khẳng định, cải thiện điều kiện làm việc và quản lý sức khoẻ người lao động (NLĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp Công đoàn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Và đây cũng là những yếu tố then chốt trong thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD). Công ty Lưới điện cao thế miền Trung (CGC) hiện có hơn 1500 lao động, việc nỗ lực tìm ra các giải pháp tối ưu để cải thiện, nâng cao chất lượng công tác này luôn được Công đoàn Công ty phối hợp cùng chuyên môn thực hiện tốt và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Một số kinh nghiệm rút ra trong công tác công đoàn ở CGC:

Thứ nhất, tổ chức Công đoàn sát cánh cùng chuyên môn thực hiện tốt công tác Bảo hộ lao động tại đơn vị. Điện là nghề phức tạp và nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao nên cùng với những biện pháp khác thì việc Công đoàn phối hợp chặt chẽ cùng chuyên môn triển khai tốt các quy chế quy định trong công tác BHLĐ là nền tảng của sự chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đảm bảo NLĐ được trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân đầy đủ chất lượng, có điều kiện làm việc tốt, có môi trường sản xuất an toàn, được bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ và hưởng đầy đủ các chế độ bồi dưỡng độc hại, nghỉ dưỡng theo đúng quy định.

Cải thiện điều kiện làm việc và quản lý sức khỏe người lao động là nhiệm vụ quan trọng của công đoàn - Ảnh ST

Hai là, phối hợp cùng chuyên môn triển khai ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào công tác quản lý điều hành sản xuất. Từ thực tế có thể khẳng định, đây là giải pháp hàng đầu trong thực hiện cải thiện điều kiện làm việc và quản lý sức khoẻ người lao động giai đoạn hiện nay. So trước đây với hiện tại, khi Công ty đã khai thác và ứng dụng thành công CNTT vào tất các các lĩnh vực hoạt động SXKD của đơn vị cho thấy, việc triển khai ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào công tác quản lý điều hành sản xuất đã giúp giải quyết một phần không nhỏ sức lao động thủ công của NLĐ, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, sức khoẻ và nâng cao năng suất cho NLĐ; đảm bảo độ chính xác cao, an toàn hiệu quả, giúp giảm thiểu TNLĐ.

Ba là, Công đoàn thực hiện chức năng tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Tuỳ tình hình và yêu cầu thực tế từng môi trường làm việc, tổ chức Công đoàn vừa tích cực tuyên truyền vận động vừa có chế tài cụ thể, chỉ rõ lợi ích, nêu tầm quan trọng của phong trào đối với cá nhân và tập thể sản xuất, làm chuyển biến nhận thức, để CBCNV tích cực tham gia, đưa phong trào này đi sâu vào thực tế sản xuất và nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả SXKD cho đơn vị. Từ thực tế phong trào này của Công ty đã có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất của CBCNV được công nhận và cho áp dụng vào thực tiễn sản xuất, giúp cải thiện đáng kể điều kiện làm việc, sức khoẻ, tiết kiệm tối đa công sức của NLĐ trên công trường, giúp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần xây dựng văn hóa an toàn nơi làm việc. Tiêu biểu như Sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường khả năng giám sát và theo dõi tỉ lệ điện dùng để truyền tải và phân phối trên lưới điện 110 kV của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Hữu Thành và Trần Ngọc Đăng - Khối cơ quan Công ty; Sáng kiến chế tạo bộ cần tháo, lắp bộ công tắc K các bộ OLTC MR kiểu VIII, VVIII Máy biến áp 110kV của nhóm tác giả Ngô Ngọc Ngân, Nguyễn Minh Hà, Đặng Ngọc Tiến, Xí nghiệp Sửa chữa - Thí nghiệm. Sáng kiến “Dùng cọc nhe nhổ cọc nhe khi thi công sửa chữa đường dây 110kV” của tác giả Ngô Gia Hoài, Chi nhánh ĐCT Bình Định...

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn nỗ lực phát huy vai trò là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho NLĐ: Chủ động sâu sát với đời sống người lao động, vào từng môi trường sản xuất cụ thể để từ đó có sự phối hợp cùng chuyên môn tham mưu đúng đắn trong phân công bố trí công việc, đề xuất và xử lý kịp thời những yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình sản xuất; tuyên truyền giáo dục, thiết lập các kênh thông tin từ cấp cơ sở để CBCNV có nhận thức đúng đắn và toàn diện vấn đề, từ đó chủ động thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản pháp quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, góp phần hạn chế và đẩy lùi tai nạn lao động; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, kịp thời thăm hỏi, trợ cấp cho những CBCNV có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật hiểm nghèo, hỗ trợ tạo điều kiện để duy trì bếp ăn tập thể tại các tổ sản xuất vùng sâu vùng xa, vùng đặt biệt khó khăn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động... Những nỗ lực đó đã tạo niềm tin vững chắc để người lao động thật sự an tâm công tác, góp công sức của mình vào thành tích chung, vì sự phát triển bền vững của đơn vị.

 


  • 06/11/2014 03:07
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2487


Gửi nhận xét