Nâng giá truyền tải có giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện?

Không chỉ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, vốn đang là bài toán nan giải đối với các dự án truyền tải điện cao áp và siêu cao áp. Nếu không có giải pháp để tháo gỡ khó khăn này thì có thể sẽ thiếu điện ngay cả khi thừa nguồn phát.

Nếu không có giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vốn, Việt Nam có thể sẽ thiếu điện ngay cả khi thừa nguồn phát - Ảnh: H.Hiếu

Theo thiết kế, Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII) có 103 công trình/dự án đầu tư cải tạo và xây dựng mới hệ thống đường dây và trạm biến áp 500 kV; 551 công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV.

Bộ Công Thương dự toán, nguồn vốn cho đầu tư 654 công trình truyền tải điện cao áp 220 kV - 500 kV giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 210 nghìn tỷ đồng. Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) Trần Quốc Lẫm cho biết, chỉ tính riêng dự án đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông theo thiết kế cũng đã cần vốn đầu tư gần 9.300 tỷ đồng. Đây là dự án đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm cung cấp điện cho khu vực phía Nam, với dự báo nhu cầu điện tăng từ 13 - 15%.

Theo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, riêng năm 2013, vốn đầu tư cho hệ thống lưới truyền tải điện cao áp và siêu cao áp 220 kV - 500 kV của NPT vào khoảng 14.000 tỷ đồng. Mặc dù được Chính phủ bảo lãnh và chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn cho NPT nhưng cũng không mấy dễ dàng. Nguyên nhân do giá/phí truyền tải được tính trong giá thành điện còn thấp nên ảnh hưởng tới cả vốn đầu tư cũng như vốn đối ứng. Giá/phí truyền tải hiện nay mới chỉ chiếm 6 - 7% trong chi phí cấu thành giá điện. Trong khi, theo tính toán thì giá/phí truyền tải phải từ 10 - 15% mới tạo điều kiện để NPT có có lãi để làm vốn đối ứng và tái đầu tư.

Để bảo đảm cấp điện cho miền Nam, từ năm 2014, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cần hoàn thành hàng loạt công trình truyền tải như: Lắp đặt xong máy 2 của trạm biến áp 500 kV Sông Mây tại khu vực Bình Dương; nâng cấp dàn tụ bù 2.000 A của đoạn Nho Quan - Hà Tĩnh; tiếp tục đầu tư các hệ thống đường dây 500 kV đấu nối với các Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải và các đường dây 220 kV...

Hiện NPT đã làm việc với các ngân hàng trong nước và nhận được hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như ADB, WB, Nexi, Jica… để huy động vốn cho các dự án truyền tải điện nêu trên. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, việc cấp vốn vay chỉ thực hiện với dự án mang lại lợi ích kinh tế.

Hạn mức vay tín dụng trong nước với khách hàng cá nhân cũng không được vượt quá 15% vốn tự có và 25% vốn tự có với nhóm khách hàng. Trong khi đó, các công trình truyền tải điện có lợi ích kinh tế không lớn, chủ yếu mang lại lợi ích cho xã hội. Hầu hết các ngân hàng thương mại cho NPT vay vốn đều đã vượt hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng.

Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, giá truyền tải còn thấp, làm hạn chế sự phát triển của lưới truyền tải, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện, gây nghẽn mạch trong một số chế độ vận hành…

Phó thủ tướng đã giao Bộ Công thương xem xét, phê duyệt điều chỉnh giá truyền tải điện năm 2013 và lộ trình tăng giá truyền tải điện đến năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 theo đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phù hợp lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện. Bởi việc điều chỉnh giá truyền tải điện sẽ góp phần bảo đảm cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có khả năng cân đối được tài chính để đẩy nhanh đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh cung cấp điện và yêu cầu khai thác hiệu quả các nhà máy điện trong mọi chế độ vận hành của thị trường điện.

Có thể thấy, việc giá truyền tải điện trong những năm qua còn thấp là một nguyên nhân khiến khó huy động đủ vốn cho các dự án truyền tải. Nhưng đây chưa phải là nguyên nhân chính khiến hệ thống truyền tải điện bị quá tải, dễ xảy ra tình trạng thiếu điện ngay cả khi thừa nguồn phát. Thực tế, tỷ lệ đầu tư lưới điện của nước ta đã nâng lên qua các năm vừa qua, nhưng hiện vẫn chỉ khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn ngành Điện. Tỷ lệ này ở nhiều quốc gia khác trên thế giới thường từ mức 45 – 50%, nghĩa là đầu tư một đồng nguồn phát thì phải đầu tư gần một đồng cho lưới truyền tải điện.

Do đó, có lẽ bên cạnh việc nâng giá truyền tải phù hợp với lộ trình tăng giá điện bán lẻ, thì cũng cần phải nghiên cứu hiệu chỉnh Quy hoạch điện VII, tính toán chi tiết yêu cầu nguồn - lưới để có phân bổ vốn đầu tư cho ngành Điện một cách hợp lý hơn.


  • 26/12/2013 10:05
  • Theo Đại biểu nhân dân
  • 2547


Gửi nhận xét