Hành trình đưa điện tới đảo xa

Theo Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, dự kiến kinh tế biển sẽ đóng góp từ 53 – 55% GDP. Và để hiện thực hóa được mục tiêu này, các yếu tố hạ tầng – trong đó điện phải “đi trước một bước”. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng cũng là trọng trách rất đáng tự hào mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai

Những kỳ tích đưa điện vươn khơi

Thực trạng cấp điện cho các huyện đảo trên cả nước tính đến tháng 10/2014

- 12/12 huyện đảo đã có điện

- Hệ thống điện tại 8/12 huyện đảo đã được EVN quản lý, bán điện trực tiếp với hệ thống lưới điện phân phối đồng bộ

– - 5/12 huyện đảo đã được sử dụng điện lưới quốc gia, với thời gian cấp điện ổn định 24/24h

– - 3/12 huyện đảo được cấp điện lưới quốc gia bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển

Năm 1998, Chương trình mục tiêu quốc gia “Điện khí hóa nông thôn” được Đảng và Nhà nước ta khởi xướng, với mục tiêu quan trọng là đưa điện đến mọi vùng miền của đất nước, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi biên giới và hải đảo, nhằm tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển của kinh tế nông thôn cũng như cải thiện, đổi thay căn bản điều kiện sinh hoạt và mức sống người dân trong cả nước. Chương trình mục tiêu đã tạo cơ sở cho hành trình đưa điện “vượt sóng” ra khơi của các đơn vị ngành Điện.

Ngược dòng thời gian, năm 1991, Công ty Điện lực Hải Phòng đã chính thức đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cát Hải(thuộc huyện đảo Cát Hải – thành phố Hải Phòng). Đến năm 1998, Công ty Điện lực Hải Phòng tiếp tục đưa điện lưới quốc gia vươn tới đảo Cát Bà, tạo nền tảng quan trọng cho kinh tế du lịch của hòn đảo xinh đẹp này “cất cánh”. Đến tháng 9/2009, đảo Việt Hải - xã đảo cuối cùng của huyện đảo Cát Hải cũng đã được cấp điện lưới quốc gia, đưa Cát Hải trở thành huyện đảo đầu tiên trong cả nước được “phủ sóng” 100% điện lưới.

Dấu ấn quan trọng nhất trong công cuộc đưa điện “vượt sóng ra khơi” của EVN cho đến thời điểm này chính là các dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển ra các đảo: Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn.

Tháng 10/2013, sau rất nhiều nỗ lực vào cuộc của chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tổng công ty Điện lực miền Bắc, dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển ra Cô Tô chính thức đóng điện. Tiếp đó, huyện đảo Phú Quốc cũng đã chính thức được cấp điện bằng điện lưới quốc gia từ hệ thống cáp ngầm xuyên biển vào đầu năm 2014. Đây là dự án có đường điện bằng cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á (57,33 km) với quy mô, công nghệ hết sức phức tạp, cũng như nguồn vốn đầu tư lớn, lên tới 2.336 tỷ đồng, do Tổng công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư. Với sự nỗ lực cao của chủ đầu tư cũng như các đơn vị nhà thầu trong và ngoài nước, dự án đã về đích sớm 6 tháng so với kế hoạch, chính thức đóng điện, khánh thành vào tháng 2/2014. Với việc triển khai thành công 2 dự án quan trọng này, 17.600 hộ dân trên 2 huyện đảo đã được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia ổn định, chất lượng cao hơn so với nguồn điện chạy bằng diezel (vốn chỉ được cấp rất hạn chế vì giá thành quá cao và tính ổn định kém, công suất các máy phát điện thấp...).

EVN đã nỗ lực trong nhiều năm liền để đưa điện "phủ sóng" ra khơi

Dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển thứ 3 trên cả nước cũng đã được triển khai nhanh chóng và chính thức đóng điện thành công, đảm bảo cấp điện cho 22.000 dân huyện đảo Lý Sơn từ tháng 9/2014, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trên huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Từ đây, với nguồn điện ổn định, chất lượng điện đảm bảo, đời sống của người dân trên đảo sẽ từng bước được khởi sắc, không chỉ có nghề đánh bắt hải sản và trồng hành tỏi, mà các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, sẽ có điều kiện phát triển.

Cùng với việc đầu tư các dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng cáp ngầm, các dự án cấp điện đồng bộ cũng đã được triển khai, từng bước nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện hạ thế trên các đảo. Đối với một số đảo hiện đang sử dụng nguồn điện diezel, với nỗ lực của EVN và chính quyền địa phương các cấp, chất lượng nguồn điện cũng đã được cải thiện rất đáng kể. Đặc biệt, từ ngày 1/6/2014, với chính sách đồng nhất giá điện trên biển đảo với đất liền, người dân trên tất cả các đảo đã không phải trả tiền điện cao (do nguồn điện từ diezel rất đắt) như trước đây. Giá điện hạ thấp không chỉ đảm bảo công bằng giữa đất liền và hải đảo, mà còn tạo điều kiện cho nhân dân trên các huyện đảo có cơ hội thoát nghèo, từng bước làm giàu và yên tâm bám biển, góp phần giữ vùng biên giới trên biển đảo của Tổ quốc.

Tiếp tục hành trình “ra biển lớn”

Phát biểu tại Lễ tổng kết 15 năm Điện khí hóa nông thôn (giai đoạn 1998 – 2013) ngày 26/4/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã khẳng định, với việc đưa điện lưới quốc gia ra các vùng hải đảo xa xôi nhất của tổ quốc, ngành Điện đã và đang từng bước giúp Chính phủ hiện thực hóa sự nghiệp “Điện khí hóa nông thôn” cùng các chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng như: xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo... Đặc biệt là để có thể triển khai thực hiện thành công chiến lược kinh tế biển đảo nước ta đến năm 2020, không thể thiếu vai trò tiên phong của điện.

Thi công đưa điện ra đảo là công việc hết sức khó khăn phức tạp

Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu mà EVN đang nỗ lực tìm mọi giải pháp khả thi để thực hiện. Theo ông Trịnh Ngọc Khánh – Trưởng ban Kế hoạch EVN, với các huyện đảo vẫn đang dùng nguồn điện bằng dầu diezel, chủ yếu là các đảo cách đất liền quá xa, kéo cáp ngầm hay kéo lưới nổi đều khó khả thi do kỹ thuật phức tạp, điều kiện khó khăn, huy động nguồn vốn quá lớn. Vì vậy, EVN đang tính toán để một mặt đầu tư nâng cấp hệ thống điện hiện tại, mặt khác nghiên cứu xây dựng các nguồn điện bổ sung tại chỗ bằng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Trước mắt, ngay trong năm 2015, một số dự án cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo, huyện đảo sẽ được hoàn thành như: Dự án cấp điện bằng cáp ngầm cho xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh), Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) một số dự án cấp điện cho các xã đảo của huyện Vân Đồn, nâng công suất trên các huyện đảo đang sử dụng nguồn điện bằng diezel...

Mục tiêu phấn đấu của EVN là đến năm 2020, hầu hết các hộ dân trên tất cả các đảo trong cả nước đều được dùng điện với chất lượng ngày càng ổn định, an toàn (Theo quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn,  miền núi và hải đảo đến năm 2020). Đây cũng là điều kiện có tính chất quyết định, đảm bảo cho thành công của chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020 của nước ta. Vì vậy, dù sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng EVN và các đơn vị vẫn quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này, góp phần nâng cao đời sống người dân trên các vùng biển đảo, đồng thời giúp Đảng và Nhà nước giữ vững chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Ông Huỳnh Quang Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc: Từ khi có điện lưới quốc gia đến nay, tình hình kinh tế - xã hội huyện Phú Quốc đã có sự thay đổi rõ nét, nhất là trong đầu tư phát triển du lịch. Nhiều dự án đầu tư lớn, các khu resort cao cấp đang đẩy nhanh tốc độ thi công và sẽ đưa vào sử dụng từ cuối năm nay. Việc được sử dụng điện ổn định và hưởng giá như trong đất liền đã giúp giá thành các dịch vụ cũng giảm theo. Đó là “điểm cộng” của du lịch Phú Quốc.

Bên cạnh đó, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trên đảo cũng chuyển biến tích cực. Người dân được sử dụng nhiều thiết bị điện hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sản xuất. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu phụ tải của Phú Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao.

 


  • 03/11/2014 05:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3538


Gửi nhận xét