Dự án năng lượng nông thôn II tại miền Trung: Về đích đúng hạn

Sau 10 năm thực hiện, dự án năng lượng nông thôn II (REII) tại 6 tỉnh miền Trung đã về đích đúng thời hạn và đạt hiệu quả tốt - đó là đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình thực hiện dự án REII tại các tỉnh Quảng Bình, Thừa thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Ông Trần Đình Nhân - Chủ tịch kiêm Tồng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền trung (EVN CPC) - cho biết, theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2014. Sau 10 năm triển khai, toàn bộ lưới điện trung hạ áp cấp điện cho 272 xã thuộc 42 huyện ở 6 tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên đã hoàn thành đồng bộ, với tổng vốn đầu tư hơn 1.760 tỷ đồng.

Dự án REII đã giúp hơn 500.000 hộ dân nông thôn 6 tỉnh miền Trung được sử dụng điện lưới. Từ khi các công trình thuộc Dự án REII được đưa vào sử dụng, chất lượng điện luôn ổn định, tỷ lệ tổn thất điện năng bình quân giảm xuống rõ rệt từ khoảng 25 - 30% xuống còn khoảng 7 - 10%. Sau khi đóng điện, không có hiện tượng cuối nguồn bị sụp áp lớn như trước đây. Người dân có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở khu vực nông thôn. Dự án còn nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện, tạo mỹ quan cho bộ mặt nông thôn mới. Hệ thống chiếu sáng công cộng, đường làng, ngõ xóm được chính quyền và nhân dân thống nhất đầu tư. Trẻ em đến tuổi đi học không còn phải thắp đèn dầu để học bài...

Dự án điện nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH

Để nâng cao năng lực quản lý lưới điện, hoạt động kinh doanh điện và chất lượng dịch vụ cung cấp điện, các địa phương đã ủng hộ chủ trương chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn của dự án REII sang ngành điện quản lý, vận hành và bán điện trực tiếp đến hộ dân.

Lưới điện sau khi tiếp nhận được ngành Điện cải tạo và duy tu sửa chữa thường xuyên, cùng với các biện pháp quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ sẽ giảm tổn thất điện năng, giảm quá tải, khiến hệ thống điện hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, giảm sự cố.

Kết thúc dự án, các địa phương đều cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khai thác và phát huy tối đa hiệu quả mà dự án đã đầu tư. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương, WB tiếp tục hỗ trợ các khoản vay ưu đãi để đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn, đặc biệt các xã và các thôn bản chưa có điện lưới.

Từ kinh nghiệm triển khai dự án REII ở các tỉnh miền Trung, các chuyên gia cho rằng, để đồng bộ giữa trung áp và hạ áp, chỉ nên giao cho một chủ đầu tư là ngành điện quản lý thực hiện. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng phải có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công với chính quyền địa phương. Công tác chuẩn bị dự án, khảo sát, lập bản vẽ thiết kế thi công cần chính xác, phù hợp với thực tế hiện trường; đẩy nhanh công tác đấu thầu và triển khai thi công kịp thời, tránh hiện tượng trượt giá. Việc kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công cần thực hiện sát sao nhằm đẩy nhanh tiến độ, xử lý thiết kế kịp thời, sớm đưa công trình vào sử dụng để phát huy hiệu quả của dự án.

Dự án REII góp phần giảm tổn thất lưới điện hạ áp, giảm sự cố và giá thành điện sinh hoạt; nâng cao số hộ được cấp điện, chất lượng điện năng, độ an toàn và khả năng cung cấp của lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

 

 


  • 01/07/2014 01:40
  • Theo Báo Công Thương
  • 3015


Gửi nhận xét