Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương: Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Một trong những mục tiêu cụ thể của đề án là đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1 - 1,5%/năm.

Đề án hướng đến tái cơ cấu ngành Điện theo hướng hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bảo đảm cân đối về cung - cầu điện phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, tin cậy và hiệu quả. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành điện.

Nhà máy điện mặt trời Sê San 4

Phát triển chuỗi cung ứng ngành Điện theo hướng đồng bộ hóa từ khâu phát triển nguồn điện, phát điện, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống điện và thị trường điện. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải.

Phát triển nhanh và bền vững các nguồn điện với cơ cấu và phân bổ hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hóa. Chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành điện. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Đảm bảo đến năm 2030, tổng công suất đặt các nguồn điện đạt 120.995MW - 145.930MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).

Hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo thiết kế đã được phê duyệt. Hoàn thành các công tác chuẩn bị về pháp lý, cơ sở hạ tầng, triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện từ nay đến năm 2025.

Nghiên cứu và thực hiện tách bạch hoạt động phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) với hoạt động kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh) nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực điện lực.

Cải cách giá bán lẻ điện phù hợp với các cấp độ thị trường điện, đồng bộ với giá phát điện, bán buôn điện, sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. Tách bạch rõ chi phí cho các hạng mục hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng và ban hành Khung giá phát điện. Hoàn thiện nghiên cứu khả thi các dự án điện miền Trung I, II và Dung Quất I, III đảm bảo tiến độ các dự án này đồng bộ với tiến độ triển khai Dự án thượng nguồn.

Giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trên đối với ngành Điện là: Nghiên cứu, ban hành cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện, các chính sách về phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Ban hành các quy định, quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng và phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), đặc biệt các dự án ĐMTMN có công suất từ 100kWp trở lên phải lắp đặt hệ thống giám sát, điều khiển từ xa, kết nối với hệ thống điều độ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để các chủ đầu tư phối hợp vận hành hệ thống điện.

Hoàn thiện các quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, khung giá phát điện, công tác giao nhận tài sản các công trình điện. Nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế cho phép các dự án điện mặt trời mái nhà có công suất từ 100 kWp trở lên được kết nối với hệ thống điện và giám sát từ xa.

Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm.

Chi tiết đề án trong file đính kèm.

 

 

 

Quyetdinh165Chinhphu2023.pdf


  • 01/03/2023 06:00
  • Vũ Chang
  • 3750