Đầu tư cho truyền tải và những “điểm nghẽn”

Đầu tư cho các dự án truyền tải điện tăng liên tục trong 5 năm gần đây, song vẫn còn đó nhiều “điểm nghẽn”, ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện, đặc biệt trong mùa nắng nóng.

Liên tục đầu tư 

Ngay sau khi Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) được thành lập vào năm 2008, Tổng công ty đã tập trung đầu tư đường dây và trạm biến áp. Vì thế, công suất các trạm biến áp và khối lượng đường dây truyền tải điện 500 kV và 220 kV năm 2012 đã tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008. Trong đó, tăng nhiều nhất là công suất trạm biến áp truyền tải 500 kV, từ 7.050 MVA (năm 2008) lên 15.150 MVA (năm 2012). Tổng giá trị đầu tư trong giai đoạn này là 36.900 tỷ đồng, trung bình 7.000 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý,  giai đoạn 2009 – 2010, công suất các trạm biến áp và đường dây tải điện có sự tăng trưởng và phát triển vượt bậc. Đối với truyền tải 500 kV, công suất trạm biến áp tăng từ 8.400 MVA lên 11.550 MVA, khối lượng đường dây tăng 484 km (4.243/3.759 km). Về truyền tải 220 kV, công suất trạm biến áp tăng từ 17.977 MVA lên 21.039 MVA, khối lượng đường dây cũng tăng thêm 470 km (từ 9.400 km - 9.870 km).

Trong khi kinh tế toàn cầu phục hồi một cách chậm chạp từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, kinh tế Việt Nam đã sớm thoát khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng nhanh. GDP năm 2010 tăng 6,78%, thuộc nhóm có mức tăng trưởng khá cao trong khu vực và trên thế giới, trong đó, tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm trước. Để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu điện phải đi trước một bước, kéo theo đó là tập trung đầu tư nâng cao công suất các trạm biến áp và đường dây truyền tải.

Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cho các dự án truyền tải điện ngày càng lớn. Ảnh: Vũ Lam

Đặc biệt, từ năm 2011 – 2012, công suất các trạm biến áp và khối lượng đường dây truyền tải điện 500 kV tăng mạnh, công suất tăng 1.200 MVA (từ 13.950 MVA – 15.150 MVA), khối lượng đường dây tăng 519 km (từ 4328 km -  4847 km), với tổng vốn đầu tư là 13.000 tỷ đồng.

Lý giải điều này, theo ông Trần Quốc Lẫm - Phó tổng giám đốc EVN NPT, trong năm 2012, một số dự án lớn, cấp bách đã cơ bản đáp ứng đủ vốn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ dự án, như đường dây (ĐZ) 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông, ĐZ 220 kV Đắc Nông – Phước Long – Bình Long, đấu nối thủy điện Huội Quảng, Bản Chát... EVN NPT cũng đã hoàn thành 5 công trình 500 kV kịp thời gian phát điện 6 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sơn La vào cuối năm 2012.

Và những “điểm nghẽn”

Liên tục đầu tư cho các dự án truyền tải điện, tuy nhiên theo ông Nguyễn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Quy hoạch – Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), tỉ lệ thực hiện xây dựng lưới điện truyền tải thấp hơn nhiều so với tỉ lệ thực hiện xây dựng nguồn điện theo quy hoạch được duyệt. Trong giai đoạn 2006 - 2010, tỉ lệ thực hiện quy hoạch của lưới truyền tải chỉ đạt khoảng 50%, trong khi xây dựng nguồn điện đạt gần 70% so với quy hoạch được duyệt.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cho các dự án truyền tải điện ngày càng lớn, năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2012, nguồn vốn cho các dự án truyền tải điện tăng 148% so với năm 2011 (9.400/6.349 tỷ đồng), năm 2013 tăng 141% so với năm 2012 (13.235/9.400 tỷ đồng).

Trong khi đó, khả năng tự đầu tư của EVN NPT không đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng khi cho vay vốn. Thông thường, đối với dự án đầu tư, các ngân hàng yêu cầu EVN NPT có tỷ lệ vốn tự đầu tư từ 20 – 25%. Tuy nhiên, vốn tự có của NPT chỉ đạt 10,67% (1.003/9.400 tỷ đồng năm 2012), những năm trước tỷ lệ này còn thấp hơn, do giá truyền tải quá thấp, không có lợi nhuận để đầu tư phát triển.

Lưới điện truyền tải trải dài qua 63 tỉnh, thành của cả nước - Ảnh: CTV

Khả năng tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn của EVN NPT tại các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn. Nếu như năm 2010, EVN NPT có quan hệ tín dụng tại 14 ngân hàng với dư nợ khoảng 7.000 tỷ đồng thì trong năm 2011 và 2012, EVN NPT gần như không ký được hợp đồng tín dụng nào. Một số ngân hàng lớn như BIDV, Agribank, VCB, Vietcombank... dư nợ vay của EVN NPT đã vượt giới hạn tín dụng.

Ngoài ra, EVN NPT còn gặp khó khăn trong phân tích hiệu quả dự án khi làm thủ tục vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Hiệu quả một dự án truyền tải điện cần được xem xét trong tổng thể chung của cả hệ thống điện. Ví dụ: nếu đã xây dựng nguồn điện thì cần có đường dây để giải phóng công suất, nếu đường dây đã đầy tải thì phải xây dựng thêm để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành… Vì vậy, khi phân tích hiệu quả từng dự án nếu không có cách tiếp cận đúng sẽ khó xác định được hiệu quả cụ thể về mặt tài chính của dự án, dẫn đến việc thẩm định cho vay vốn của ngân hàng khó khăn.

Hệ thống điện truyền tải của Việt Nam đi qua 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án truyền tải điện còn gặp nhiều khó khăn, sự phối hợp giữa các địa phương chưa được chặt chẽ, dẫn tới việc kéo dài thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến.

Ông Trần Quốc Lẫm khẳng định: “Để lưới điện truyền tải theo kịp với tốc độ phát triền nguồn điện, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vào mùa khô, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của chính quyền và các đơn vị liên quan. Từ đó, tháo gỡ từng “điểm nghẽn”, ưu tiên nguồn vốn, tập trung đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đi trước một bước. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để chính quyền và người dân địa phương hiểu và đồng thuận với ngành Điện, tạo điều kiện cho công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ các dự án truyền tải điện”.


  • 01/07/2013 10:10
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4132


Gửi nhận xét