Các trường cao đẳng "khát" thí sinh

Thực tế hiện nay, các trường cao đẳng trong cả nước gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh. Trong khi các trường đại học dân lập, đại học địa phương mọc lên ngày một nhiều thì tại các trường cao đẳng (CĐ), quy mô tuyển sinh ngày càng thu hẹp. Không nằm ngoài bối cảnh chung, những năm gần đây, các trường CĐ ngành Điện phải gồng mình lo tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo.

Các trường cao đẳng hiện đang gặp khó trong việc thu hút thí sinh - Ảnh minh họa

Tính đến cuối tháng 9/2014, trường CĐ Nghề điện (Hà Nội) mới tuyển sinh được khoảng 50% chỉ tiêu của năm. Thiếu thí sinh, nhà trường đang chạy đua với hai đợt tuyển bổ sung vào tháng 10 và tháng 12.

Tương tự như vậy, Trường CĐ Điện lực miền Trung, sau khi “gom” cả thí sinh nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 mới thu nhận được 730 học sinh. Trong đó, hệ cao đẳng đạt 600/1.100 chỉ tiêu, hệ trung cấp đạt 130/400 chỉ tiêu. Như vậy, so với mốc cần tuyển 1.500 em, Nhà trường mới đi được nửa chặng đường.

Tại trường CĐ Điện lực TP Hồ Chí Minh, dù tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo hệ cao đẳng, nhưng với hệ trung cấp, tới cuối tháng 9, Nhà trường mới chỉ tuyển được 70% số lượng yêu cầu.

Trước tình hình đó, các trường cao đẳng ngành Điện hiện đang tự cứu mình bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu, tăng quảng bá hình ảnh, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên để các em yên tâm theo học…

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề điện (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đã xuống từng địa phương, nhất là những nơi có các Nhà máy điện đang xây dựng để vận động, kêu gọi học sinh đăng ký tuyển sinh vào trường. Ngay cả  đội ngũ giáo viên và học sinh trong trường cũng trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh. Tất cả vì mục tiêu đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh đầu vào”.

Không chỉ với tuyển sinh đào tạo dài hạn, việc mở lớp ngắn hạn hiện nay cũng là bài toán khó đối với các trường cao đẳng trong ngành. Các trường có mở ra một số chương trình phối hợp đào tạo với các doanh nghiệp như: Đào tạo nâng bậc cho công nhân, đào tạo lại… Nhưng thực tế, do điều kiện địa lý xa cách, các công ty điện lực thường chủ động đào tạo tại chỗ, do vậy, lượng CBCNV được gửi về trường ngày càng ít ỏi.

Một số tổng công ty đã có các trung tâm đào tạo riêng, thường tự tổ chức các khóa bồi huấn nội bộ, do vậy, các chương trình phối hợp giữa các trường với các doanh nghiệp cũng giảm đi đáng kể.

Trước phản ánh về tình hình khó khăn trong tuyển sinh, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các trường thuộc EVN tăng tính chủ động trong việc tuyển sinh, khai thác và phát huy các thế mạnh trong các lĩnh vực đào tạo như: Đào tạo nâng bậc, đào tạo kỹ năng nghề... Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành cũng cần hỗ trợ các trường trong việc tiếp cận công nghệ, trang thiết bị hiện đại cũng như phối hợp tổ chức thực tập cho học sinh của các trường. Công tác hợp tác đào tạo phải được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp để đạt hiệu quả tốt nhất.

Thực chất, việc các trường cao đẳng gặp khó trong tuyển sinh không chỉ là khó khăn đang nhìn thấy trước mắt của riêng các trường, mà nó sẽ dẫn đến hệ quả về nguồn nhân lực cho ngành Điện trong thời gian tới. Việc tuyển sinh thiếu và yếu sẽ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra. Do vậy, cần có chiến lược đào tạo bài bản để thu hút thí sinh khá, giỏi, đảm bảo đào tạo được nguồn nhân lực đủ mạnh. Đồng thời, các cấp quản lý cũng cần đưa ra hoạch định cụ thể về nhu cầu nhân lực trong tương lai, để theo đó các trường sẽ có sự điều chỉnh thích hợp về quy mô tuyển sinh đào tạo.

Năm 2014, nhiều trường cao đẳng trên cả nước gặp khó khăn trong tuyển sinh:

  • Trường CĐ Kỹ thuật công trình đô thị (Gia Lâm - Hà Nội) năm 2012 có trên 9.000 hồ sơ đăng ký dự thi; năm 2013 có trên 1.000 hồ sơ dự thi. Năm nay, trường chỉ có 685 hồ sơ dự thi, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lên tới 1.600.
  • Trường CĐ Công nghệ Hà Nội có 1.100 hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi chỉ 593 em, đạt 53,5%.
  • Năm 2014, Trường CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội có lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển là ở mức 1.272 hồ sơ, giảm 30% so với năm 2013.
  • Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn có chỉ tiêu là 1.900 nhưng số thí sinh dự tuyển vào trường chỉ có 312 thí sinh, đạt 16,42%.

(Nguồn số liệu: Vietnamnet)

 


  • 21/10/2014 09:36
  • M.Hạnh
  • 2641


Gửi nhận xét