Dồn sức đưa điện về nông thôn

Là người gốc Khmer, từng có thời gian “cùng ăn, cùng ở” với người dân từ ngày chưa có điện, hơn ai hết, ông Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, XII, XIII đánh giá cao vai trò của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đưa điện về vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, để tiếp tục đáp ứng kỳ vọng của cử tri trong thời gian tới, trách nhiệm không chỉ riêng ngành Điện. Dưới đây là trao đổi của phóng viên Tạp chí Điện lực với ông Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Ông Danh Út

TCĐL: Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong những năm qua?

Ông Danh Út: Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 99,85% số xã, phường, thị trấn và 98,88% số hộ dân được sử dụng điện. Có thể khẳng định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt là tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nếu như trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số chưa được sử dụng điện lưới quốc gia thì hiện nay về cơ bản đã được đáp ứng. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, đi đến đâu người dân đều có chung nhận xét, nhờ có điện sản xuất mới phát triển, từng bước đẩy lùi “cái đói, cái nghèo”. Cá nhân tôi cũng đã từng sống ở vùng nông thôn khi chưa có điện, nên tôi càng hiểu được giá trị của ánh sáng điện đối với đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ cung ứng điện cũng ngày càng được cải thiện. Đây là một kết quả đáng mừng và là một trong những lĩnh vực góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi. Tôi đánh giá cao nỗ lực của EVN trong việc đưa điện về miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Là thành viên của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, ông cho biết rõ hơn ý kiến của người dân đánh giá về EVN trong quá trình tiếp xúc cử tri?

Trước đây, không chỉ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà tại rất nhiều xã, huyện đảo của tỉnh Kiên Giang chỉ được cung cấp điện từ nguồn diesel với giá cao gấp 3 – 4 lần so với đất liền, hoặc bằng các nguồn điện tại chỗ như điện gió, điện mặt trời. Người dân cũng chỉ được sử dụng điện vài giờ mỗi ngày, với chất lượng không ổn định.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, EVN đã và đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh đưa điện lưới quốc gia không chỉ tới các vùng quê nghèo ở miền núi, vùng sâu mà còn thắp sáng vùng biển đảo của đất nước. Tỉnh Kiên Giang với đặc thù 17 xã đảo, nhưng hầu hết đã được sử dụng điện với chất lượng ổn định và liên tục, giá tương đương với giá đất liền.

Trước Kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIII, tôi đã có dịp làm việc tại nhiều xã, huyện đảo và phần lớn cử tri đều khẳng định, điện đã đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo tỉnh Kiên Giang; đặc biệt tại các huyện đảo như Phú Quốc, Kiên Hải. Bên cạnh đó, ở những vùng chưa có điện, rất nhiều cử tri cũng tiếp tục bày tỏ mong muốn được sử dụng điện lưới quốc gia với giá thành rẻ và ổn định, thậm chí còn khẳng định có điện là có tất cả. Bởi, điện là khởi nguồn cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...

Tuy nhiên, hành trình đưa điện về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn gặp rất nhiều khó khăn, thử thách! Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Đúng vậy! Tôi hiểu rằng, để đưa được điện lưới quốc gia đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo xa xôi của đất nước, EVN gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về vốn vì suất đầu tư lớn. Đó là chưa kể đến lợi nhuận. Mỗi dự án, công trình điện nông thôn, EVN có thể đầu tư hàng trăm, nghìn tỷ đồng, nhưng tiền điện thu được không đủ bù đắp chi phí. Như vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nếu EVN đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên, thì việc đưa điện về khu vực vùng sâu, vùng xa là điều bất khả thi.

Bên cạnh đó, khu vực nông thôn chưa có điện hiện nay hầu hết là những vùng đặc biệt khó khăn, người dân sinh sống rải rác từ 5 – 10 hộ gia đình, nhiều vùng còn xảy ra tình trạng di dân tự do, thiếu kết cấu hạ tầng, giao thông, kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu không có điện lưới quốc gia thì việc sử dụng điện từ nguồn diesel có chi phí khá cao và không ổn định. Thiết nghĩ, việc tiếp tục đưa điện về nông thôn, miền núi của EVN là thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho người dân mà còn rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Để lưới điện quốc gia phủ sóng vùng quê nghèo đòi hòi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Vậy theo ông, ngành Điện có thể đáp ứng được kỳ vọng của cử tri?

Để điện lưới quốc gia tiếp tục vươn xa, trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần tiếp tục vận động người dân nên sinh sống tập trung, gần khu vực trung tâm, thị trấn, thị tứ. Để làm được điều này phải mất nhiều thời gian và sự nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương và ngành Điện, cũng như sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Có như vậy, mới đảm bảo đưa điện đến được với đồng bào, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cụ thể hơn, trong 2 chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội đã thông qua giai đoạn 2016 – 2020 có khoảng 21 chương trình hợp phần, trong đó có chương trình điện lưới quốc gia cho vùng dân tộc thiểu số, biển đảo. Tôi tin rằng, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành Điện nói chung và EVN nói riêng sẽ thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình là đảm bảo đủ điện cho quá trình CNH- HĐH đất nước. Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tiếp  tục đưa điện về miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ điện khí hóa nông nghiệp nông thôn mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Xin cảm ơn ông! 


  • 01/06/2016 05:25
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 6558