Trạm biến áp 220 kV Hà Đông được giữ an toàn trong mưa lụt như thế nào?

Nhờ có sự chuẩn bị tốt trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những trận mưa lụt trước đó, nên đợt mưa lớn trong đêm 24/5 vừa qua, Trạm biến áp (TBA) 220kV Hà Đông đã hạn chế rất nhiều thiệt hại và đảm bảo cấp điện bình thường cho người dân thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trạm trưởng Trạm 220 kV Hà Đông cho biết, vào hồi 21h10’ ngày 24/5, trên địa bàn Hà Đông xảy ra mưa lớn, kéo dài gây nên tình trạng ngập úng tại TBA 220 kV Hà Đông và khu vực lân cận trạm. Theo thống kê của cơ quan thủy văn thì lượng mưa trung bình tại khu vực Hà Đông là 340 mm.

Cụ thể tại trạm Hà Đông, khu vực sân phân phối 220 kV và 110 kV nước ngập qua bề mặt tấm đan mương cáp khoảng 15 cm; khu vực thiết bị 35 kV nước ngập sát đáy tủ bộ truyền động dao cách ly, mực nước dâng cao nhất khoảng 60 cm cách mặt nền nhà điều khiển 110 kV khoảng 15 cm. Tại khu vực bố trí các tủ 22 kV nước dâng lên cách đáy tủ khoảng 10 cm, trong khi đó đường đi phía ngoài cổng trạm nước dâng lên khoảng từ 40-45 cm.

Dù mưa ngập nhưng TBA 220kV Hà Đông vận hành bình thường

Trước tình thế này, cán bộ kíp trực, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của TBA 220kV Hà Đông đã kịp thời báo cáo lãnh đạo truyền tải điện (TTĐ) Hà Nội, đồng thời triển khai phương án xử lý chống ngập, đảm bảo an toàn cho người và hệ thống máy móc thiết bị với phương châm 4 tại chỗ.

Lãnh đạo TTĐ Hà Nội cũng đã kịp thời phối hợp với lãnh đạo TBA 220 kV Hà Đông điều động những công nhân tại khu tập thể gần đó cùng ca trực tập trung chặn  không cho nước từ đường Quang Trung tràn vào trạm. Sau khi đã cách ly được nguồn nước, huy động chạy hết công suất của 02 trạm bơm; tổ chức lực lượng tuần tra quanh khu vực tường rào trạm theo dõi tình trạng thoát nước; bố trí lực lượng dọn dẹp rác tại các hố thu nước cho các trạm bơm; bố trí lực lượng trực theo dõi tình trạng mưa và tình trạng vận hành các máy bơm.

Theo báo cáo của trạm, đến khoảng 5h30’ ngày 25/5, cơ bản tình trạng ngập trong trạm đã được kiểm soát. Tuy nhiên kíp trực vẫn tiếp tục bơm nước cho đến khi cạn nước.

Theo ông Tô Thế Cường - Phó Giám đốc TTĐ Hà Nội người trực tiếp chỉ đạo công tác chống ngập đêm 24/5 nhận định: Tập thể cán bộ Trạm đã luôn nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của Trạm 220 kV Hà Đông đối với khu vực Hà Nội và vùng lân cận, cùng với sự chuẩn bị tốt các vật tư thiết bị và nỗ lực làm việc không mệt mỏi cả đêm 24/5 đến trưa ngày 25/5 nên các thiết bị phía 220 kV - 110 kV - 35 kV - 22 kV không bị ảnh hưởng và vận hành bình thường, hệ thống mạch điều khiển bảo vệ không bị chạm chập tại điểm nào.

Trạm được cách ly hoàn toàn, không bị ảnh hưởng bởi nước từ bên ngoài

Trong các năm 2008 và 2013, Trạm biến áp 220 kV Hà Đông đã bị ngập do mưa lụt, làm hỏng thiết bị và gây mất điện cục bộ nhiều khu vực trong thời gian dài. Trước tình hình đó, từ năm 2014 Ban lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 1 đã quyết tâm đầu tư cho công tác cải tạo, sửa chữa lớn, phòng chống lụt bão tại trạm Hà Đông.

Cụ thể, đơn vị đã thực hiện các hạng mục như các thiết bị phía 35kV được đầu tư thay mới nâng cao hơn trước; hơn 20 tủ đấu dây trung gian MK ngăn lộ 220 kV,110 kV được thay mới nâng cao đáy tủ lên, sắp xếp đấu nối lại cáp nhị thứ; toàn bộ cột xà bê tông phía 110 kV, 220 kV được thay bằng cột xà thép; đặc biệt là trong năm 2015 tại trạm Hà Đông đã hoàn thành công trình xây dựng hệ thống tường bê tông (dài gần 700m) bao quanh trạm, cùng với việc lắp bổ sung các 02 máy bơm 600 m3/h để chống ngập.

Có thể nói, qua đợt xử lý nhanh chóng sự cố ngập nước lần này tại trạm 220 kV Hà Đông là rất đáng ghi nhận. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai cho các trạm biến áp thuộc TTĐ Hà Nội nói riêng và của Công ty Truyền tải điện 1 nói chung. Đó là khi thiết kế, thi công xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp các trạm biến áp, các đơn vị cần tính toán đến phương án cấp thoát nước đồng bộ; đảm bảo dễ cách ly nước từ bên ngoài vào khu vực trạm; các khu vực có thiết bị cần đặt trên nền cao hạn chế việc ngập nước; đặc biệt là cần xây dựng kỹ các phương án ngập có thể xảy ra, đồng thời chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị vật tư, thông tin liên lạc...kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố theo phương châm 4 tại chỗ.


  • 29/05/2016 09:58
  • Theo baocongthuong.com.vn
  • 8817