Xây dựng văn hóa học tập: Đâu là yếu tố quyết định?

Xây dựng văn hóa học tập trong doanh nghiệp là giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, làm thế nào để việc học tập thu được kết quả tốt nhất lại là vấn đề cần bàn. Cùng lắng nghe chia sẻ của một số CBCNV các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xung quanh chủ đề này.

PV: Theo anh/chị, văn hóa học tập có vai trò quan trọng như thế nào đối với mỗi doanh nghiệp?

Anh Nguyễn Sơn Hà, công nhân Đội truyền tải điện Như Xuân, Truyền tải điện Thanh Hóa, Công ty Truyền tải điện 1: Tôi tin rằng việc học tập liên tục giống như dòng máu tuần hoàn trong cơ thể của mỗi người. Đối với một doanh nghiệp, văn hóa học tập là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp có thể phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả, ổn định với chất lượng ngày càng cao, từ đó DN sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, thu nhập của người lao động cũng tăng lên.

Chị Dương Bích Nguyên, nhân viên văn thư, Văn phòng Công ty Điện lực Bạc Liêu: Xây dựng văn hóa học tập trong doanh nghiệp là tạo sự gắn bó giữa CBCNV với doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Thực tế đã cho thấy, điều mọi người đều  quan tâm khi làm việc là thu được những gì từ doanh nghiệp sau những cố gắng bỏ ra và tương lai của họ sẽ ra sao? Đặc biệt, doanh nghiệp rất khó níu giữ chân một người tài nếu ở đó không phải là nơi để họ có thể học tập, vươn lên.

Anh Trần Kim Lực, Công nhân Đội quản lý ĐZ và TBA, Điện lực Hiệp Đức, Công ty Điện lực Quảng Nam: Xây dựng văn hóa học tập trong doanh nghiệp sẽ góp phần trang bị kiến thức và kỹ năng cho nhân viên, từ đó tăng hiệu suất làm việc; giúp nhân viên phát huy hết năng lực của mình, tăng khả năng thích ứng trước sự biến động của thị trường. Bên cạnh đó, nhờ có học tập, trau dồi kiến thức, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sẽ ra đời trong quá trình nghiên cứu, trau dồi từ thực tiễn sản xuất.

PV: Anh/chị đánh giá như thế nào về thói quen tự học tập của bản thân? Và đâu là hình thức tự học tập mà anh/chị yêu thích nhất?

Anh Nguyễn Sơn Hà: Do công việc bận rộn, ngoài những khóa đào tạo thường niên do đơn vị tổ chức, tôi cũng chỉ dành được ít thời gian lên Internet tìm tài liệu và tự học. Điểm lợi của phương pháp tự học tập này là tôi có thể chủ động tìm hiểu về vấn đề mà tôi quan tâm. Tuy nhiên, ngành Điện là một ngành có công nghệ đặc thù, phức tạp, vì vậy tìm kiếm được những tài liệu chuyên sâu cũng khó khăn.

Chị Dương Bích Nguyên: Bản thân tôi có thói quen học tập qua sách, tôi thường tự mua cho mình những cuốn sách chuyên ngành mà tôi yêu thích để trau dồi thêm kiến thức. Bên cạnh đó, đối với bản thân tôi, việc học tập thực tế từ chính những đồng nghiệp bên cạnh mình hằng ngày là rất quan trọng vì cách học tập này vừa gần gũi lại rất sát với công việc mình đang làm.

Anh Trần Kim Lực: Tôi yêu thích phương pháp học tập theo nhóm và các hình thức học tập trực tuyến. Trước đây, khi các hình thức học tập trực tuyến chưa phát triển như hiện nay, khả năng tự học của bản thân tôi cũng bị hạn chế. Hiện tại, với những nền tảng và sự phát triển của công nghệ, việc tự học trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với ngành Điện, không phải kiến thức nào học theo phương pháp trực tuyến cũng hiệu quả. Với những kiến thức về thực hành, tôi lại mong muốn được học tập theo nhóm để có cơ hội học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp khác.

PV: Vậy theo anh/chị, đâu là yếu tố quan trọng khi xây dựng văn hóa tự học tập tại đơn vị?

Anh Nguyễn Sơn Hà: Văn hóa doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa của những người lãnh đạo, quản lý. Bản thân người lãnh đạo, quản lý, nếu thường xuyên trau dồi kiến thức cho bản thân, luôn tự học tập và truyền được tinh thần này cho tất cả nhân viên của mình, văn hóa tự học tập tại đơn vị đó sẽ phát triển. Bên cạnh đó, bằng việc chia sẻ những phương pháp học tập, những câu chuyện hay liên quan đến học tập, người lãnh đạo, quản lý, có thể khơi dậy được tinh thần tự học cho nhân viên của mình.

Chị Dương Bích Nguyên: Hiện nay, thành tựu KHCN đã cho phép mọi người có quyền được học tập ở mọi lúc, mọi nơi. Các nền tảng học trực tuyến cũng nở rộ và đa dạng hơn nhiều. Điều quan trọng là mức độ phù hợp cũng như tiện ích mà các nền tảng này mang lại. Ví dụ, hiện nay, Tập đoàn cũng đã áp dụng học tập trên nền tảng E-learning. Tuy số lượng bài giảng còn hạn chế, nhưng cũng đã phần nào có thêm một kênh học tập, giúp mọi người có thể học mọi lúc, mọi nơi. Yếu tố còn lại chính là phát triển nền tảng này một cách đa dạng và phong phú hơn để đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của CBCNV trong Tập đoàn.

Anh Trần Kim Lực: Để xây dựng văn hóa học tập, theo tôi cần chú ý tới 3 yếu tố sau:

1. Cơ hội học tập: Nhân viên phải được lựa chọn tiếp cận những khóa học, kiến thức mong muốn, liên quan trực tiếp tới công việc, chuyên môn và không nên ép buộc theo kiểu học càng nhiều càng tốt.

2. Khả năng học tập: Nhân viên không chỉ cần học nội dung mà còn cần được đào tạo về cách học tập. Có như vậy, chúng tôi mới có thể tự mình biết cách thích nghi và tiếp cận với kiến thức mới, tiếp cận tốt hơn với công nghệ hiện đại.

3. Môi trường học tập: Nhân viên luôn mong muốn được tham gia vào một “lớp học” mà trong đó, các đồng nghiệp cùng nhau chia sẻ văn hoá học tập, động viên tinh thần và có tính cạnh tranh với nhau nhiều hơn.


  • 18/05/2021 04:33
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập.
  • 1176