Lãnh đạo trẻ - Nhân viên lớn tuổi: Có khó khăn khi làm việc?

Lãnh đạo trẻ nghĩ gì về vai trò của mình? Nhân viên lớn tuổi nhìn nhận thế nào khi làm việc với "sếp" trẻ? Trong quá trình làm việc họ có gặp khó khăn gì? Hãy cùng lắng nghe ý kiến của một số CBCNV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xung quanh vấn đề này!

Thuận lợi - khó khăn luôn song hành

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng (sinh năm 1987), Phó Ban Kiểm soát nội bộ, Tổng công ty Điện lực miền Bắc:  Tôi được bổ nhiệm Phó Ban từ tháng 01/2019, lúc tôi thuộc diện trẻ của Ban. Khó khăn lớn nhất của tôi là chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, còn thiếu kinh nghiệm cả trong nghề nghiệp và trong ứng xử đối với các mối quan hệ xã hội. Bù lại, tôi có được những ưu thế của lớp trẻ, đó là sức trẻ, thích đổi mới, năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngoài ra, tôi còn nhận được sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo cấp trên và sự ủng hộ, chia sẻ, khích lệ của gia đình, đồng nghiệp.

Chị Lê Ngọc Trang (sinh năm 1991) - Phó Trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự, Tổng công ty Phát điện 1: Tôi được bổ nhiệm Phó phòng năm 28 tuổi. Tôi nghĩ, đó thực sự là một áp lực đối với tôi ở độ tuổi này. Tôi luôn tự nhủ: “Vạn sự khởi đầu nan”, mình có thể chưa làm tốt trong khoảng thời gian đầu, nhưng sẽ quen dần với áp lực và sẽ phát huy được hiệu quả trong quản lý. Tôi cũng biết rõ, mình có thuận lợi là còn rất trẻ, có góc nhìn đa chiều, dễ tiếp thu những cái mới và cũng không ngại những va chạm, thích được trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm.

Tuổi tác của “sếp” liệu có là rào cản?

Anh Nguyễn Sơn Hà (sinh năm 1979), công nhân Đội Truyền tải điện Như Xuân, Truyền tải điện Thanh Hóa, Công ty Truyền tải điện 1: Tuổi tác chỉ là một con số, hoàn toàn không quan trọng, miễn là bạn có khả năng quản lý tốt, mang đến niềm đam mê, động lực thúc đẩy hoàn thành công việc cho cả nhóm và đơn vị. Hãy cùng cố gắng, nỗ lực làm việc, góp phần vào sự phát triển chung, bạn sẽ thấy tuổi tác không còn đóng vai trò quyết định .

Chị Đinh Như Thủy Tiên (sinh năm 1975), Chuyên viên Văn phòng Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa: Định kiến về tuổi tác là một sai lầm. Trước đây, trong trí tưởng tượng của mọi người, sếp luôn là mẫu người lớn tuổi, điềm đạm, giỏi giang (tất nhiên) và từng trải… Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều khi bạn phải làm việc dưới quyền các sếp trẻ hơn mình, thậm chí trẻ hơn rất nhiều. Do công nghệ phát triển, xu thế người trẻ làm sếp ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc người lớn tuổi làm việc "dưới trướng" sếp trẻ hơn mình cũng ngày càng nhiều. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

"Sếp trẻ" - Nhân viên lớn tuổi:  Làm sao dung hòa?

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng: Để mang lại hiệu quả trong công việc và nhận được sự đồng thuận của các anh/chị lớn tuổi cùng làm việc, tôi luôn lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo. Bên cạnh đó, cần bám sát tiến độ công việc được giao; minh bạch, công khai kết quả trong đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhân viên; công bằng trong khen thưởng... Đặc biệt, tôi nghĩ các “sếp trẻ” nên thân thiện, cởi mở và cần hiểu tâm lý những người lớn tuổi, từ đó, có cách ứng xử phù hợp, hài hoà.

Chị Lê Ngọc Trang: “Sếp trẻ” hãy suy nghĩ như một huấn luyện viên, một người không thể làm thay cho tất cả các thành viên trong phòng của mình, nhưng cần phải biết đào tạo, thực hành, theo dõi, huấn luyện để các thành viên trong nhóm đều thuần thục, có kỹ năng tốt khi làm việc. Theo tôi, phát triển đồng nghiệp mới là phương châm người quản lý cần thực hiện, đảm bảo sẽ thu được những thành công sau này.

Bên cạnh đó, không phải nhân viên lớn tuổi nào cũng giỏi, nhưng họ có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Nhà quản lý là người phải nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên và tạo cơ hội cho họ phát triển ưu điểm và khắc phục nhược điểm. Đồng thời, phải biết tôn trọng cấp dưới. Bạn thật sự trở thành người quản lý giỏi khi tạo điều kiện cho những người dưới quyền thể hiện được năng lực, đồng thời động viên, khuyến khích họ tỏa sáng, cùng hành động vì mục tiêu chung của tập thể.

Chị Đinh Như Thủy Tiên: Không linh hoạt, không nỗ lực thích nghi với điều kiện thực tế chỉ làm cho mọi người nghĩ bạn là kẻ cứng đầu và lỗi thời. Thay vào đó, hãy cố gắng thay đổi bản thân sao cho phù hợp với phong cách quản lý của "sếp". Ngoài ra, bạn cũng có thể học hỏi từ "sếp" những kiến thức, phong cách làm việc mới, thông qua đó, bạn có thể nâng vai trò của mình lên một tầm cao mới. Chắc chắn, với kinh nghiệm và thái độ làm việc nghiêm chỉnh, bạn sẽ có những bước tiến vững chắc cho tương lai, nhanh chóng tạo được mối quan hệ hòa hợp với "sếp".

Anh Nguyễn Sơn Hà: Theo tôi, cả bạn và "sếp" cùng hướng tới một mục tiêu chung, đó là tích cực làm việc; xây dựng, phát triển bộ phận của bạn sao cho đạt được kết quả tốt nhất, vì vậy, bạn hãy bỏ qua những “cấn cá” về tuổi tác để cùng chung tay thực hiện mục tiêu. Việc cần làm là tập trung vào kế hoạch của đội - nhóm, đưa ra những giải pháp, phù hợp, sáng tạo để thực hiện kế hoạch đó đạt mục tiêu đề ra. Khi bạn thực sự tập trung vào công việc, bạn sẽ đạt được những thành quả không ngờ và rút ra bài học kinh nghiệm quý giá.


  • 23/08/2019 09:00
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3695