Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Điện lực Lâm Đồng: Bắt đầu từ… lời chào

Tục ngữ Việt Nam có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” là mong muốn mỗi người Việt Nam luôn ghi nhớ và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ “lời chào”. Ðây cũng được coi là yếu tố đầu tiên, quan trọng trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Công ty Ðiện lực Lâm Ðồng (PC Lâm Ðồng).

Bắt đầu từ câu chuyện nhỏ…

Một lần, đến làm việc tại một công ty, bước vào phòng, tôi cất tiếng chào “Em chào cả phòng ạ!” 1-2-3 giây… một vài người ngẩng đầu lên nhìn, rồi lại cúi xuống và tiếp tục công việc. Không để lời chào của mình rơi vào hư vô, tôi cười và cất tiếng chào to hơn: “Cả phòng chào em!”…. Lúc này mọi người mới “Ồ” lên vui vẻ. Câu chuyện giữa chủ nhà và khách bỗng trở nên sôi động và thân thiện bất ngờ. Sau vài câu giới thiệu xã giao, chúng tôi bước vào trao đổi công việc rất thoải mái với một tâm trạng vui vẻ, cởi mở.

Có thể nói, giá trị văn hóa của lời chào luôn được coi trọng, dần dần được nâng lên thành nghệ thuật trong giao tiếp và có những nguyên tắc bất thành văn như, nam chào nữ trước, cấp dưới chào cấp trên, trẻ chào già trước, người đến sau chào người đến trước, người từ ngoài vào chào người ở trong phòng... Việc chào hỏi được xem như một nghi thức đầu tiên trong mối quan hệ giao tiếp, giữa  cấp dưới với cấp trên, với đối tác, khách hàng, với đồng nghiệp… Hình thức thể hiện và thái độ chào hỏi phải phù hợp với tuổi tác, chức vụ, môi trường công tác và tùy những mối quan hệ cụ thể, song phải tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức.

Đây cũng là lý do để việc chào hỏi được xem là tiêu chí đầu tiên trong quá trình xây dựng văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp của PC Lâm Đồng nói riêng. “Lời chào” là nét văn hóa giao tiếp đầu tiên nơi công sở, tạo sự thân thiện, hòa nhã, ứng xử chuyên nghiệp, văn minh lịch sự giữa người và người.

…Ðến xây dựng văn hóa giao tiếp hàng ngày

Lãnh đạo Công ty Điện lực Lâm Đồng rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Từ việc xây dựng Bộ tài liệu Văn hóa doanh nghiệp và quy tắc ứng xử của CBCNV trong đơn vị đến việc đào tạo và chấn chỉnh đội ngũ nhân viên “Giao tiếp với khách hàng”. Chính đội ngũ nhân viên Giao tiếp khách hàng là đại diện của Công ty Điện lực Lâm Đồng, thể hiện những giá trị văn hóa của Công ty.

Thái độ chuẩn mực có văn hóa của CBCNV đối với khách hàng có thể mang lại lợi ích rất lớn cho Công ty. Khi khách đến liên hệ công việc, đầu tiên là lời chào hỏi ân cần và cách xưng hô chuẩn mực của người tiếp khách sẽ ghi điểm trong mắt khách hàng. Sau màn chào hỏi xã giao, chúng ta có thể hỏi: Thưa chú/bác/cô/anh… đến liên hệ việc gì? Cần giải quyết vấn đề gì ạ?... Nếu có đông khách hàng đến giao dịch, chúng ta thể mời khách uống nước và ngồi chờ giải quyết công việc theo tuần tự.

Hàng ngày, mỗi nhân viên PC Lâm Đồng luôn coi lời chào hỏi nhau như một sự quan tâm dành cho đồng nghiệp. Buổi sáng gặp nhau ở công sở nhất thiết phải chào nhau. Sau ngày lễ, sau chuyến đi công tác xa về, kèm theo lời chào còn là những cái bắt tay, lời thăm hỏi. Gặp nhau ở hành lang, chúng tôi cũng chào hỏi nhau, thay vì cúi mặt hoặc nhìn đi chỗ khác. Câu chào hỏi có thể muôn hình, muôn vẻ và được biến tấu linh hoạt trong từng hoàn cảnh cụ thể, sao cho người đối diện có thể dễ dàng tiếp nhận và coi đó là thành ý: "Anh/chị khoẻ không ?"; "Thời tiết hôm nay nóng/lạnh quá anh/chị nhỉ?"...

Có thể nói, lời chào hỏi chính là cách gây thiện cảm với mọi người trong cơ quan, đặc biệt là khi đi kèm với một nụ cười thân thiện thì sức mạnh của lời chào càng được nhân lên. Đây cũng chính là gốc rễ để có một doanh nghiệp đoàn kết cũng như xây dựng được một nét văn hóa đẹp. Bởi việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải chỉ thực hiện trong ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình, liên tục, được vun đắp từ những việc làm đơn giản, tưởng như nhỏ bé hàng ngày.

Sau nhiều năm triển khai xây dựng và thực thi Văn hóa doanh nghiệp, PC Lâm Đồng đã giúp cho CBCNV đơn vị nâng cao nhận thức về Văn hóa doanh nghiệp EVN, Văn hóa doanh nghiệp PC Lâm Đồng; định hướng việc chuẩn hóa các hành vi ứng xử trong giao tiếp, hướng tới hình ảnh thân thiện, cởi mở, tốt đẹp hơn với khách hàng và đồng nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao lòng yêu nghề, niềm tự hào của CBCNV đối với đơn vị và nâng cao vị thế của doanh nghiệp.


  • 24/04/2016 04:51
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1176