Chuyện về Tòa tháp đôi EVN: Vùng đất “địa linh nhân kiệt”

Trong bài viết “Chuyện về tòa tháp đôi EVN và vùng đất A10 “Ðịa linh nhân kiệt” đăng trên Tạp chí Ðiện lực tháng 1/2016, tác giả Trần Nguyên Hợi đã đề cập đến vấn đề địa linh tại A10 lịch sử. Nhưng “địa linh” có thực sự sinh “nhân kiệt”?

Nói đến “nhân kiệt” của mảnh đất này, không thể không nhắc tới ông Vũ Đình Bông. Từ một trí thức Việt Kiều yêu nước, khi du học ở Pháp, ông Vũ Đình Bông đã tham gia phong trào sinh viên đấu tranh đòi dân chủ, bình đẳng, bác ái và tham gia Đảng cộng sản Pháp. Sau 6 năm học tập, ông đã tình nguyện trở về Việt Nam trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở trong giai đoạn quyết định: Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) chuẩn bị kết thúc.

Tháng 10/1954, ông Vũ Đình Bông là thành viên trong Ban tiếp quản Nhà máy điện Yên Phụ (A10). Ông là một trong những kỹ sư đầu tiên sau du học về công tác trong ngành Điện và cũng là người kỹ sư đầu tiên của ngành Điện được vinh dự đón Bác Hồ về thăm ngày 21/12/1954. Trong hồi ký của mình, ông đã viết: Hồi tưởng lại những giây phút ngắn ngủi được gặp Bác, đó là niềm vui vô hạn đối với tôi, một Việt kiều mới về nước mà đã được tin cẩn giao phó đảm nhiệm một phần trọng trách trong việc tiếp quản nhà máy điện. Cũng như biết bao Việt kiều và trí thức có ước mong được gặp Bác, riêng tôi đã được may mắn thưa chuyện với Bác trong quang cảnh đang thực hiện nhiệm vụ giữ vững sản xuất dòng điện. Ký ức đầy hân hoan ấy mãi mãi không phai mờ trong tâm trí tôi và là nguồn cổ vũ động viên tôi tận tụy công tác.

Với nguồn động viên lớn lao đó, ông tiếp tục quá trình dài cống hiến cho ngành Điện, cho đất nước, kinh qua nhiều trọng trách: Giám đốc Nhà máy điện Yên Phụ, Giám đốc Nhà máy Điện cọc 5 Quảng Ninh, Cục phó Cục Điện lực (Bộ Công nghiệp nặng), Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật Bộ Điện Than… Ông đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Trở lại với câu chuyện A10, khi mới tiếp quản, Nhà máy có nhiều khó khăn bề bộn. Thiết bị, lò, máy cũ kỹ, lạc hậu; nội bộ chưa có “tiếng nói chung”. Anh em ở chiến khu  về còn nhiều bỡ ngỡ, một số người trước kia có tham gia đảng phái chống đối hoặc cá biệt có những nhân vật của Pháp cài lại, không tránh khỏi có những gièm pha, mặc cảm... Trong bối cảnh đó, Công đoàn đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận động, phân hóa, chọn lựa, giới thiệu những “cốt cán” điển hình cho Cách mạng. Ông Trấn Nam, ông Nguyễn Văn Bén, ông Lê Quang Minh… là những cán bộ công đoàn “nằm vùng” đã phối hợp với các ông Nguyễn Trọng Luật (Thường trực Đảng ủy), Vũ Hạnh (Trưởng ban Tiếp quản Nhà máy Điện), Vũ Đình Bông… tiến hành công tác ổn định tư tưởng nội bộ.

Cũng tại thời điểm này, lại nẩy sinh một số khó khăn mới trong  sản xuất điện: Than xấu, lò cháy kém, bụi bẩn, tiếng ồn… Máy kéo ghi, trục tuốc tô, nút tăm pông lò hơi bị mòn, hở… gây nhiều trục trặc. Tua bin số 2 bị cong trục, cánh tĩnh của tua bin kẹt rỉ, không thể khắc phục một sớm một chiều… Công đoàn đã vận động những quản đốc, công nhân có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, vận hành, các thợ đầu đàn hiến kế khắc phục.

Anh hùng lao động Mai Tinh Kang. Nguồn ảnh: Trần Nguyên Hợi

Ông Hồ Chấn, một trong những cán bộ từ kháng chiến về - một chuyên gia giỏi về cơ khí, chế tạo, đã phối hợp với ông Mai Tinh Kang, thợ cơ khí “đầu đàn” tiến hành tìm các giải pháp khắc phục. Ông Mai Tinh Kang đã đề xuất chế tạo một dao tiện đặc biệt, đưa máy tiện lên kề sát cánh tĩnh tua bin lựa chiều cắt gọt, cuối cùng đã đưa được cánh tĩnh ra sửa chữa. Mặt khác, ông Hồ Chấn đưa ra phương án nắn trục tua bin bằng nguồn điện sẵn có tại gian máy và đã  thu được kết quả tốt đẹp.

Về lò, than đốt hao tổn quá lớn, ông Hà Tấn Lạng - Quản đốc Nhà Lò đã đề xuất và phối hợp với ông Mai Tinh Kang chế tạo một máy sàng than xỉ. Máy này đã tận dụng phần than chưa cháy hết đưa vào máy sàng lại rồi trộn với than chưa sử dụng theo tỷ lệ nhất định, sau đó  đưa vào lò. Kết quả đã giảm được hệ số sử dụng than từ 1,4 kg/kWh xuống còn 0,85 kg/kWh.

Thành công này đã được cấp trên kịp thời khen thưởng ông Hồ Chấn; ông Mai Tinh Kang được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động; ông Hà Tấn Lạng sau này được bổ nhiệm làm giám đốc Nhà máy điện Lạng Sơn; ông Trấn Nam về làm Trưởng ban thi đua Thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Trọng Luật làm Giám đốc Nhà máy điện Lào Cai; ông Vũ Hạnh làm Giám đốc Nhà máy điện Hà Nội... Ở giai đoạn này, ông Phạm Khai được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy (Nhà máy Điện Hà nội) và đặt Văn phòng Đảng ủy tại Xưởng Phát điện Yên Phụ.

Tháng 7/1962, Bộ Công nghiệp ra quyết định tách Nhà máy điện Hà Nội thành 2 đơn vị sản xuất và cung cấp điện độc lập; bổ nhiệm ông Phạm Khai làm Giám đốc Sở Cung cấp Điện Hà Nội (năm 1969, ông là Giám đốc Công ty Điện lực; tháng 11 năm 1981, là Bộ trưởng Bộ Điện lực). Ông Lê Chí Thành nguyên Phó giám đốc kinh doanh (Nhà máy Điện Hà Nội) về làm Giám đốc Nhà máy điện Yên Phụ. Ông Tạ Đăng Siêu, nguyên Thư ký Công đoàn (Nhà máy điện Hà Nội) về Nhà máy điện Yên Phụ làm Bí thư Đảng Ủy. Ông Vũ Hạnh lên làm Viện trưởng Viện Thiết kế điện. Những người con ưu tú của ngành Điện còn đảm nhiệm nhiều vị trí trọng yếu khác, đồng thời còn nhiều nhân tài khác trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng.

Từ đó, có thể khẳng định, tại “cái nôi” Nhà máy điện Yên Phụ, vùng đất A10 lịch sử, nhiều nhân tài đã trưởng thành, tài đức vẹn toàn, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn cống hiến hết mình cho ngành Điện và sự phát triển của đất nước.


  • 23/04/2016 05:17
  • Nguồn:Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1863