Văn hóa - yếu tố quyết định doanh nghiệp chuyển đổi số thành công

“Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”. Định nghĩa trên của sách “Cẩm nang Chuyển đổi số” do Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu được bản chất và quá trình phát triển của chuyển đổi số từ yếu tố đến hệ thống, từ làm việc đến lối sống, từ cá nhân đến tổ chức và xã hội.

1. Các yếu tố quyết định sự thành công chuyển đổi số của doanh nghiệp

Thể chế, chính sách và chiến lược phát triển nước ta đều thúc đẩy, hỗ trợ công việc chuyển đổi số các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Công việc và cuộc sống sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch COVID -19 đã cho chúng ta thấy chuyển đổi số là xu thế khách quan theo một quy luật mới “cá nhanh nuốt cá chậm”.

Về phía DN, sự thành công trong chuyển đối số phụ thuộc vào các yếu tố chính: (1) Tư duy, năng lực lãnh đạo của DN, trước hết là người đứng đầu, (2) Nguồn nhân lực, (3) Quy trình và thể chế quản trị, (4) Công nghệ. Có quan điểm khác bổ sung thêm hai yếu tố Chiến lược kinh doanh và Văn hóa doanh nghiệp (VHDN)… Dù có tách ra thành một yếu tố riêng hay không thì VHDN vẫn có vai trò là nền tảng và yếu tố chung chi phối các yếu tố kể trên trong quá trình chuyển đổi số của DN.

2. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là tài sản vô hình của tổ chức

Có quan điểm cho rằng VHDN là tài sản vô hình, là tổng thể các yếu tố tinh thần của DN, phân biệt với yếu tố vật chất hay vật thể. Theo tôi, giống như văn hóa (nói chung) được phân loại thành văn hóa vật thể và phi vật thể, VHDN cũng có các sản phẩm, giá trị vật thể và phi vật thể của nó và thường là “2 trong 1”. Các DN xuất sắc đã thành công đưa yếu tố tinh thần vào trong các sản phẩm hữu hình và vật thể của nó tạo nên các sản phẩm có hồn, có bản sắc khác biệt, tạo nên sức mạnh thương hiệu của họ. Quan sát, trải nghiệm các sản phẩm của Apple như Ipod, Iphone, Macbook, Ipad… chúng ta đều thấy chúng có một chất lượng và phong cách thiết kế chung nhưng lại khác biệt so với sản phẩm cùng loại của các hãng khác. Các quy định, chi phối sự khác biệt và thành công trong hệ sinh thái sản phẩm của Apple là do VHDN của nó. Mặt khác, nhìn vào các sản phẩm và kết quả kinh doanh của Apple, chúng ta có cơ sở để kết luận DN này có VHDN mạnh.

Quan điểm cho rằng VHDN chính là “thói quen” của DN cũng là cách nhìn đơn giản và phiến diện. Vì sâu xa hơn, VHDN còn thể hiện sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi của DN. Có một quan điểm khác cũng cần xem xét, đó là: Không có VHDN đúng hay sai, chỉ có văn hóa phù hợp hay không phù hợp (!?). Chúng ta đã thừa nhận văn hóa được định hướng và đánh giá theo một hệ thống chuẩn mực chân - thiện - mỹ. Chuẩn mực, tiêu chuẩn đánh giá đầu tiên của VHDN là “chân”, tức là phải đúng, gồm các tiêu chí: đúng sự thật, đúng đạo đức và đúng pháp luật…Trái với nó đương nhiên là cái sai. Vì vậy, có thể thấy, VHDN gồm toàn bộ nhận thức, tư tưởng, hành động, hành vi và thói quen cùng các sản phẩm và giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể mà DN tạo ra trong quá trình làm việc và trong đời sống cộng đồng, hình thành nên phong cách, sự khác biệt.

Ảnh minh họa

3. VHDN - một  trong những yếu tố quyết định sự thành công 

Một là, VHDN tạo nên tâm thế và môi trường làm việc quy định sự thuận lợi hoặc khó khăn đối với sự chuyển đổi số của DN. Khó khăn lớn nhất với quá trình thay đổi mang tính cách mạng của chuyển đổi số (CĐS) là sự thay đổi về nhận thức, về đổi mới tư duy và thói quen của các chủ thể. VHDN có chức năng tạo môi trường làm việc nhân văn, định hướng theo 3 giá trị chân - thiện - mỹ sẽ khuyến khích sự đổi mới, kiến tạo cái mới như CĐS. Bầu không khí tâm lý, lối ứng xử và môi trường làm việc nội bộ ủng hộ tâm thế tích cực, thái độ dám thay đổi tư duy, thói quen để chủ động chấp nhận và thực hiện chuyển đổi số. Mặt khác, sự thay đổi cách mạng như CĐS vẫn cần giữ lại cái bản sắc văn hóa của mình, thường được ghi nhận trong sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của VHDN.

Hai là, VHDN là nền tảng của xây dựng thể chế quản lý và chiến lược phát triển của DN, nhất là chiến lược chuyển đổi số. Xây dựng chiến lược, chính sách phát triển hay hoàn thiện thể chế quản trị một cách khoa học đều phải căn cứ vào VHDN, trọng tâm là bộ 3: sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi. CĐS là một vấn đề chiến lược nên quá trình hoạch định, thực hiện và kiểm soát chiến lược về nó của DN cần phải căn cứ vào hệ thống VHDN mà thực hiện. Các DN có văn hóa sáng tạo mạnh như FPT, Viettel, Vingroup…đều rất coi trọng truyền thống văn hóa của mình. VHDN vừa là bệ đỡ, vừa là nguồn lực nội sinh để tiếp sức, truyền cảm hứng thực hiện chiến lược và tầm nhìn của mình.

Ba là, VHDN định chuẩn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thành tích xuất sắc, tạo động lực, hỗ trợ chuyển đổi số thành công và ngược lại CĐS mở rộng việc chia sẻ, truyền bá VHDN. Đây là các vai trò cụ thể của VHDN trong quá trình thực hiện kế hoạch, chiến lược CĐS của DN. CĐS là một hiện thực mới, mô hình kinh doanh mới hoạt động và biến đổi rất nhanh khiến luật pháp, quy chế quản lý ở cả cấp vĩ mô và vi mô thường không theo kịp, chưa kịp sửa đổi hoặc làm mới để phù hợp với nó. VHDN là một loại nguồn lực và công cụ quản lý “văn trị/đức trị” có khả năng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, làm trụ cột và hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho quản trị. Mặt khác, CĐS thành công, DN sẽ có thêm nhiều kênh, nhiều cách thức truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức về VHDN; việc tôn vinh các cá nhân, tổ chức xuất sắc bằng các nền tảng số sẽ nhanh, thuận tiện và chính xác với chi phí rất thấp nhưng hiệu quả cao…

Bốn là, VHDN là hệ tiêu chí đánh giá các cá nhân, tổ chức theo các tiêu chí dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, nhân văn, nghĩa tình, phù hợp với các nền tảng của chuyền đổi số và kiến tạo nền văn hóa số. Sự gương mẫu, làm gương của người đứng đầu, các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong công việc và đời sống là một nguyên nhân quan trọng cho CĐS của DN thành công.

Tài liệu Văn hóa EVN đã khẳng định “Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý của EVN phải là tấm gương phản chiếu các giá trị văn hóa EVN gồm phẩm chất đạo đức, ứng xử, phong cách làm việc, tinh thần học hỏi”. Nhìn bao quát hơn, chính con người và văn hóa của họ là nhân tố quyết định sự thành bại của quá trình CĐS. Người đứng đầu, cấp ủy, các cán bộ lãnh đạo, quản lý trong DN chuyển đổi số cần thấu triệt phương châm/triết lý: “Khách hàng là trung tâm, nhân viên là tài sản quý giá nhất của DN và thực hành một cách tin tưởng, thống nhất và thực chất”.

Nhân viên vừa là chủ thể vừa là đối tượng quan trọng nhất của CĐS. Muốn tạo động lực cho nhân viên và DN thì trong quản trị nguồn nhân lực cần coi trọng công việc đào tạo, phát triển, đánh giá và ứng xử, đãi ngộ với nhân sự, nhân tài theo các tiêu chí công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, nhân văn, nghĩa tình, phù hợp với VHDN thời kỳ CĐS. Đây chính là các đặc tính của nền kinh tế số, DN số, xã hội số mà VHDN cần thích ứng và tiến hóa cho phù hợp.

Tóm lại, CĐS doanh nghiệp muốn thành công cần sử dụng, phát huy được sức mạnh của con người, thể chế và công nghệ dựa trên nền tảng của hệ điều hành của VHDN. 


  • 06/10/2022 02:54
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực
  • 1165