Nhà máy điện Vinh: Những năm tháng không thể quên

Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, nhưng ký ức về thành quả khôi phục Nhà máy điện Vinh sau chiến tranh chống Mỹ vẫn là câu chuyện mà lớp lớp cán bộ, công nhân trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh kể lại cho thế hệ sau.

Mảnh đất hứng chịu 2.319 quả bom

Che chắn, bảo vệ máy móc, con người ở Nhà máy điện Vinh (1966).

Ngày 1/1/1957, Nhà máy điện Vinh được khởi công xây dựng với sự giúp đỡ to lớn của các chuyên gia Liên xô (cũ), sự lao động hết mình của đội ngũ công nhân Việt Nam. Sau 2 năm xây dựng, Nhà máy đã hoàn thành và đi vào hoạt động, cung cấp điện phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và quốc phòng cũng như đời sống nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Suốt 10 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Nhà máy điện Vinh là một trong những mục tiêu bị đánh phá ác liệt nhất. Kẻ thù đã đánh vào nhà máy hơn 300 lượt, ném xuống khu vực nhà máy hơn 2.319 quả bom các loại, 147 quả tên lửa...

Xúc động nhớ lại thời khắc ngày 4/6/1965, ông Nguyễn Hữu Sinh - Nguyên Trưởng phòng Hành chính - Quản trị Nhà máy điện Vinh không cầm được nước mắt: “Khoảng 10 giờ sáng ngày hôm đó, giặc Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay ném bom ồ ạt trút xuống Nhà máy điện Vinh, nhiều thiết bị, máy móc hư hỏng nặng. Máy bay vừa rút, cán bộ, công nhân viên lập tức lao vào Nhà máy, khẩn trương kiểm tra, thu dọn, sửa chữa thiết bị hư hỏng. Tuy nhiên, 14h chiều cùng ngày, máy bay địch Mỹ quay trở lại, ném bom xối xả... 8 cán bộ, công nhân đã hy sinh ngay tại vị trí làm việc, tay vẫn cầm dụng cụ thao tác, nhiều người khác bị thương”.

Bom đạn Mỹ đã phá hủy nhiều thiết bị của Nhà máy Điện Vinh: Chân máy tuabin bị vỡ, không thể phục hồi ngay được, trạm nâng thế 35 kV bị hư hỏng nặng, 2 máy biến thế bị lật nghiêng, vùi lấp trong gạch đá, hệ thống ghi xích của lò biến dạng…

Vì dòng điện không bao giờ tắt

Ảnh tư liệu.

Theo hồi ức của ông Trịnh Duy Hiển - Nguyên Bí thư Đảng ủy, Nguyên Giám đốc Sở Điện lực Nghệ An, những năm tháng khôi phục Nhà máy vô cùng gian lao, vất vả, nhưng CBCNV đầy quyết tâm và nghị lực phi thường.

Không khí thi đua lao động sản xuất diễn ra rất sôi nổi. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, được ra đời, như: Di chuyển hệ thống điều khiển vận hành vào hang núi; sáng kiến khắc phục ống khói nhà máy bị bắn phá…

Ông Thái Văn Tuấn - Nguyên Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy điện Vinh nhớ lại: “Lúc đó, Nhà máy tập trung vào việc khoan sâu vào lòng núi Quyết, làm nhà trong lòng núi, làm hào giao thông từ Nhà máy vào các hầm, xây dựng hệ thống ống trượt, di dời những bộ phận có thể xuống hầm, ổn định cuộc sống lâu dài trong hầm, còn nước còn tát để sản xuất ra điện”.

Ông Nguyễn Hữu Đắc - nguyên kỹ sư Nhà máy điện Vinh hồi tưởng: “Đêm xuống, cả thành phố chìm trong bóng tối, dưới ngọn đuốc tẩm dầu leo lét, các đồng chí Phát, Tùng, Bình... cặm cụi xử lý sự cố lò hơi, đồng chí Nguyễn Đức Sỹ - Phó Quản đốc phân xưởng tuabin thức trắng nhiều đêm cùng anh em, mặc cho căn bệnh hen phế quản tái phát, nhưng anh nhất định không rời nhà máy. Nhiều anh em vì thiếu ngủ mà xanh xao, gầy guộc. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều động viên nhau cố gắng, hai chữ “Điện Vinh” thiêng liêng như khơi thêm động lực, sự kiên cường cho tất cả CBCNV”.

Gần 3 năm liên tục (1977-1979) vật lộn sửa chữa các lò máy, trải qua biết bao gian khổ và căng thẳng, vẫn chưa thành công, lãnh đạo Nhà máy đã quyết định thay toàn bộ hệ thống lò hơi bằng các loại vật tư thiết bị tự cải tạo, đảm bảo sự đồng bộ. Trong vòng 4 tháng, 3 lò 2 máy được lắp đặt và vận hành ổn định, đảm bảo khôi phục Nhà máy trước dự kiến. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu được cảm xúc lúc đó, anh em công nhân và Ban Giám đốc ôm lấy nhau, cùng reo hò, sung sướng.

Tháng 10/1985, Nhà máy điện Vinh ngừng hoạt động sau 28 năm làm việc, hoàn thành xuất sắc vai trò lịch sử của mình. Những năm tháng “giữ điện trong mưa bom” của CBCNV nhà máy luôn còn mãi với thời gian, là những trang sử hào hùng về những người thợ điện quả cảm sẵn sàng “Quyết tử vì dòng điện của Tổ quốc”.

Nhà máy điện Vinh:

- Ngày 15/6/1957, Bác Hồ đến thăm công trường xây dựng Nhà máy.

- Ngày 8/2/1983, hòa vào lưới điện quốc gia.

- Năm 2007, được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.


  • 16/07/2019 02:24
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1626