Người nặng lòng với những đường dây tải điện

Ở tuổi gần 80, ông Trần Viết Ngãi – Nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày nay) vẫn nhớ như in những tháng năm “nếm mật nằm gai”, nhưng cũng rất đỗi sôi nổi và đầy mê say để xây dựng nên những công trình đường dây truyền tải điện.

Ông Tần Viết Ngãi - Ảnh: NVCC.

“Ôn cố…”

Nhớ lại chuyện cũ, ông Trần Viết Ngãi không thể quên được thời gian thi công công trình đường dây 220kV Vinh – Đồng Hới. Lúc đó là năm 1982, ông đang là Tổng giám đốc Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm 5. Công trình đường dây 220kV Vinh – Đồng Hới có chiều dài 180km, phải hoàn thành trong vòng 2 năm. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, chỉ đến giai đoạn hoàn thiện thì phát sinh khó khăn. Đó là, làm thế nào để kéo dây qua sông Gianh mà không dính nước mặn từ cửa biển? “Đây thực sự là vấn đề làm tôi đau đầu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đề xuất ý tưởng mượn thuyền của bà con ngư dân gần đấy, sau đó dùng luồng neo các thuyền lại với nhau. Cuối cùng, công ty đã huy động hàng trăm chiếc thuyền đánh cá, sử dụng hàng ngàn cây luồng neo các thuyền lại thành cầu bắc qua sông, kéo dây đi trên thuyền không bị dính nước mặn. Khi kéo được sợi dây đầu tiên qua sông, anh em công nhân ôm chầm lấy nhau cùng reo hò vui sướng”, ông Ngãi chia sẻ.

Tuy nhiên, đối với ông Ngãi, gian nan vất vả nhất chính là giai đoạn thi công đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 (1992 - 1994). Công trình được thi công chia thành 4 cung đoạn. Trong đó, cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh đến Kon Tum dài 624km là cung đoạn khó khăn, phức tạp nhất, do ông chỉ huy (khi đó ông là Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500kV). Có khoảng 400km đi qua đồi núi, rừng già, cùng với nhiều khoảng vượt sông lớn như sông Lam, sông Gianh, sông Thạch Hãn,… Trong nhiều cuộc họp giao ban về tiến độ công trình đường dây 500kV, Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn nhắc: “Nếu cung đoạn của Công ty Xây lắp điện 3 xong thì toàn tuyến coi như xong”.

Để đảm bảo tiến độ, ông Ngãi đã tổ chức thành các tổng đội để giao khoán công việc; các tổng đội lại chia thành các đội, nhóm để quản lý. Lúc đó, toàn bộ “binh hùng tướng mạnh” đã được huy động cho công trường lớn nhất lịch sử. Thậm chí, lúc cao điểm, toàn tuyến có hàng chục vạn người tham gia. Công nhân lành nghề làm nhiệm vụ hướng dẫn kĩ thuật. Những nơi địa hình heo hút, hiểm trở, điều kiện khí hậu khắc nghiệt không thể đưa máy móc thiết bị vào thi công thì phải dựa vào sức người là chính.

Ông Ngãi hồi tưởng, còn 6 tháng nữa là kết thúc công trình thì tại cuộc họp giao ban, mọi người mới ngã ngửa vì việc nhập khẩu dây cáp quang bị chậm mất 6 tháng do ký hợp đồng chậm. “Không còn cách nào khác, Thủ tướng yêu cầu tôi phải sang Nhật. Sau 4 ngày ở Tokyo, chúng tôi vẫn chưa thể lo được phần cáp quang. Nói thật, sự thất vọng và lo lắng khiến tôi đứng ngồi không yên. Để tận dụng mọi cơ hội khi đã sang đến Nhật Bản, chúng tôi quyết định đi Fuzikuza là nhà máy sản xuất cáp quang của Tập đoàn Nissho Iwai. Tới đó, tôi mạnh dạn đề xuất với ông Giám đốc nhà máy sản xuất xem có đơn hàng nào của các đối tác khác tương đồng về đặc tính kỹ thuật, độ dài, thì xem xét nhường lại cho Việt Nam. Sau khi kiểm tra, Tổng giám đốc nhà máy cho biết, hiện nay có hai đơn hàng của Ấn Độ và Srilanka rất phù hợp với yêu cầu của chúng tôi. Nhưng tất nhiên nếu có sự chấp thuận của Chủ tịch Tập đoàn thì ông Giám đốc nhà máy mới dám cấp trước cho Việt Nam”.

Trong “cái khó lại ló cái khôn”, sau khi kiểm tra lại tình hình tài chính, nhân tiện ngày hôm sau về nước, ông nảy ra ý định mời ông Chủ tịch Tập đoàn đi ăn để chào tạm biệt. Trong lúc nói chuyện, trao đổi tâm tình, chớp đúng khi ông Chủ tịch Tập đoàn hỏi “các ông đã xong việc chưa?” ông đáp lại ngay là “chưa” và kể lại câu chuyện tại nhà máy cho ông Chủ tịch nghe. Ngay lập tức ông Chủ tịch Tập đoàn đồng ý cho phép cấp trước đơn hàng cáp quang cho Việt Nam. “Lúc đó, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng và tin chắc rằng công trình thế kỷ ở nhà sẽ về đích đúng tiến độ" – ông nhớ lại.

Hoàn thành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 thần tốc trong 2 năm với muôn vàn khó khăn, đây là tác phẩm đỉnh cao của thời đại với sự huy động tổng lực của rất nhiều lực lượng, đóng góp sức lực và trí tuệ của một tập thể lớn con người, từ nhân dân, quân đội, công an… đến những con người đầy nhiệt huyết như “tổng chỉ huy” Trần Viết Ngãi. 

Ông Trần Viết Ngãi - Phó Trưởng ban Chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, Giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 đang giới thiệu về thiết bị an toàn lao động với Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: NVCC.

Luôn đau đáu với ngành Điện

Sau khi đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 1 đi vào vận hành, ông Ngãi cũng là một trong số những cán bộ được Bộ Năng lượng điều về làm “bộ khung” khi thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam (năm 1994). Theo ông Ngãi, đây cột mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển đổi sâu sắc về tổ chức quản lý, nâng cao tính chủ động trong sản xuất, kinh doanh của ngành Điện. Khi đó, ông giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam phụ trách công tác đầu tư xây dựng.

Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2004, ông cùng đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư xây dựng đã nỗ lực đạt được nhiều thành tựu khi góp phần xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện quan trọng, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng như đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Ialy, Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi; Nhà máy Nhiệt điện Phả lại 2; Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng…

Năm 2004, sau khi nghỉ hưu, ông Ngãi vẫn luôn dành sự quan tâm rất lớn cho ngành Điện. Cùng với tình yêu nghề như ngọn lửa chưa bao giờ tắt, ông về làm Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và tiếp tục đóng góp tâm huyết của mình cho sự phát triển của ngành Điện lực nước nhà. 

Ông Trần Viết Ngãi chia sẻ: “Nhiệm vụ sắp tới của EVN là vô cùng nặng nề, đầy khó khăn và thách thức. Tôi luôn mong muốn, đặt nhiều kỳ vọng vào những người làm điện thế hệ sau, những người em, người cháu đang cống hiến cho ngành Điện, cho EVN - một thế hệ đầy nhiệt huyết, giàu tri thức, luôn năng động, sáng tạo sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nghiệm vụ được giao”.

Ông Trần Viết Ngãi:

  • Sinh năm: 1942
  • Giám đốc Điện lực nghệ An (1967 -1975)
  • Giám đốc Điện lực Nghệ Tĩnh (1975 -1982)
  • Tổng giám đốc Công ty Xây lắp Đường dây và Trạm 5 (1983 -1986)
  • Tổng giám đốc Công ty xây lắp điện 3 (1986 - 1994). Trong đó, từ năm 1991 -1994, ông là Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500kV kiêm Tổng giám đốc Công ty xây lắp điện 3.
  • Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam (11/1994 – 2004)
  • Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (2004 – nay).

Một số phần thưởng cao quýnhất:

  • 02 Huân chương Lao động hạng Nhất.
  • 01 Huân chương Lao động hạng Nhì.
  • 01 Huân chương Lao động hạng 3.

 


  • 31/12/2020 11:38
  • Thanh Huyền
  • 1535