“Mẹ chồng” ở công sở

Giờ ăn trưa, hai nữ nhân viên văn phòng vừa ăn vừa “tám” chuyện. Một nàng kể: “Cách đây hơn 60 năm - Công ty Gallup (Mỹ) có cuộc khảo sát thú vị đối với nhân viên theo chủ đề: “Lựa chọn sếp nam hay sếp nữ?”. Kết quả, 66% thích làm việc với sếp nam, chỉ 9% chọn sếp nữ và 25% cho rằng, sếp nam hay nữ không thành vấn đề. Nhưng điều bất ngờ lại xảy ra sau 60 năm.

Công ty Gallup lại dùng câu hỏi cũ để khảo sát hơn 11.344 nhân viên. Kết quả có sự khác biệt rõ rệt: Chỉ còn 33% nhân viên chọn sếp nam, số người chọn sếp nữ tăng lên 21% và 46% có ý kiến trung lập”.

- Thôi đi bà ơi! Đó là chuyện ở Mỹ, còn ở Việt Nam chúng ta còn nặng tư tưởng phong kiến lắm. Tôi thấy làm việc với sếp nữ lúc nào cũng thấy mình bị soi mói, thỉnh thoảng lại bị quở trách, uốn nắn không khác gì cảnh “mẹ chồng - nàng dâu”! Không biết bao giờ mới thoát khỏi cái vòng kim cô này?

- Suỵt, nói khẽ thôi chứ, “mẹ chồng” mới “liếc” qua cửa sổ kìa.

- Tiếp tục nhé… Bản thân mình thấy làm việc với sếp nữ cũng dễ chịu đấy chứ. Trước đây ở cơ quan cũ, việc trao đổi tương tác với sếp nam không được thoải mái như bây giờ, không bao giờ được khen hay nhận xét tốt, chỉ có một vài đối tượng nữ trong cơ quan được ưu ái hơn thôi.

- Ừ thì về cơ bản “mẹ chồng” cũng có mấy điểm mạnh: Thường xuyên khuyến khích nhân viên phát triển bản thân. Bà ấy thường hỏi tớ sao không tranh thủ học thêm 1 bằng đại học nữa, hoặc là học thêm ngoại ngữ? “Mẹ chồng” cũng hay tọc mạch công việc của tớ, đã giao việc rồi lại hay hỏi tiến độ, ức chế lắm. Nhưng cũng nhờ thế tớ luôn hoàn thành công việc đúng hạn và được khen. Có một điểm mạnh nữa là sếp nữ hay chia sẻ chuyện thời trang, quần áo tóc tai…, tình cảm riêng tư cũng thoải mái mà rỉ tai cho thỏa bầu tâm sự… đôi khi lại nhận được “chỉ đạo” rất có tác dụng nhé!

- Vậy thì cuối cùng bà thích sếp nam hay sếp nữ?

- Cũng tùy, nhưng theo tớ thì nếu gặp phải “mẹ chồng” trình độ kém, nhưng lại hay lên mặt dạy đời thì thôi rồi Lượm ơi! Những sếp như thế lại hay cố chấp, tự ái, đã “chiếu” ai là “chiếu” đến cùng, không cho cơ hội để người ta ngoi lên được. Người xưa có câu: “tính đàn bà” là vậy.

- Cho tớ tham gia với nhé, từ nãy đến giờ nghe trộm 2 bạn bàn chuyện gay cấn, sôi nổi nhưng không thấy có hồi kết. Bởi “bình đẳng giới” là chạm đến chuyện “hot” của thời đại đấy. Tớ chỉ mong thế này, sếp nào cũng là sếp, ai cũng có trình độ lãnh đạo cả. Ở vị trí đó, điều hành sao cho có văn hóa, đưa cơ quan đoàn kết tiến lên. Đặc biệt, sếp cần dẹp tính ích kỷ, cá nhân, nhỏ nhen, cố chấp, làm khó cho nhân viên và hòa đồng gần gũi với cấp dưới. “Mẹ chồng” mà thương yêu nhân viên như thế thì lo gì cơ quan không tiến lên.

- Tớ chỉ sợ nhất sếp nam mà lại có tính “mẹ chồng” theo kiểu phong kiến mới là thảm họa cho cơ quan!.

- Thôi nào, ăn đi kẻo nguội, món này mình mới học được của “mẹ chồng” hôm trước đó. Ngon không?


  • 21/06/2016 03:51
  • Nguồn:Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1338