Ngành Điện chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp thế nào?

Giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp từ lâu đã trở thành nét văn hóa đẹp trong ngành Điện. Nhiều đơn vị đã có cách phù hợp với đặc thù của mình.

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC)

Xây dựng nét đẹp trong chia sẻ khó khăn

Ngành Điện là một ngành nghề kinh tế - kỹ thuật đặc thù, nên công việc của lực lượng lao động trực tiếp rất vất vả. Chưa kể, trong cuộc sống riêng, nhiều cán bộ, công nhân viên phải đối mặt với những khó khăn về sức khỏe, nhà ở, gia cảnh, những người không may bị tai nạn lao động, bị thương trong quá trình làm việc cũng có thể khiến gia đình chật vật. Khi thiên tai, bão lũ, nhiều người lao động nhà cửa bị lũ cuốn trôi, tốc mái, hư hại... nhưng bản thân họ vẫn phải bám trụ với công việc, tham gia khắc phục các sự cố, thiệt hại về điện nhằm đảm bảo sớm cấp điện trở lại cho người dân.

Với những hoàn cảnh trên, Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc thường xuyên quan tâm, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để kịp thời động viên, chia sẻ. Những đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên người lao động trực tiếp tại hiện trường... Tuy giá trị hỗ trợ về vật chất chưa nhiều, nhưng EVNNPC luôn mong muốn có thể gửi sự động viên kịp thời nhất đến người lao động.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức công đoàn đều có những cách làm riêng, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình, góp phần sẻ chia khó khăn của đồng nghiệp. Tôi tin rằng, việc xây dựng nét đẹp nghĩa tình tại EVNNPC nói riêng và các đơn vị trong ngành nói chung là điều cần làm, không chỉ góp phần gắn kết, thấu hiểu giữa con người trong cùng một tổ chức, mà còn hình thành nét đẹp văn hóa doanh nghiệp EVN.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa)

Ở đâu công nhân khó, ở đó có sẻ chia

Là một người làm việc tại Công đoàn Công ty, tôi có nhiều cơ hội tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đời sống của người lao động. Tôi luôn tâm niệm, đồng hành cùng người lao động vượt qua những khó khăn cũng là một cách giúp doanh nghiệp xây dựng khối đoàn kết, gắn bó, tạo nên sức mạnh tập thể thống nhất, cùng nhau hoàn thành một cách tốt nhất nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Để đồng hành cùng người lao động, chính quyền và Công đoàn PC Khánh Hòa luôn thực hiện phương châm: Ở đâu công nhân khó, ở đó có sẻ chia. Một ví dụ tiêu biểu là với những người lao động tham gia vận hành cấp điện tại các đảo nhỏ như Trí Nguyên, Bích Đầm, thường xuyên phải xa nhà, đời sống còn khó khăn. Nắm bắt được điều này, lãnh đạo, Công đoàn Công ty luôn dành sự quan tâm, như trực tiếp tới thăm hỏi, động viên CBCNV làm việc tại nơi đầu sóng, ngọn gió vào các dịp như Tết Nguyên Đán, Tháng Công nhân.., phối hợp với Công đoàn cấp trên xây dựng nhà trực vận hành, hỗ trợ kịp thời người lao động khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; Chăm lo hơn đến bữa ăn ca, điều kiện làm việc. Công ty cũng tạo điều kiện đổi ca trực, sắp xếp lại công việc nếu gia đình người lao động có người ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày... Sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể, không phô trương, hình thức như vậy đã tạo ra đồng thuận, tin tưởng của người lao động, cũng như tạo nên tình cảm gắn kết sâu sắc trong nội bộ PC Khánh Hòa.  

Anh Bùi Xuân Tiến, Bí thư Đoàn Thanh niên Trung tâm Thông tin Điện lực

Món quà nhỏ, ý nghĩa lớn

Việc giúp đỡ đồng nghiệp gặp khó khăn là một nét đẹp văn hóa của Trung tâm Thông tin Điện lực. Trong những chuyến công tác tại cơ sở, các phóng viên của Tạp chí Điện lực đã tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp trong ngành Điện gặp khó khăn, bất hạnh, những người mắc bạo bệnh, tai nạn lao động … đang phải cố gắng chống chọi để tồn tại. Chính sự đồng cảm và mong muốn giúp những đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, Tạp chí Điện lực đã mở chuyên mục “Vòng tay nhân ái” từ năm 2010 đến nay nhằm đăng tải thông tin về những trường hợp cần giúp đỡ và phản ánh hoạt động từ thiện của các đơn vị trong ngành Điện.

Bên cạnh việc kêu gọi sự hỗ trợ trong và ngoài ngành thông qua chuyên mục “Vòng tay nhân ái”, phong trào “Món quà nhỏ, ý nghĩa lớn” do Đoàn Thanh niên Trung tâm phát động cũng ra đời từ năm 2010. Gần 8 năm duy trì phòng trào này, EVNEIC đã gửi tới hàng chục trường hợp khó khăn trong Ngành những món quà nhỏ nhưng tràn đầy tình cảm của mình, giúp họ xoa dịu nỗi đau, có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi luôn mong muốn những việc làm nhỏ của mình sẽ mang lại niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn.


  • 24/06/2018 07:00
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2399