Làm gì khi con nổi loạn tuổi dậy thì

Đây là câu hỏi khiến không ít phụ huynh đau đầu. Có những bậc phụ huynh tốn cả chục triệu đồng đi “cầu cứu” chuyên gia tâm lý nhưng nếu không gặp đúng người thì kết quả vẫn là con số 0.

Thạc sĩ Lê Minh Hiếu - chuyên gia Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết có rất nhiều bà mẹ tìm đến anh khi không biết làm gì với tính cách ương bướng, nổi loạn của con ở tuổi dậy thì.

Không ai muốn tin đây là những câu nói của cậu con trai 14 tuổi với mẹ mình: “Bà có quyền gì mà cấm tôi? Bà mà còn nói nữa tôi sẽ lên sân thượng nhảy xuống dưới chết ngay cho bà vui”...

Bà mẹ trong tình cảnh trên đã tìm đến Thạc sĩ Lê Minh Hiếu. Chị khóc nức nở khi chia sẻ rằng mình chỉ muốn tốt cho con nên luôn nhắc nhở con học bài, dậy sớm đi học đúng giờ.

Tuy nhiên, cháu bé bỏ ngoài tai lời của mẹ. Hơn thế, cậu bé còn thách thức mẹ bằng cách sáng nào cũng đi học muộn. Vậy nên ngày nào cô giáo cũng gửi tin nhắn cho phụ huynh để phàn nàn về việc cậu bé chưa hoàn thành nghĩa vụ học tập.

Nghĩ mình đi làm vất vả để cho con có cuộc sống đủ đầy hơn mà mỗi việc học con cũng làm không xong, nhiều lần không kiềm chế được cảm xúc chị đã đánh con.

Sau những lần bị mẹ đánh mắng, đứa con của chị càng tỏ ra bất cần. Mỗi khi cháu làm sai việc gì đều rất lạnh lùng và tỏ thái độ thách thức bố mẹ.

Có lần, cháu quên sách vở, không làm bài tập và nói dối nên chị đã đánh con thật đau và dùng những lời lẽ rất khó chịu để mắng con. Ngược với kỳ vọng của bố mẹ là con sẽ sợ và xin lỗi thì đứa trẻ dọa sẽ lên sân thượng để nhảy xuống tự tử.

Theo chuyên gia giáo dục Lê Minh Hiếu thì khi con cá tính, bố mẹ càng cần tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề tâm lý. Bố mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng sự cá tính là biểu hiện của tiêu cực.

“Tôi luôn coi những đứa trẻ cá tính là những đứa trẻ thông minh, có nhiều sáng kiến sau khi trưởng thành nếu chúng ta biết định hướng đúng cách. Chính vì thế nên ngay từ bé, khả năng đứa trẻ nhận thức cái tôi và khẳng định cái tôi lớn hơn.

Giáo dục những đứa trẻ này bố mẹ phải học hỏi nhiều hơn chứ không phải chỉ theo cách nuôi dạy con truyền thống. Mỗi đứa trẻ có tính cách khác nhau nên không có phương pháp giáo dục nào chung cho tất cả mọi người.

Về cơ bản, cha mẹ cần hiểu tâm lý và tìm hiểu để biết trẻ muốn gì, cần gì, có gặp khó khăn, trở ngại nào về học tập hay các mối quan hệ với thầy cô, bạn bè không. Từ đó cha mẹ luôn đồng hành cùng con ở bất kỳ mặt trận nào. 

Trẻ càng nổi loạn, cha mẹ càng cần hạn chế quát mắng, chửi bới và xúc phạm hay bài xích con, cấm cản bạn bè cũng như các thú vui của con. Quan trọng là cha mẹ hãy thể hiện sự tôn trọng con bằng cách lắng nghe con bày tỏ quan điểm riêng rồi mới nói lên những suy nghĩ của mình”, chuyên gia Lê Minh Hiếu đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra, theo chuyên gia Lê Minh Hiếu, những đứa trẻ dọa tự tử ở góc độ nào đó lại là những đứa trẻ ý thức rất tốt về sự sống và cái chết.

“Tất nhiên, khi con dọa tự tử, cha mẹ không thể thách thức là “con nhảy lầu đi, hay con tự tử đi”… Cha mẹ cần tỏ ra khiêm nhường, lắng nghe, nhẫn nhịn tại thời điểm đó. Bởi vì đó chính là cách cho đứa trẻ một khoảng thời gian nhìn lại vấn đề của chính mình. Cha mẹ nên tìm một điểm chung để tiếp cận với con. Tình huống cha mẹ găng lên, nổi nóng sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ đẩy con ra xa hơn.

Sau khi khoảnh khắc con đòi tự tử nguôi ngoai, bố mẹ hãy thành những người bạn, ngồi lại, nói chuyện nhẹ nhàng với con, phân tích đúng sai để con hiểu ra vấn đề.

Cũng có những người mẹ sẵn sàng quát “mày chết đi, mày tự tử đi cho khuất mắt tao” nhưng tôi không tán thành việc này. Vì nếu con bạn là những đứa trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần chứ không còn dừng lại ở việc nổi loạn tuổi dậy thì thì bạn nói như thế khiến đứa trẻ tổn thương nghĩ cha mẹ không cần nó nữa và nó sẵn sàng nhảy lầu. Lúc ấy, hậu quả là khôn lường”, chuyên gia Lê Minh Hiếu chia sẻ.

Link gốc


  • 18/12/2020 05:09
  • Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/
  • 3037