Lại bàn về... họp!

Hội họp - nếu được tổ chức khoa học, thiết thực về nội dung, về hình thức, sẽ không những tiết kiệm được thời gian, kinh phí mà còn đạt được mục đích để mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Tôi may mắn được gặp nữ Giáo sư Lưu Lệ Hằng, người Mỹ gốc Việt - một nhà thiên văn học được nhận giải thưởng Shaw 2013, hiện đang làm việc tại cơ quan nghiên cứu vũ trụ NASA.  Bà về Quy Nhơn cuối tháng 7 vừa qua tham gia Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam và trình bày một số vấn đề của đề tài “Khoa học về Sao Thiên Vương”.

Trong cuộc trò chuyện thân mật, bà cho biết: “Cơ chế làm việc của Hội đồng nghiên cứu khoa học “thoáng” lắm, chủ yếu làm việc theo nhóm và khi cần trao đổi thì thông qua hệ thống thông tin nội bộ. Khi phải trình bày kết quả nghiên cứu, hay có ý tưởng mới thì mới tổ chức họp Hội đồng Khoa học, có khi đến 6 tháng, cả năm mới có cuộc họp báo cáo”.

Vâng, đấy là chuyện xứ người và cũng là đặc thù nghề nghiệp. Nhưng tôi muốn nói ra để thấy chuyện họp hành ở Việt Nam hiện nay phức tạp lắm. Không tin bạn cứ mở mục “Lịch công tác tuần” của bất cứ cơ quan nào, từ Trung ương đến địa phương - 5 ngày làm việc trong tuần đều liên quan đến các cuộc họp, lại có khi “họp bù” lan ra 2 ngày nghỉ vì giải quyết công việc chưa xong! Và cứ như thế, một năm có 52 tuần thì tuần nào cũng “chật ních” những cuộc họp.

Ngoài triển khai nhiệm vụ chuyên môn, các cơ quan đơn vị nhà nước còn họp Đảng, họp tổ Công đoàn, họp Đoàn thành niên… Riêng phụ nữ ngoài 2 ngày 8/3 và 20/10 còn họp triển khai nhiều nội dung lắm: Bình đẳng giới, Tiến bộ phụ nữ, phụ nữ nghèo… Đó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp tư nhân không muốn thành lập các đoàn thể vì họ sợ… họp. Nếu cần họp, xin mời các Quý vị hãy tổ chức ngoài giờ hành chính!

Ảnh minh họa

Nhưng họp nhiều còn lý giải được, chỉ có hình thức họp và nội dung họp là chuyện đáng bàn. Ví dụ cuộc họp tổng kết thi đua năm, đã có báo cáo dài hàng chục trang gửi cho các đại biểu rồi, chủ trì cuộc họp lại lên đọc báo cáo tổng kết  hàng tiếng đồng hồ. Ai đọc cứ đọc, ai nghe cứ nghe, thi thoảng có tiếng vỗ tay thì đại biểu giật mình vỗ theo! Cuối cùng Ban Tổ chức giới thiệu một vài đại biểu đã chỉ định sẵn lên đọc báo cáo tham luận. Báo cáo tham luận cũng có trong tài liệu hội nghị… Những cuộc họp như thế thật lãng phí thời gian, kinh phí, kể cả sức khỏe của đại biểu. Ngoài kia, người lao động đang quần quật làm việc, còn trong phòng điều hòa mát lạnh, các đại biểu dự họp đó có giải quyết được vấn đề gì không? Bên cạnh đó, nên tổ chức họp trực tuyến hay họp trực tiếp? Các phương tiện thông tin hiện đại đã được trang bị tương đối hoàn chỉnh. Vì vậy, không cần thiết phải triệu tập các đơn vị nằm rải rác trong cả nước về cơ quan chủ quản họp 1 ngày! Làm như vậy vừa lãng phí thời gian, công sức cũng như chi phí ăn ở, đi lại cho các đại biểu.

Trong những năm gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã rất chú trọng các cuộc họp trực tuyến, góp phần tiết giảm thời gian di chuyển, thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm và ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất - kinh doanh.

Văn hóa doanh nghiệp cũng đề cập nhiều đến tiết kiệm. Một trong những nội dung tiết kiệm quan trọng nhất là tiết kiệm thời gian. Thiết nghĩ, hội họp - nếu được tổ chức khoa học, thiết thực về nội dung, về hình thức, sẽ không những tiết kiệm được thời gian, kinh phí mà còn đạt được mục đích để mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
 


  • 28/10/2015 04:11
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1374


Gửi nhận xét